Hiện đã là những tháng cuối năm, bức tranh về giao thông của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng có lẽ đã gần như hoàn thiện. Ông đánh giá ra sao về tình hình an toàn giao thông trong năm qua?
Năm 2022, tình hình dịch bệnh đã ổn định, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và lượng phương tiện ô tô xe máy tăng 15 - 20% hàng năm, chúng tôi đánh giá bức tranh giao thông năm qua khá phức tạp.
Toàn quốc xảy ra 10.316 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.810 người và bị thương 6.945 người. So với cùng kỳ năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19), số vụ giảm 35%, số người chết giảm 16,6% và số người bị thương giảm gần 43%. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, 2 tiêu chí số vụ và số người chết tăng tương ứng 2% và 13%, còn số người bị thương giảm gần 2%. Riêng ùn tắc giao thông xảy ra 75 vụ, giảm 41 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét tại địa bàn Hà Nội, thủ đô hiện có 24 điểm đen về tai nạn giao thông. Năm 2022, địa bàn thành phố xảy ra 688 vụ, làm chết 340 người, bị thương 475 người. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông lại diễn biến phức tạp hơn, có xu hướng tăng về cả không gian và thời gian, chủ yếu xảy ra tại khu vực các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố, các tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm.
Nguyên nhân của thực trạng tai nạn giao thông và ùn tắc trên có một phần từ việc phát triển giao thông đô thị và phát triển lượng phương tiện tham gia giao thông chưa đồng nhất. Việc tổ chức giao thông cũng còn nhiều bất cập, có những đoạn thí điểm nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn của người dân. Nhưng trên hết, ý thức của người tham gia giao thông dù đã được cải thiện nhiều nhưng đến khi tổ chức giao thông và tham gia giao thông tại các điểm giao cắt vẫn còn cần tiếp tục điều chỉnh.
Tai nạn giao thông ở Việt Nam tác động chính đến những đối tượng nào, thưa ông?
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, 80% đối tượng và nạn nhân của tai nạn giao thông ở Việt Nam là người 20-50 tuổi, còn học sinh sinh viên chiếm 6%. Những con số này khiến chúng ta đau xót. Điều này không chỉ khiến Việt Nam mất đi nguồn tài sản quý giá là tính mạng người dân, lực lượng lao động quan trọng mà còn gây ra nhiều gánh nặng lâu dài về xã hội.
Với trách nhiệm là người thi hành công vụ, chúng tôi rất chia sẻ với nỗi đau, mất mát của các gia đình nạn nhân.
Là một người làm trong ngành giao thông lâu năm, ông có gợi ý những giải pháp nào nhằm giảm bớt thực trạng đau lòng này không?
Rượu bia liên quan đến phần lớn các vấn đề an toàn giao thông. Văn hóa rượu bia và ý thức thượng tôn pháp luật còn thấp khiến phần lớn các tai nạn giao thông ở Việt Nam đều có liên quan đến đồ uống có cồn.
Rất dễ thấy những ví dụ về việc người tham gia giao thông không có ý thức tôn trọng pháp luật. Những video hai xe khách chèn nhau trên quốc lộ, ô tô đi vào làn khẩn cấp trong cao tốc, xe cứu thương bật còi ưu tiên nhưng xe trước không nhường đường, uống rượu bia không làm chủ được tốc độ hay đi sai làn… không phải hiếm thấy.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền với các đối tượng này (người tham gia giao thông ở độ tuổi lao động) thì chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trên thực tế, các hoạt động tuyên truyền đến từng cụm dân cư, tổ dân phố diễn ra thường xuyên, nhưng ở đó chủ yếu lại là người già, còn đối tượng tham gia giao thông chính là người lao động thì giờ đó lại ở ngoài đường.
Thế nên, các biện pháp tuyên truyền với đối tượng này cần đổi mới để họ tiếp cận kịp thời hơn với tình hình an toàn giao thông, cũng như tác động ngay lập tức để điều chỉnh được ý thức cũng như hành vi của họ. Việc tạo ra những sân chơi kết hợp tuyên truyền để người tham gia giao thông hiểu rằng nhường đường cho người khác cũng là có lợi cho chính mình, việc chuyển biến hành vi chắc chắn sẽ diễn ra nhanh hơn, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn minh.
Ngoài ra, việc xử lý nghiêm của người chấp hành công vụ cũng có tác động rất lớn đến tình hình thực hiện an toàn giao thông.
Nâng cao ý thức và tạo nên sân chơi để người trẻ có thể đóng góp những sáng kiến, ý tưởng mới vào việc giữ gìn an toàn giao thông - là mục tiêu của chương trình Sáng kiến an toàn giao thông mà báo Điện tử Dân trí, kết hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12/2022. Ông đánh giá ra sao về tác động của chương trình này với người trẻ Việt nói chung và tuổi trẻ thủ đô nói riêng?
Qua quá trình theo dõi, tôi thấy các bạn trẻ đã gửi hàng trăm bài viết, bài tham gia, và nhất là công nghệ để từ công nghệ giải quyết các bài toán về an toàn giao thông. Chúng tôi đánh giá rất cao những sáng kiến ấy, vì nó thể hiện trách nhiệm của những công dân trẻ với vấn đề an toàn giao thông của Việt Nam, mà trên hết là với tính mạng của đồng bào. Đó có thể chỉ là những ý tưởng ở mức sơ khai, hay những ứng dụng công nghệ đã qua nghiên cứu tìm tòi, có độ khả thi cao…, nhưng đó đều là thời gian, công sức, và tấm lòng muốn chia sẻ những điều bản thân thấy hữu ích cho toàn xã hội.
Với lượng tham gia như vậy, cuộc thi này rõ ràng đã tạo được một sức hút rất lớn. Chúng tôi thật lòng mong mỏi cuộc thi này sẽ tạo ra sự lan tỏa không chỉ với giới trẻ, học sinh, sinh viên mà còn những người liên quan nữa, tạo thành một biện pháp tuyên truyền linh hoạt, nơi mà người ta không chỉ nghe lý thuyết hay trải nghiệm của người khác, mà phải tự nghĩ ra cách đi như thế nào cho an toàn nhất, làm thế nào để mình tham gia giao thông nhưng không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Cuộc thi rõ ràng mới chỉ ở những khâu đầu tiên, và bản thân nó cũng chỉ là những bước đầu tiên trên hành trình xây dựng môi trường giao thông an toàn tại Việt Nam, nhưng đã tạo nên ảnh hưởng rất tốt tới xã hội.
Ông kỳ vọng gì vào những sáng kiến hay ý tưởng công nghệ trong chương trình?
Sáng kiến được người trẻ đưa ra để phục vụ chính họ chắc chắn sẽ xác thực nhất, phù hợp nhất. Không dừng ở mức ý tưởng, phần lớn người tham gia cuộc thi đều gợi ý các giải pháp, với những cách triển khai thực sự công phu. Nhiều giải pháp công nghệ, truyền thông có tính thực tiễn rất cao, có thể áp dụng được ngay.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được những ý tưởng, sáng kiến sáng tạo, mang tính đột phá, nhất là các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin. Đồng thời, ban tổ chức cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, đồng hành của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, huy động nguồn lực xã hội hóa cùng phát triển, hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến khả thi, có khả năng áp dụng vào thực tiễn, để những ý tưởng không chỉ là trên giấy hay mô hình thử nghiệm mà sẽ thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ người dân.
Giải pháp thường chỉ dừng ở vấn đề kỹ thuật, nhưng rượu bia lại là văn hóa, liên quan đến ý thức nhiều hơn. Làm thế nào để những sáng kiến, giải pháp này có thể giải quyết được vấn đề vốn thuộc về ý thức văn hóa như lái xe sau khi uống rượu bia?
Rượu bia đúng là vấn đề liên quan đến ý thức văn hóa, nên cách tốt nhất là tạo nên một văn hóa uống rượu bia. Chúng ta vẫn nói với nhau "đã uống rượu bia thì không lái xe", từ khẩu hiệu tạo nên ý thức tự giác, không chỉ với người tham gia giao thông mà còn với cả các doanh nghiệp, nhà hàng, quán ăn và xã hội.
Rất nhiều nhà hàng khi thấy khách uống đã sắp xếp dịch vụ đưa về tận nhà, hay chỉ bán đến khung giờ nhất định. Đấy chính là ý thức cộng đồng, ý thức văn hóa. Kèm theo những chế tài đủ mạnh (như mức xử phạt rất cao lên tới 17 triệu đồng, tương đương với một chiếc xe máy) thì người tham gia giao thông sẽ thấy ngay việc uống rượu bia có tác hại ngay lập tức đến họ ra sao (tác động thẳng vào thiệt hại kinh tế) thì ý thức sẽ có chuyển biến.
Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ về một hình ảnh người trẻ tham gia giao thông tại Việt Nam không?
Tôi có nhiều kỷ niệm, nhưng khiến tôi xúc động nhất khi truyền thông đưa ra là hình ảnh một cháu học sinh khi đi qua đường, được xe ô tô nhường đường thì cúi người xuống cảm ơn. Đây là hình ảnh đẹp lắm! Nó cho thấy văn hóa giao thông Việt Nam có lẽ nên bắt đầu từ ý thức xếp hàng, nhường nhịn. Nếu mỗi người đều nhường nhịn, biết ơn nhau như thế, thì sẽ là sự lan tỏa về ý thức tham gia giao thông rất lớn.
Là một người chiến sĩ công an, một người cha, ông có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ về việc nâng cao an toàn khi tham gia giao thông và đóng góp nhiều hơn vào giữ gìn an toàn giao thông nói riêng và trật tự xã hội nói chung?
Là người làm trong ngành giao thông nhiều năm, chứng kiến nhiều vấn đề mất an toàn giao thông rất nhức nhối, tôi muốn gửi đến các bạn trẻ Việt Nam lời nhắn nhủ trong dịp Tết sắp đến. Đó là "Vui thì vui, nhưng không được uống rượu khi lái xe" đâu nhé!
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại
.
Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính , đơn vị tài trợ .
Nội dung: Hạ Minh
Ảnh: Hữu Nghị
Thiết kế: Khương Hiền
02/12/2022