Eyjafjallajokull, Iceland: Ở phía nam của quốc đảo, ngọn núi lửa này đặc biệt ngoạn mục vì nằm bên dưới sông băng cùng tên. Điểm cao nhất của Eyjafjallajokull đạt tới 1.666 m so với mực nước biển. Trong nửa đầu năm 2010, Eyjafjallajokull trở thành tiêu đề tin tức trên khắp thế giới khi một loạt vụ phun trào diễn ra, tạo nên những đám mây tro bụi lớn khiến giao thông hàng không ở châu Âu gián đoạn. Ảnh: Marc Stephan.
Núi Etna, Italy: Có độ cao 3.320 m, Etna là ngọn núi lửa đang hoạt động cao nhất ở châu Âu. Đây cũng là một trong những địa danh nổi tiếng và tráng lệ nhất ở Sicily. Ngọn núi lửa này có diện tích khoảng 1.600 km2, trong khi chiều cao và hình dạng thường xuyên thay đổi do các vụ phun trào. Etna được cho là đã hoạt động trong khoảng 2,6 triệu năm. Etna đôi khi bị đóng cửa với lý do an toàn, nhưng khi đủ điều kiện để tham quan, du khách có thể đi bộ đường dài hoặc đi cáp treo 20 phút lên núi và ngắm cảnh tại 3 đài quan sát trên sườn núi. Ảnh: Vadym Lavra.
Núi Phú Sĩ, Nhật Bản: Cách Tokyo khoảng 97 km, núi Phú Sĩ cao 3.776 m là đỉnh núi cao nhất và là biểu tượng của Nhật Bản. Phú Sĩ là núi lửa đã ngưng hoạt động với lần phun trào cuối cùng cách đây hơn 300 năm. Ngọn núi đặc biệt đẹp khi được nhìn từ hồ Ashi ở Hakone hoặc chùa Chureito, thành phố Fujiyoshida. Phú Sĩ là một trong ba ngọn núi thiêng của đất nước. Mùa leo núi thường kéo dài từ tháng 7 đến giữa tháng 9, khi thời tiết ôn hòa, mọi người có thể đi theo những con đường mòn lên đỉnh. Ảnh: Sakarin Sawasdinaka.
Núi lửa Taal, Philippines: Taal là núi lửa đang hoạt động nhỏ nhất thế giới, nằm trong một hồ nước cùng tên. Đây là núi lửa hoạt động mạnh thứ 2 ở Philippines và vụ phun trào lớn gần đây nhất xảy ra vào tháng 3 dẫn đến việc trường học và các cơ quan đóng cửa, những chuyến bay trong khu vực bị đình chỉ. Trước đây, canô sẽ chở hành khách từ Talisay đến đảo Volcano (núi lửa Taal). Sau đó, du khách sẽ đi theo những con đường mòn đầy bụi đến hồ miệng núi lửa. Tuy nhiên, kể từ lần phun trào vào năm 2020, việc tham quan núi lửa bị nghiêm cấm. Ảnh: Saiko3p.
Cotopaxi, Ecuador: Cotopaxi là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động cao nhất thế giới, với chiều cao 5.911 m. Ngọn núi nổi tiếng với vẻ đẹp gần như đối xứng, phủ đầy tuyết trắng. Hình nón tuyết của Cotopaxi có thể được nhìn thấy từ xa như thủ đô Quito của Ecuador, cách núi lửa khoảng 56 km. Sau đợt phun trào gần nhất vào cuối năm 2015, giờ đây, du khách có thể đến đây leo núi. Ảnh: Fabricio Burbano.
Núi Kilimanjaro, Tanzania: Kilimanjaro là núi lửa cao nhất thế giới, được hình thành từ tro bụi, dung nham và đá. Với chiều cao 5.895 m, núi lửa này cũng nắm giữ kỷ lục là ngọn núi cao nhất châu Phi và đỉnh núi lớn nhất thế giới không thuộc một dãy núi. Người ta ước tính Kilimanjaro phun dung nham lần cuối vào khoảng 360.000 năm trước. Do đó, các hoạt động du lịch ở đây rất phổ biến. Ảnh: Andrzej Kubik.
Núi Bromo, Indonesia: Nằm trong "Vành đai lửa", tỉnh Đông Java của Indonesia nổi tiếng với những ngọn núi lửa. Trong đó phải kể đến núi Bromo, chỉ cao 2.392 m, nhưng là địa điểm nổi tiếng và được chụp ảnh nhiều nhất. Bromo là một trong 3 đỉnh núi đá nguyên khối nằm trong miệng núi lửa Tengger Massif của vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru. Cảnh quan nơi đây tuyệt đẹp, thu hút du khách đến khám phá hàng năm, mặc dù núi lửa vẫn đang hoạt động và phun trào lần cuối vào tháng 7/2019. Ảnh: ToppyBaker.
Kilauea, Hawaii, Mỹ: Kilauea được biết đến là một ngọn núi lửa hình khiên, bởi có độ dốc tương đối thấp, thoải, được hình thành do dung nham lan xa. Du khách có thể nhìn thấy núi lửa và các cánh đồng dung nham sủi bọt từ các chuyến tham quan bằng trực thăng hoặc đi vòng quanh con đường Crater Rim Drive chạy dọc rìa của miệng núi lửa Kilauea trong công viên quốc gia núi lửa Hawaii. Ảnh: Benny Marty.