8/3, ngẫm về nữ quyền từ phát ngôn tranh cãi của MC Trác Thúy Miêu

07/03/2022 15:03

Quan điểm của chị MC Trác Thúy Miêu có thể đúng với chị nhưng không thỏa đáng với tất cả mọi người", độc giả Hải Yến bày tỏ.

*Bài viết thế hiện quan điểm riêng của người viết, có thể không đồng nhất với quan điểm của VietNamNet

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về phát ngôn gây nhiều tranh cãi, thậm chí khiến dư luận rất phẫn nộ của MC Trác Thúy Miêu. Chị Miêu sau việc bàn về phụ nữ với những tư tưởng đi lùi, áp đặt về quan điểm vào năm ngoái, lại một lần nữa viết về người phụ nữ với góc nhìn thật sự có vấn đề, mặc dù khẳng định là đang đứng ở góc nhìn của phái đẹp.

Tư tưởng có vẻ như “nữ quyền” của chị, vẫn không thể phủ nhận được hiện thực rằng phụ nữ phải phục vụ đàn ông và chỉ có phái mạnh mới là một thứ “validate” (công nhận giá trị). Nhân ngày 8/3, khi xung quanh vẫn xôn xao về nhiều phát ngôn về người phụ nữ, hãy cùng bàn đôi chút về nữ quyền và giá trị thật sự của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

8/3, ngẫm về nữ quyền từ phát ngôn tranh cãi của MC Trác Thúy Miêu
Trác Thúy Miêu gây tranh cãi khi phát ngôn về đàn bà dịp 8/3.

Theo các nhà nghiên cứu khoa học, chủ nghĩa nữ quyền (feminism) được xem là khởi nguồn từ Mary Wollstonecraft (1759-1797) là nữ nhà văn, nhà triết học Anh và sau đó là François Marie Charles Fourier (1772 – 1837), nhà chủ nghĩa xã hội khoa học không tưởng người Pháp.

Tính đến thời điểm hiện tại, khi hai thế kỷ đã trôi qua, chủ nghĩa nữ quyền đang ở làn sóng thứ tư, sau ba làn sóng trước đó để vận động cho quyền lợi của phụ nữ và giải phóng phụ nữ, cũng như điều chỉnh những quan điểm sai lầm về chủ nghĩa nữ quyền. Trong lịch sử nữ quyền thế giới đồng thời đã ghi nhận nhiều tên tuổi của các nhà nữ quyền như Amelia Bloomer, Alice Paul, Lucy Stone, Virginia Woolf, Simone de Beauvoir, Betty Friedan, Maya Angelou…

Đại đa số mọi người khi đề cập đến nữ quyền đều nhầm lẫn là đòi bình đẳng nam nữ trên mọi phương diện và khuyến khích phụ nữ làm những công việc ngang tầm đàn ông. Kỳ thực, đó chỉ là những hiểu lầm từ phong trào đấu tranh nữ quyền thời kỳ đầu cách đây hơn một thế kỷ, khi mà đa số phụ nữ trên thế giới chưa có quyền tự do đi bầu cử như nam giới, chưa được phép đi làm, đi học, lái xe hay đi một mình ngoài đường… Cũng từ đó, dẫn đến nhiều sự sai lệch trong cách hiểu nữ quyền và bình đẳng giới cho đến tận ngày nay. Thậm chí, từ cách hiểu sai ấy, dẫn đến việc nhiều người phản đối nữ quyền vì cho rằng phong trào nữ quyền đã trực tiếp khuyến khích phụ nữ sống như đàn ông, không cần lấy chồng, dễ dàng chia tay chồng, không xem trọng việc bếp núc, tệ hơn là cư xử cọc cằn, ăn to nói lớn như đàn ông…

Cũng từ đó, tại Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới đã nảy sinh ra một chiều hướng tạm gọi là anti nữ quyền hay phản nữ quyền, cụ thể là khuyến khích phái đẹp hành xử theo quan điểm truyền thống kiểu “lạt mềm buộc chặt”, khuyến khích phụ nữ nên quay về với truyền thống chiều chồng, chăm chỉ nấu ăn, làm đẹp bằng mọi hình thức, vận dụng mọi phương thức để giữ chân chồng… Quan điểm về nữ quyền của MC Trác Thúy Miêu khi nhìn nhận ở góc độ này thật sự là quan điểm sai lệch.

Cũng bởi theo quan điểm nữ quyền hiện đại phụ nữ có quyền tự quyết định làm những việc mình hứng thú và có khả năng thực hiện. Một xã hội tôn trọng nữ quyền là nơi tôn trọng sự chọn lựa của phụ nữ, để họ sống cuộc đời như mong muốn, thực hiện việc mình muốn làm chứ không phải làm theo những điều mà người ta muốn phụ nữ làm, hay áp đặt họ phải làm.

Do đó, chúng ta thấy rằng có những phụ nữ lựa chọn ở nhà nội trợ, sống vì chồng con, cũng có phụ nữ lựa chọn dấn thân ra ngoài xã hội. Có phụ nữ sẽ thích một cuộc sống bình lặng với gia đình, có phụ nữ lại muốn một cuộc đời tự do, sôi động, đầy thử thách. Một xã hội tôn trọng nữ quyền thì cũng sẽ tôn trọng quan điểm phụ nữ cần phải tự tin, độc lập và tự do, cũng tôn trọng những cách thức mà phụ nữ lựa chọn cho cuộc đời họ, đồng thời tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện điều đó.

8/3, ngẫm về nữ quyền từ phát ngôn tranh cãi của MC Trác Thúy Miêu
MC Trác Thúy Miêu.

Thế nên chị MC Trác Thúy Miêu phát ngôn về phụ nữ như sau: "Mỗi người đàn bà là một nghệ sĩ… Phải trưng trổ, phải sửa soạn, phải duyên dáng, luyện đứng luyện nằm, luyện cả nữ công gia chánh, phong thái xã hội, một nét son cũng nghiêm cẩn như một lớp hoá trang sân khấu. Thảm cảnh của nghệ sĩ chính là… không có khán giả. Khán giả của đàn bà chính là đàn ông!" thì cá nhân tôi cho rằng bản thân chị đang dựa trên quan điểm của cá nhân và cuộc đời của chính chị ấy. Chị ấy cần đàn ông nhìn ngắm mình, chị ấy chưng diện, luyện nữ công gia chánh, sửa soạn điểm trang là vì đàn ông.

Quan điểm của chị MC Trác Thúy Miêu có thể đúng với chị nhưng không thỏa đáng với tất cả mọi người. Cũng bởi chị đang nhân danh nam quyền để đòi hỏi. Trào lưu nữ quyền chân chính không chỉ khuyến khích phụ nữ học cách làm đẹp mà còn rất tôn trọng quyền được xấu của người phụ nữ, vì không phải phái đẹp nào cũng có điều kiện để làm đẹp, để trau chuốt về hình thức. Đó là chưa kể đôi khi vì lý do sức khỏe, họ chẳng phái lúc nào cũng duy trì được nhan sắc. Kể cả việc kém hiểu biết, kém trong ứng xử... cũng vậy, chẳng thể đòi hỏi phụ nữ phải luôn giỏi giang, hoàn hảo, đẹp nết... vì còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện và hoàn cảnh riêng của mỗi người.

Trong một lần giảng về kỹ năng sống cho sinh viên, một bạn nữ đã từng hỏi tôi rằng phụ nữ có nên phẫu thuật thẩm mỹ để đẹp hơn không và tôi có ủng hộ quan điểm "đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên" không? Tôi trả lời rằng bất cứ người phụ nữ nào cũng có quyền can thiệp thẩm mỹ vào cơ thể mình trông rạng rỡ hơn nếu như người phụ nữ ấy muốn vậy, đặc biệt trong trường hợp họ là người của công chúng hay trong giới showbiz, họ cần có một ngoại hình dễ nhìn và đẹp. Dù thế, trong vấn đề cải thiện giữa trí tuệ và vẻ ngoài, phụ nữ vẫn nên ưu tiên việc cải thiện về trí tuệ, cách ứng xử lễ độ, hành vi đẹp trong mọi tình huống.

Độc giả Trịnh Thị Hải Yến

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
8/3, ngẫm về nữ quyền từ phát ngôn tranh cãi của MC Trác Thúy Miêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO