7 tuyến đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu?

27/01/2022 07:18

Theo các đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống đường vành đai của Hà Nội gồm 7 tuyến, với tổng chiều dài hơn 285km.

7 tuyến đường vành đai Hà Nội gồm có 5 tuyến vành đai chính: 1, 2, 3, 4, 5; hai tuyến hỗ trợ là: 2,5 và 3,5. Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố nên lựa chọn, phân kỳ đầu tư từng tuyến, từng đoạn tuyến sẽ khả thi và hiệu quả hơn.

7 tuyến đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? 1

Dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang tăng tốc thi công để đảm bảo tiến độ. (Ảnh: Tạ Hải)

Mới hoàn thành non nửa

Thông tin về tiến độ 7 tuyến vành đai này, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố hiện mới chỉ hoàn thành đầu tư được hơn 132km (hơn 46%).

Hiện Hà Nội đang triển khai đầu tư 20,51km (7,18%); chuẩn bị lập chủ trương đầu tư 83,26km (29,16%). Còn lại 49,43km (17,33%) chưa được nghiên cứu hình thành dự án.

Cụ thể, đối với tuyến Vành đai 1 dài 7,21km, quy mô mặt cắt ngang 50 - 60m hướng tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục gồm 2 đoạn. Hiện 1 đoạn 4,71km đã đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch là đoạn Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu; 1 đoạn đang triển khai dự án đầu tư dài 2,5km là Hoàng Cầu - Voi Phục.

Tuyến Vành đai 3,5 dài 45,64km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40 - 80m, đã đầu tư hình thành theo quy hoạch 9,5km. Một đoạn đang được triển khai đầu tư theo quy hoạch dài 5,5km từ QL32 - Đại lộ Thăng Long. 5 đoạn đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dài 25,6km. Một đoạn chưa được nghiên cứu dự án dài 5,58km là đoạn nối từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cầu Ngọc Hồi - Hưng Yên.

Với tuyến Vành đai 2 dài 39km, quy mô mặt cắt ngang 50 - 72,5m; hướng tuyến phía Bắc sông Hồng: Vĩnh Tuy - Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân; hướng tuyến phía Nam sông Hồng đi trùng đường 5 cũ và đường 5 kéo dài (từ cầu Vĩnh Tuy - cầu Nhật Tân) gồm 5 đoạn.

Hiện 3 đoạn đã đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch dài 31,96km gồm: Đoạn phía Bắc sông Hồng, dài 16km (đi trùng với đường 5 cũ và đường 5 kéo dài); đoạn cầu Nhật Tân - Cầu Giấy dài 10,21km (bao gồm cả cầu Nhật Tân và đường dẫn); đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng dài 2,25km.

Một đoạn đã hình thành tuyến nhưng chưa mở rộng theo quy hoạch tương ứng với đoạn Ngã Tư Sở - Cầu giấy đi trùng với đường Láng hiện có; một đoạn đang triển khai thi công mở rộng hoàn thiện theo quy hoạch là đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng.

Trong đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dài 3,5km đang đầu tư bằng vốn đầu tư công; đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang triển khai đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BT.

Với tuyến Vành đai 3 tổng chiều dài tuyến 68km, có quy mô mặt cắt ngang 50 -120m. Hướng tuyến: Nam Thăng Long - Mai Dịch - Pháp vân - Cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đồng Xuân và nối vào đường Bắc Thăng Long - Nội Bài thành vành đai khép kín (đi qua các địa bàn Đông Anh; Mê Linh; Bắc Từ Liêm; Nam Từ Liêm; Cầu Giấy; Thanh Xuân; Hoàng Mai; Long Biên; Gia Lâm) dài 2 đoạn.

Hiện 1 đoạn đã đầu tư hình thành được 54/68km, tương ứng với đoạn Nội Bài - Bắc Thăng Long - Nam Thăng Long - Linh Đàm - Việt Hùng. Còn lại 1 đoạn có chiều dài 14km tương ứng với đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Nội Bài chưa được đầu tư hình thành tuyến để khép kín tuyến đường Vành đai 3 theo quy hoạch.

Tuyến Vành đai 4 đoạn qua địa phận TP Hà Nội dài khoảng 54km; quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên trong đó, mặt cắt ngang 120m đang được Hà Nội chuẩn bị để kịp trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5/2022.

Với tuyến Vành đai 5, đoạn đi qua Hà Nội không liên tục gồm: Đoạn 1 đi qua thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, huyện Thạch Thất; đoạn 2 đi qua huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa.

Hiện đoạn 1 đi qua Thị xã Sơn Tây có chiều dài 39,5km đã hình thành được 22/39,5km. Còn lại đoạn từ đường 32 (Sơn Tây) đến đường Hồ Chí Minh chưa được đầu tư hình thành để kết nối. Đoạn 2 đi qua huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa chưa được đầu tư.

Ưu tiên lựa chọn các tuyến quan trọng đầu tư trước

Đường Vành đai 3 Hà Nội.

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, vai trò của các tuyến vành đai là rất quan trọng, vừa giải quyết ùn tắc khu vực trung tâm, tăng cường kết nối giữa các khu vực của Thủ đô, vừa giúp thông thương, gắn bó với cả Vùng Thủ đô, mở rộng liên kết với toàn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Việc đầu tư xây dựng 7 tuyến vành đai là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô.

Theo các chuyên gia, việc triển khai đầu tư các tuyến đường vành đai của Hà Nội thời gian qua vẫn chậm so với các đồ án quy hoạch.

Ths. Phan Trường Thành, chuyên gia về giao thông đô thị cho rằng, kể cả bố trí vốn ngân sách và huy động đầu tư xã hội hóa, Hà Nội cũng không thể gom tất cả các dự án đường vành đai vào một giai đoạn đầu tư.

“Việc phân kỳ đầu tư, lựa chọn các tuyến vành đai rất quan trọng. Trên cơ sở đó lựa chọn một số đoạn tuyến hiệu quả để làm trước là đáp án khả thi nhất”, ông Thành nói và dẫn chứng, như với đường Vành đai 1, đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục, trong giai đoạn 2021 - 2025 chỉ nên triển khai trước hai nút giao có áp lực ùn tắc nặng nề nhất là Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh và Láng Hạ - Giảng Võ.

Hay với tuyến Vành đai 2, cần hoàn thành các dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2; đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng. Còn đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy có thể đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đối với Vành đai 2,5 nên đẩy nhanh tiến độ 4 dự án: Cầu Giấy - Khu đô thị mới Dịch Vọng; Đầm Hồng - QL1A; hầm chui QL1A và đường Lĩnh Nam. Ba đoạn tuyến còn lại: Khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ; Trung Kính - Trần Duy Hưng; Ngụy Như Kon Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng, có khối lượng GPMB lớn, phức tạp, có thể xem xét đầu tư sau năm 2025.

Vành đai 3 hiện là tuyến có lưu lượng giao thông lớn nhất Thủ đô cần nghiên cứu bổ sung đoạn tuyến từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến Quang Minh vào kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 để khép kín, tối ưu hiệu quả giao thông toàn tuyến.

Đối với tuyến đường Vành đai 3,5 cần đẩy nhanh tiến độ năm đoạn tuyến là cầu Thượng Cát và nhánh nối Bắc sông Hồng; cầu Thượng Cát - QL32; đoạn tuyến nối với Đại lộ Thăng Long; nút giao khác mức Đại lộ Thăng Long; đoạn tuyến từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

“Tuyến Vành đai 4 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung, mở hướng tránh các luồng lưu thông quá cảnh đi qua khu vực trung tâm, cần tập trung để đẩy nhanh các bước nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.

TP cần đốc thúc các Sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ cùng nhà đầu tư để kịp làm rõ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5/2022”, ông Thành góp ý.

Với đường Vành đai 5, Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT chủ trì đầu tư để hỗ trợ cho các địa phương cũng như đảm bảo tính kết nối đồng bộ trên toàn tuyến. Trong trường hợp cần thiết có thể đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để có giải pháp phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, ưu tiên lựa chọn đầu tư từ các dự án lớn đến mỗi đoạn tuyến nhỏ là biện pháp tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông khung của Hà Nội.

Các đoạn tuyến được lựa chọn ưu tiên, sau khi hoàn thành có thể phát huy hiệu quả ngay, bổ sung nguồn lực cho TP tiếp tục đầu tư phần còn lại”, PGS.TS Thủy nói.

Tuyến Vành đai 2,5 dài 19,41km, quy mô mặt cắt ngang 40 - 50m gồm 13 đoạn. Trong đó, hiện 4 đoạn đã đầu tư hình thành theo quy hoạch, dài 9,59km; 5 đoạn tuyến đang triển khai đầu tư dài 5,97km; 4 đoạn chưa được đầu tư xây dựng dài 3,85km.

Theo infonet.vietnamnet.vn
https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/dien-mao-7-tuyen-duong-vanh-dai-ha-noi-403554.html
Copy Link
https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/dien-mao-7-tuyen-duong-vanh-dai-ha-noi-403554.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
7 tuyến đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO