6 tháng bà cho cháu uống một loại sữa, em bé phải nhập viện truyền máu

Ngọc Hân| 16/11/2020 08:05

Việt BáoSinh ra bị ba mẹ bỏ rơi, bé được bà nội đón về nuôi. Kinh tế bà nội khó khăn, vì vậy, suốt 6 tháng liền bà chỉ có thể cho cháu uống sữa đặc.

Ngày 15/11, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, nơi đây đang điều trị cho bé trai 6 tháng tuổi, bị thiếu máu thiếu sắt nặng.

Người nhà bệnh nhi cho biết, bé trai bị ba mẹ bỏ rơi khi vừa lọt lòng. Bà nội phải đón em về nuôi. Cuộc sống của bà nội thật vật, chỉ đủ điều kiện nuôi cháu bằng sữa đặc có đường suốt 6 tháng liền.

Nhìn bé trai 6 tháng tuổi, nặng 9 kg, hai má phúng phính nhưng thiếu dinh dưỡng và vi chất.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé thiếu máu thiếu sắt mức độ nặng. Thể tích hồng cầu trong máu chỉ còn 16% (bình thường theo độ tuổi của bé là trên 30%). Bé được nhập viện khẩn khoa Ung bướu – huyết học để ruyền máu.

Hiện sức khỏe bé trai khỏe mạnh, da hồng hào. Ảnh: BVCC.

BS.CKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc kể: “Khi tiếp nhận bệnh nhi, nghe câu chuyện của bé, các bác sĩ không khỏi chạnh lòng. Một bác sĩ đã mua ngay cho bé một hộp sữa hợp với lứa tuổi của bé đưa cho bà nội pha cho cháu uống”.

Sau khi bồi hoàn truyền máu đúng chỉ định cho bệnh nhi, các bác sĩ hướng dẫn bà nội lại cách cho bé uống sữa cùng chế độ ăn dặm cân đối để bù vi sắt và sắt cho cháu.

Hiện, sức khỏe bé trai khỏe mạnh, da hồng hào trở lại.

Trẻ từ 6 tháng trở đi, lượng sắt trong sữa mẹ không còn đủ. Ngoài sữa mẹ, trẻ cần ăn dặm thêm bột ngọt, bột mặn, cháo, để bổ sung dinh dưỡng. Trong khi đó, sữa đặc nhiều đường, không có đủ giá trị dinh dưỡng với trẻ.

Trong độ tuổi này, chế độ ăn dặm cho trẻ rất quan trọng. Chế độ ăn phải cân bằng đủ 4 nhóm gồm đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất, đặc biệt, bổ sung nguồn đạm động vật.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, máu là sự kết hợp giữa protein và chất sắt. Do đó, khi trẻ không có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, không đủ chất đạm trong thời gian dài, sẽ bị thiếu máu.

Ngoài việc ăn uống kém, trẻ có thể bị thiếu máu nếu mắc các bệnh lý khiến cơ thể không thể hấp thu chất dinh dưỡng. Trẻ mắc các bệnh lý đường ruột hoặc không được tẩy giun theo thời gian đúng quy định, cũng gây tình trạng thiếu máu.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là cung cấp sắt không đủ: Chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Ở trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ và trẻ sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt.

Một nguyên nhân khác là do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, thiểu toan dạ dày, rối loạn hấp thu hoặc có dị dạng ở dạ dày ruột.

Một nguyên nhân nữa cũng hay gặp là do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, loét dạ dày- tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì)… Ngoài ra các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.

Biểu hiện của bệnh thường rất nghèo nàn, xảy ra từ từ, khó nhận biết. Trẻ thiếu máu thiếu sắt thường xanh xao (rõ nhất ở lòng bàn tay bàn chân, vành tai, niêm mạc họng, kết mạc mắt nhợt nhạt). Trẻ thường chậm chạp, mệt mỏi, kém tập trung, hay buồn ngủ, ít đùa nghịch.

Nếu thiếu máu nặng có thể biểu hiện hoa mắt chóng mặt, khó thở khi gắng sức (chạy nhảy, vận động mạnh), sút cân, rối loạn tiêu hóa, lách to nhẹ... Trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển tâm thần vận động. Trẻ em học đường kém tập trung, giảm trí nhớ dẫn đến kết quả học tập thường kém.

Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi trẻ đều có chế độ ăn, nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Nếu nghi ngờ trẻ thiếu máu hay mắc bệnh lý, phụ huynh cần theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn khoa học. Ngoài ra, phụ huynh nên tiếp cận bác sĩ chuyên khoa nhi và dinh dưỡng để đưa ra giải pháp hợp lý nhất cho trẻ



Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
6 tháng bà cho cháu uống một loại sữa, em bé phải nhập viện truyền máu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO