Theo GLOBOCAN 2018, ở Việt Nam ung thư bàng quang có khoảng 1.502 ca mắc mới mỗi năm, đứng thứ 20 trong các loại ung thư.
Những thủ phạm làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang có thể kể đến như:
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá dù chủ động hay thụ động thì vẫn là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, gặp trong 50% trường hợp ở nam và 20 - 30% ở nữ. Nguyên nhân do các chất amin thơm và hydrocarbon thơm đa vòng trong thuốc lá được hấp thụ từ phổi vào máu, lọc qua thận và tập trung trong nước tiểu, gây tổn hại bàng quang làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
Những người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư bàng quang cao gấp 2,5 -7 lần so với người không hút thuốc lá. Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ tái phát gấp khoảng 3 lần ở những bệnh nhân ung thư bàng quang và ngược lại giảm 40% tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân này sau 4 năm cai thuốc lá.
- Tiếp xúc với môi trường hóa chất độc hại: Một số hóa chất như asen, thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các loại sơn…làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nghề nghiệp tiếp xúc với các amin thơm, hydrocarbon thơm đa vòng là yếu tố quan trọng gây ra tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nam giới do tính chất công việc thường do nam giới đảm nhiệm.
- Nguồn nước ô nhiễm: Tuy chưa có bằng chứng rõ nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng các chất có trong nước như nước clo, trihalomethane là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn sinh ung thư và việc uống nguồn nước chứa arsenic làm tăng nguy cơ bệnh.
- Yếu tố di truyền, tiền sử gia đình: 80 - 90% trường hợp mắc bệnh tự phát không do di truyền, 10 - 20% các trường hợp có yếu tố gia đình/di truyền, thường đi kèm với hội chứng ung thư biểu mô đại trực tràng di truyền không đa polyp. Những người có thành viên trong gia đình bị ung thư bàng quang có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác như: Chế độ ăn, tình trạng viêm nhiễm đường niệu và một số thuốc điều trị có thành phần gián tiếp gây bệnh…
Biện pháp phòng tránh ung thư bàng quang
Từ những hiểu biết về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chúng ta có thể phòng ngừa căn bệnh này bằng các biện pháp sau:
- Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.
- Làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động.
- Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, đào thải các độc tố.
- Cải thiện chế độ ăn uống, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa…
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.