Kì thực, để đi đến kết luận ấy, não bộ của tôi phải liên tục đưa ra vô số cái tên món ăn. Quan trọng nhất là chúng phải đáp ứng được tất cả các tiêu chí: vừa dễ ăn, dễ tìm, lại vừa đủ để lấp đầy dạ dày.
Bánh mì đích thị là một món ăn như thế, bởi đi đến đâu trên khắp thành phố này, người ta đều có thể bắt gặp một hàng bán bánh mì đông nghịt thực khách vào bất kì thời điểm nào trong ngày. Ở đây, bánh mì có thể được dùng để thay thế cho bữa ăn chính. Thay vì là cơm, phở hay hủ tiếu, người ta có thể chọn ăn ổ bánh mì kẹp thịt giòn rụm.
Bánh mì là món ăn "quốc dân" với đại đa số người Việt Nam.
Nơi mảnh đất hội tụ văn hóa bốn phương, Thành phố Hồ Chí Minh thường được ví như “thiên đường ẩm thực” với nhiều món ngon, vật lạ, nhưng duy nhất bánh mì là đủ “sức nặng” để khắc sâu tương tư vào trái tim mỗi người. Ở góc độ văn hóa ẩm thực, bánh mì thực chất lại là một món ăn “ngoại lai”, vốn có nguồn gốc từ Pháp, nhưng khi du nhập vào Việt Nam, người Việt đã làm cho món bánh mì trở nên khác biệt. Và ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, bánh mì từ lâu đã là món ăn quen thuộc trong mọi bữa ăn thường nhật của nhiều gia đình.
Được đại đa số du khách nước ngoài gọi bằng cái tên “bánh mì Sài Gòn” đầy trìu mến, món ăn đường phố phổ thông có dáng hình bên ngoài từa tựa baguette (bánh mì kiểu Pháp) nhưng vỏ bánh lại mỏng, ruột đặc nên bánh giòn, mềm, dễ ăn hơn. Hơn nữa, phần nhân phong phú như chả, thịt, cá mòi, trứng ốp-la, rau mùi ăn kèm... đã tạo nên ổ bánh mì hấp dẫn và đầy đủ dinh dưỡng khiến du khách nước ngoài vô cùng thích thú khi thưởng thức.
Bánh mì Sài Gòn được bày bán với nhiều loại nhân khác nhau như chả lụa, thịt nguội, pa-tê, trứng ốp-la... kèm với các loại rau mùi ngâm chua tạo nên vị ngon đặc trưng.
Bánh mì có mặt khắp nơi trên đất nước hình chữ S, nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự hiện diện ấy càng rõ nét. Từ những lò bánh mì thủ công, cho đến bánh mì sản xuất ở xưởng với quy mô lớn; từ những xe đẩy bình dân cho đến các cửa tiệm, nhà hàng sang trọng, đâu đâu người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy bánh mì. Nếu có dịp du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể thưởng thức vị ngon của bánh mì tại những địa chỉ nổi tiếng lâu đời sau:
Bánh mì Hòa Mã
Địa chỉ: 53 Cao Thắng, phường 3, quận 3
Nhiều người cho rằng đây là một trong những tiệm bánh mì lâu đời chuyên bán bánh mì thịt kiểu Sài Gòn. Năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội) được ra mắt tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3). Sau đó hai năm sau, tiệm dời về số 53 Cao Thắng (gần ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiểu) cho đến nay. Tiệm nổi tiếng với món bánh mì chảo – một khẩu phần ăn thập cẩm gồm trứng ốp la, chả, xúc xích, pa-tê...
Bánh mì Bảy Hổ
Địa chỉ: 19 Huỳnh Khương Ninh, phường Đa Kao, quận 1
Bánh mì Bảy Hổ nhỏ xinh cầm trọn trong lòng bàn tay hấp dẫn thực khách từ hương đến vị. Đặc biệt từ những ổ bánh mì vàng ươm đến phần nhân như thịt, pa-tê, chả đều do nhà làm. Từ những năm 1930-1931, ông chủ – thế hệ đầu tiên của thương hiệu Bảy Hổ bán dạo dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng về Huỳnh Khương Ninh, sau đó mới mở xe bán quanh khu vực đường Huỳnh Khương Ninh, rồi dần ổn định thành quán như hiện tại. Thế hệ thứ 3 hiện đang nối nghiệp, tiếp tục theo nghề truyền thống của gia đình. Trước đây, quán chỉ bán buổi chiều và phục vụ khách mua mang đi, nhưng hiện tại, nhằm phục vụ nhu cầu của du khách, quán mở cửa buổi sáng để phục vụ bánh mì bò bít tết, trứng ốp la dùng tại chỗ.
Bánh mì Như Lan
Địa chỉ: 50 Hàm Nghi, phường Bến Nghé, quận 1
Như Lan là tiệm bán bánh mì lớn trên đường Hàm Nghi từ năm 1968. Đây là một trong những địa chỉ quen thuộc nhất đối với người nước ngoài và cả dân địa phương khi muốn tìm kiếm hương vị bánh mì Sài Gòn. Bánh mì Như Lan được các sách, báo, tạp chí du lịch như Lonely Planet khuyên thưởng thức khi đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, món thịt nguội của Bánh mì Như Lan rất có tiếng và được nhiều người tìm mua.
Bánh mì Nguyên Sinh Bistro
Địa chỉ: 141 Trần Đình Xu, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1
Sau một thời gian xây dựng thương hiệu tại Hà Nội, năm 1979, chủ tiệm bánh là cụ Nguyễn Văn Miêu từ Thủ đô để vào Thành phố Hồ Chí Minh định cư. 3 năm sau đó, cụ ra mắt cửa tiệm bánh mì đầu tiên tại đây và bắt đầu hành trình chinh phục thực khách Sài Gòn.
Món ăn tiêu biểu của Nguyên Sinh Bistro là bít tết chỉ ướp với muối và áp chảo, sau đó rắc tỏi phi lên mặt, ăn kèm với pa-tê gan gà, bánh mì đặc ruột kiểu Pháp đặt riêng nóng giòn. Ngoài ra, tiệm còn có những món truyền thống như các loại thịt nguội, giò chả, gan ngỗng áp chảo... Hiện nay, Nguyên Sinh Bistro đang do cháu nội cụ Miêu là Nguyễn Ngọc Thạch kế thừa và phát triển.
Bánh mì Tăng
Địa chỉ: 822 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5
Tiệm nằm trong khu chợ Thủ Đô, quận 5. Năm 1950, một ông chủ người Hoa đã đến khu chợ mở xe bánh mì. Đến năm 1982, ông Tăng Tấn, chủ tiệm hiện tại, tiếp quản lại xe bánh. Từ đây, ông chủ họ Tăng đã phát triển chiếc xe đẩy bánh mì nhỏ trở thành một tiệm bánh như hôm nay. Bánh mì Tăng hiện tọa lạc tại một căn nhà góc ngã ba gần khu đèn Năm Ngọn sầm uất.
Bánh mì Tăng nổi tiếng với món bánh có nhân pa-tê nướng và xíu mại nước. Ngoài ra, tiệm cũng phục vụ các loại nhân bánh phổ biến khác như chả lụa, thịt nguội.