1. Để trẻ tận hưởng việc ăn uống
Với nhiều bà mẹ, mục tiêu cho con ăn là để tăng cân. Vì vậy thường cố ép con ăn bằng được những món trẻ không thích. Không những thế còn ép chúng phải ăn thật nhiều. Thậm chí còn cắt hoàn toàn những món ăn vặt với suy nghĩ để trẻ đói bụng khi đến bữa ăn.
Điều này không hoàn toàn đúng. Phụ huynh thi thoảng hãy cho trẻ ăn vặt, không nên quá khắt khe trong việc ăn uống lành mạnh. Như thế con sẽ hào hứng hơn khi đến bữa ăn. Ăn vặt một cách hợp lý và vừa phải sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bữa ăn. Tuy nhiên phụ huynh nên lưu ý không cho trẻ ăn vặt sát giờ ăn cơm. Bởi khi đó con đã ngang dạ và không muốn tiếp thêm món ăn nào khác.
2. Để trẻ thử nghiệm và trải nghiệm hương vị mới
Trẻ em rất dễ chán khi ăn cùng một loại thực phẩm, và thói quen ăn uống của trẻ cũng thường xuyên thay đổi. Vì vậy lời khuyên dành cho các ông bố bà mẹ đang trong hành trình chăm con nhỏ là hãy chế biến bữa ăn thật đa dạng để trẻ làm quen với các mùi vị thức ăn khác nhau. Vì lúc này khẩu vị của trẻ cũng đang như tờ giấy trắng. Bố mẹ hoàn toàn có giúp con làm quen với nhiều loại thực phẩm, gia vị mà nhiều người lớn cũng cảm thấy khó ăn như mướp đắng hay hành, tỏi trong giai đoạn này.
Theo các chuyên gia, trẻ được trải nghiệm càng nhiều thực phẩm lành mạnh khác nhau thì sẽ càng hứng thú với các chế độ ăn uống lành mạnh khi trẻ trưởng thành. Vì vậy mẹ hãy thường xuyên thay đổi thực đơn cho trẻ nhé.
Một số cha mẹ khác thường hay mắc sai lầm khi thấy con thích ăn món này là chỉ chú trọng nấu món đó cho trẻ ăn thôi. Điều này cũng không đúng. Trẻ ăn thiên về 1 món sẽ khiến con dễ bị thiếu chất. Đồng thời ăn 1 món trong thời gian dài sẽ khiến con chán ăn, không có hứng thú khi đến giờ ăn cơm.
3. Cho trẻ ăn bát đĩa nhỏ hơn
Nhiều bà mẹ thường lấy một bát cơm đầy và yêu cầu con ăn hết bát cơm đó. Mẹ làm thế với suy nghĩ rằng phải đặt "kpi" thì con mới chịu ăn đúng chuẩn. Tuy nhiên vô tình điều này lại khiến trẻ sợ. Khi trẻ kén ăn, con nhìn thấy bát đĩa to, khẩu phần ăn quá lớn thì sẽ chán nản. Vì vậy phụ huynh nên chuẩn bị cho con 1 bộ ăn uống riêng. Và hãy cổ vũ con tự mình ăn và khám phá ra mùi vị thức ăn ưa thích.
4. Cho trẻ ăn cơm cùng gia đình trong khung giờ cố định
Việc cố định khung giờ ăn cơm cộng với việc cho trẻ tham gia bữa ăn cùng gia đình, sẽ giúp con nhận ra rằng ăn uống là một hoạt động thường nhật và chỉ diễn ra trong khoảng thời gian cố định. Mỗi bữa ăn của bé chỉ nên kéo dài 20-30 phút. Việc kéo dài thời gian ăn khiến cả mẹ và trẻ đều cảm thấy mệt mỏi, trẻ không tập trung vào bữa ăn và lâu dần sinh ra cảm giác thờ ơ.
Ngoài ra không khí vui vẻ trong bữa ăn cũng kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn. Vì vậy các gia đình nên thường xuyên ăn cơm cùng nhau và cho trẻ tham gia vào quá trình nấu ăn để khuyến khích trẻ thể hiện nhiều sự quan tâm hơn vào những món trẻ đang ăn. Hãy nấu các món ăn ngon, lành mạnh và cùng ngồi ăn vui vẻ để làm gương cho trẻ.
5. Cho trẻ vận động nhiều hơn
Cha mẹ Nhật thường xuyên cho con tham gia các hoạt động ngoài trời như đạp xe, chạy nhảy, đi bộ... thay vì để trẻ ngồi trong nhà xem TV, hoặc các thiết bị điện thoại thông minh. Điều này giúp trẻ khỏe mạnh hơn, tiêu hao nhiều năng lượng khiến con cảm thấy đói và như thế bé sẽ ăn ngon lành mỗi giờ nạp năng lượng. Do đó, thay vì để con chơi điện thoại hàng giờ đồng hồ, hãy đưa con đi dạo trong công việc hoặc chơi trốn tìm trong nhà các mẹ nhé.
Theo ttvn.toquoc.vn