"Tương kính như tân"
"Tương kính như tân" (kính trọng nhau như khách quý) được coi là nguyên tắc "vàng" trong đời sống hôn nhân. Nhiều người nghĩ rằng, đã là vợ chồng tay ấp má kề thì chẳng cần giữ ý, khách sáo. Chính cách nghĩ này đã khiến chúng ta ứng xử với nhau suồng sã, bỗ bã, thiếu tôn kính.
Danh nhân Elijah Fenton từng nói: "Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính, trân trọng nhau". Cũng giống như "tương kính như tân", có nghĩa là vợ chồng luôn phải coi nhau như những vị "khách đặc biệt" nhất trong cuộc đời của mình; trước sau trân trọng, tin tưởng, chân thành.
"Dĩ hòa vi quý"
"Dĩ hòa vi quý" thể hiện một tinh thần sống lạc quan, xem trọng sự yên ổn, đối xử hài hòa trong giao tiếp. Trong đời sống vợ chồng, "dĩ hoà vi quý" giúp chúng ta hóa giải những bất đồng, mâu thuẫn và giảm căng thẳng do những khủng hoảng đem đến.
Ông bà ta có câu "thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn". Điều này có nghĩa là sự hòa thuận giữa hai vợ chồng sẽ tạo nên một sức mạnh kì diệu, có thể làm được những điều phi thường.
Nếu vợ chồng có tư tưởng hơn - thua, được - mất với nhau thì chẳng khác nào tạo nên 2 thái cực trong gia đình. Muốn hòa thuận, gắn bó thì cả vợ lẫn chồng đều phải quảng đại, bỏ qua cho nhau sai lầm, dung hoà, cùng hướng về một mục tiêu gia đình hạnh phúc.
Lắng nghe
Trong đời sống vợ chồng, khi hai người đối thoại với nhau, việc lắng nghe không chỉ thể hiện sự yêu thương, tôn trọng mà là cách để thấu hiểu, từ đó thiết lập được các mối quan tâm chung đến nhau.
Khi chồng/vợ lắng nghe nhau nói, người này sẽ hiểu người kia muốn gì, đang có tâm tư, khó khăn gì. Khi hiểu được nỗi lòng của người bạn đời, ta sẽ có cách ứng xử phù hợp. Trước mọi sự việc, nếu xảy ra bất đồng, thay vì vội vàng chỉ trích, phán xét đúng sai, hãy lắng nghe để có sự phân tích đa chiều, đúng đắn trước khi kết luận mang tính chụp mũ, phiến diện với bạn đời.
Sự vội vàng sẽ đẩy sự việc lên cao trào, biến chuyện bé thành lớn, đơn giản thành phức tạp. Vợ chồng không lắng nghe thì sẽ không thể hiểu đúng về nhau.
Tranh luận, không tranh cãi
Tranh cãi thường xuất phát từ tâm lý hơn thua, cố chấp và không tôn trọng bạn đời. Nhiều cặp đôi lôi nhau ra toà cũng chỉ vì chuyện mâu thuẫn nhỏ nhặt mà sinh ra tranh cãi, không ai nhịn ai dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. Sở dĩ, khi đôi bên tranh cãi sẽ không thể giữ bình tĩnh và sáng suốt, có thể thốt ra lời cay độc làm tổn thương nhau.
Vì vậy, thay vì tranh cãi một cách vô ích, vợ chồng nên ngồi lại cùng nhau tranh luận trên tinh thần xây dựng để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho cuộc xung đột. Nguyên tắc của tranh luận là tôn trọng ý kiến khác biệt, suy nghĩ và quan điểm đối lập, vì thế, tranh luận đúng cách sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn.
1 + 1 = 1
Khi hai người về chung một nhà, mong muốn song hành, sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống, vun đắp gia đình, chăm lo con cái thì đừng coi nhau là hai cá thể riêng biệt mà phải hoà hợp cả về thể xác, tâm hồn, kinh tế.
Đi đến hôn nhân là chúng ta hòa mình vào đời sống của nhau. Khi vợ chồng xác định nguyên tắc 1 + 1 = 1 có nghĩa là xác lập nguyên tắc nhất quán trong đời sống hôn nhân.
Theo PNVN