5 năm, toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy, 45% do sự cố thiết bị điện

12/09/2022 17:00

5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỉ đồng và trên 7.500 ha rừng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

Xem thêm: Từ chối lưu trú khách sạn nếu không muốn làm nạn nhân của 'bà hoả'

Hơn 17.000 vụ cháy, 433 người thiệt mạng

Tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy diễn ra sáng nay (12.9), Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an đã có báo cáo đánh giá về công tác này trong 5 năm qua.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Nhật Bắc
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, về tình hình cháy, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỉ đồng và trên 7.500 ha rừng.

Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỉ đồng.

Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

Mới đây, vụ cháy xưởng chăn, ga, gối, đệm tại huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội gây hậu quả rất nghiêm trọng làm 3 người chết.
Mới đây, vụ cháy xưởng chăn, ga, gối, đệm tại huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội gây hậu quả rất nghiêm trọng làm 3 người chết.

Về tình hình công tác cứu nạn, cứu hộ: 5 năm qua, triển khai nhiệm vụ CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy...

Đối với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo đảm điều kiện an toàn, phòng, chống sự cố, tai nạn, các cơ quan đã phát hiện trên 1.100.000 tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỉ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp.

Lực lượng PCCC duy trì, tổ chức tốt công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu; phân công trực chữa cháy, CNCH với tổng quân số trung bình hằng ngày khoảng 6.000 cán bộ chiến sĩ và 2.300 phương tiện chữa cháy, CNCH các loại sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Trong quá trình tổ chức chữa cháy, CNCH, với tinh thần không ngại nguy hiểm, sẵn sàng quên mình cứu người bị nạn, 8 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC, CNCH hy sinh và nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương.

Sớm hoàn thành các quy chuẩn an toàn cháy với cơ sở như karaoke, vũ trường, bar...

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công an đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy phải xác định quan điểm: Lấy phòng ngừa là chính, phòng là  xây, chữa là chống; lấy phòng là "cơ bản, chiến lược, lâu dài"; làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy và phương châm: Từng nhà an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường an toàn để xây dựng thế trận phòng cháy chữa cháy.

Đối với công tác chữa cháy phải xác định "thời điểm vàng" để chữa cháy, không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy cũng ở trong dân.

Bộ Công an cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và Quyết định số 1492 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Cụ thể: Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sửa đổi, bổ sung ban hành mới, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Sớm hoàn thành các quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm như karaoke, vũ trường, quán bar…

Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình để giảm thiểu các nguy cơ cháy, nổ, sự cố.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nghiên cứu, đề xuất tăng mức phụ cấp đặc thù cho lực lượng...

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/thoi-su/5-nam-toan-quoc-xay-ra-hon-17000-vu-chay-45-do-su-co-thiet-bi-dien-1091971.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/thoi-su/5-nam-toan-quoc-xay-ra-hon-17000-vu-chay-45-do-su-co-thiet-bi-dien-1091971.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
5 năm, toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy, 45% do sự cố thiết bị điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO