Gỏi ngó sen
Nhắc tới đặc sản Đồng Tháp không thể không kể đến các món ăn chế biến từ sen - loài cây nổi tiếng ở vùng đất nơi đây, trong đó có gỏi ngó sen thơm ngon, hấp dẫn.
Ngó sen sau khi được hái về thì đem rửa sạch, cắt sợi rồi trộn với các gia vị như chanh, đường, mắm, ớt và một chút rau thơm. Chờ ngó sen thấm đều gia vị thì người ta cho thêm thịt gà xé phay vào trộn cùng.
Gỏi ngó sen - đặc sản lạ miệng, hấp dẫn ở Đồng Tháp (Ảnh: Traveloka).
Món gỏi này có vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay lại thêm độ dai và ngọt của thịt gà, thêm chút giòn giòn, thanh mát từ ngó sen nên có công dụng “giải nhiệt, giải ngấy” khá hiệu quả.
Hủ tiếu Sa Đéc
Hủ tiếu là một trong những món ngon nổi tiếng và phổ biến của vùng đất Sa Đéc, Đồng Tháp. Sợi hủ tiếu nơi đây có độ mềm, không bở, không dai, màu trắng sữa và dậy mùi thơm.
Ðặc biệt, phần nước dùng ngọt thanh, thơm ngon nhưng không quá béo ngậy càng hấp dẫn thực khách nhất định phải thưởng thức hủ tiếu một lần.
Món hủ tiếu Sa Đéc với sợi mì nhỏ, dai đặc trưng (Ảnh: Lê Phạm Khanh).
Khi có khách gọi món, đầu bếp mới bắt đầu cho hủ tiếu vào tô, thêm chút thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan,… ăn kèm hành lá và ngò băm nhuyễn rắc lên trên rồi mới chan nước dùng.
Ốc gác bếp
Ốc gác bếp là một trong những đặc sản lạ miệng, đắt đỏ ở Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung. Để làm món ăn này, người địa phương chủ yếu dùng ốc lác hoặc ốc bươu. Tuy nhiên, ốc lác được ưa chuộng và phổ biến hơn vì thịt sạch, dai giòn nên khi hong khô vài tháng trời vẫn giữ được độ tươi ngon.
Ốc mua về được phân loại, chọn lọc những con to, sống khỏe và vỏ không sứt mẻ rồi đem rửa sạch, để ráo nước, sau đó xếp vào giỏ treo trên giàn bếp. Ốc phải được để ở nơi khô thoáng, tránh nắng và ẩm ướt bởi ốc theo bản năng gặp chỗ ẩm ướt sẽ bò đi.
Với người Đồng Tháp, món khoái khẩu nhất vẫn là ốc gác bếp hấp sả chấm cơm mẻ và ốc gác bếp nướng tiêu (Ảnh: Nguyễn Liên).
Khi ốc gác bếp đủ ngày đủ tháng, người ta hạ giàn rồi “vỗ béo” chúng bằng cách ngâm trong sữa tươi và trứng gà. Ốc nhịn đói lâu ngày nên khi thấy nước sẽ “cựa cựa” miệng, uống no hỗn hợp trên. Nhờ đó mà ốc béo mập hơn và có hương vị thơm ngon khi chế biến.
Đợi ốc “tẩm bổ” khoảng 25-30 phút thì đem vớt ra, rửa sạch với nước lạnh rồi chế biến thành các món tùy sở thích.
Nem Lai Vung
Nem Lai Vung cũng là một trong những đặc sản Đồng Tháp nổi tiếng, được nhiều thực khách thích thú thưởng thức và mua về làm quà.
Không giống với món nem ở những vùng miền khác, nem Lai Vung vừa có vị ngọt của thịt tươi, vị dai giòn của bì, vừa có vị chua thanh thanh của lá vông, lá tầm ruột và vị cay cay của ớt xanh.
Nem Lai Vung có lớp thịt nem màu đỏ hồng tươi tắn điểm xuyết với màu xanh của ớt và lá vông trông rất hấp dẫn (Ảnh: Vân Nguyễn, Nhật My).
Theo người dân địa phương, nem Lai Vung ngon đúng kiểu phải có đủ 8 phần thịt, 2 phần da bì, lót bằng lá vông và buộc nem bằng dây chuối. Tới đây, du khách có thể tìm và mua nem ở nhiều cửa hàng, quán ăn với giá dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/10 chiếc.
Chuột đồng quay lu
Chuột đồng hoặc chuột cống nhum Cao Lãnh là nguyên liệu làm nên loạt món ngon nổi tiếng ở Đồng Tháp như chuột giả cầy, chuột xào chua ngọt, chuột nhúng dấm, chuột xào lăn,… nhưng phổ biến nhất vẫn là chuột quay lu.
Để làm món chuột quay lu ngon, người ta phải chọn con to, mập, còn sống rồi nhúng chúng vào nước sôi để vặt lông và không được làm rách da. Sau khi sơ chế sạch sẽ, chuột được tẩm ướp gia vị rồi gài vào móc sắt đem treo giữa lu và đậy nắp thật kín.
Món chuột quay lu đạt chất lượng khi phần da phồng lên, ửng đỏ, giòn rụm và thịt chín đều, căng tròn, đẹp mắt (Ảnh: Gấm Miko).
Dưới đáy lu được khoét một lỗ thông ra ngoài nền đất ẩm để bỏ than vào nướng. Chuột sẽ được quay trong lu và khoảng 5, 10 phút mở nắp một lần, lật đều cho thịt chín. Khi chuột chín, người ta phết lên phần da một lớp mật ong nguyên chất cho dậy mùi hương và có màu bắt mắt hơn.
Theo VietNamnet