Theo báo cáo giám sát "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021" được đưa ra tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/9, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định.
Trong đó, tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân chỉ đạt 37,61%, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 56%, Chủ tịch UBND cấp huyện đạt 90% và Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân đạt 49% so với quy định.
Bà Nguyễn Thị Thanh- Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho rằng, đây là công việc rất khó, phức tạp, liên quan đến tổ chức, cán bộ nhưng tỷ lệ tiếp công dân của các Bộ, Chủ tịch UBND các cấp theo quy định còn thấp. Thậm chí, theo bà Thanh, có 4 tỉnh gồm Bắc Ninh, Đồng Nai, Kiên Giang, Nghệ An không có số liệu tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng trong phần kiến nghị đề xuất chưa có "sức nặng".
"Chúng ta mới phản ánh, còn nhận xét, đánh giá, ghi nhận của đoàn giám sát về các đơn vị, địa phương làm tốt cũng như chưa tốt cũng không được rõ ràng"- bà Thanh nhận xét.
Về số liệu tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp xã đạt tỷ lệ rất thấp, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng rất vô lý bởi đây là cấp quản lý gần dân, sát dân nhất.
"Có thể người dân đến nhiều lần nhưng thấy Chủ tịch UBND cấp xã không giải quyết được vấn đề gì nên bỏ qua cấp này để đến thẳng cấp tỉnh. Vì thế cần phải làm rõ nguyên nhân khiến việc Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân đạt tỷ lệ thấp để có giải pháp"- bà Thanh nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nếu ở cấp dưới làm tốt việc tiếp công dân thì ở cấp trên sẽ đỡ, nếu không sẽ rất phức tạp. "Tình trạng ngại tiếp công dân, né tránh là có"- ông Định nhận xét và hết sức chia sẻ vì đây là công việc rất khó, đụng chạm. Chính vì vậy cần phải thật sự tâm huyết, chuẩn bị rất kỹ và cầu thị. Nếu cấp dưới cứ trình lên, nói theo luật nọ, luật kia đúng rồi mà không ngồi họp với nhau thì không giải quyết được vấn đề.
Từ kinh nghiệm ở địa phương, ông Định cho rằng có thể mời đoàn luật sư, chủ tịch đoàn luật sư, chủ tịch hội luật gia cùng tiếp công dân. Nếu ở cơ sở có thể mời những người có kinh nghiệm, hiểu biết để tham gia tiếp dân ở xã phường thì rất tốt.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, dù nhận thức và sự quan tâm đến vấn đề này có sự chuyển động nhưng kết quả vẫn chưa mấy khởi sắc, thậm chí còn nan giải, phức tạp.
"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", khẩu hiệu như vậy nhưng thực tế ra sao? Người dân có được bàn, được kiểm tra không?"- ông Mẫn nói và đề xuất khi ban hành nghị quyết phải nêu rõ một số vụ việc nổi cộm cần tập trung giải quyết trong gian tới, cũng như trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp cần nêu rõ.
Đồng tình quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần xem lại các quy định về tiếp công dân. Quy định 11 của Bộ Chính trị đã nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu không chỉ tiếp công dân mà còn phải đối thoại với nông dân, công nhân viên chức, thanh niên…
"Luật pháp đầy đủ rồi, khả thi rồi thì phải tổ chức thực hiện. Còn luật ban hành mà làm không nổi hay do bản thân yêu cầu quá cao, chưa có phương án cụ thể thì phải nghiên cứu, đề xuất"- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Theo báo cáo, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 56% so với quy định; trong đó, có Chủ tịch một số tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ cao hơn quy định như: Đồng Tháp (hơn quy định 59 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn quy định 22 ngày), Sóc Trăng (hơn quy định 13 ngày), Tiền Giang (hơn quy định 12 ngày).
Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 94% so với quy định; trong đó có một số tỉnh có tỷ lệ tiếp công dân cao hơn quy định như: Cần Thơ (270%), Quảng Ninh (269%), An Giang (232%), Hải Phòng (192%), Ninh Bình (188%), Sơn La (130%)... Nhưng cũng còn một số tỉnh có tỷ lệ Chủ tịch huyện ủy quyền cho cấp phó thực hiện nhiều, như: Gia Lai, Hà Nam, Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa...
Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 49% so với quy định; trong đó có một số địa phương tỷ lệ đủ và cao hơn quy định như: Bến Tre (102%), Điện Biên (107%) và Đắk Nông, Kon Tum, Ninh Thuận (đạt 100%). Một số tỉnh có tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ ít, chủ yếu là ủy quyền cho cấp phó thực hiện, như: Hà Nội, Nam Định, Sóc Trăng, Thanh Hóa...