1. Giành nhiều điểm nhất
Với 5 điểm giành được tại bảng C, U23 Việt Nam đã lập kỉ lục giành nhiều điểm nhất ở vòng bảng khi tham dự các vòng chung kết U23 Châu Á.
Năm 2016, chúng ta toàn thua. Năm 2018, U23 Việt Nam đi đến trận chung kết nhưng chỉ có được 4 điểm. Năm 2020, U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng với chỉ 2 điểm giành được.
Thực tế, đây là kết quả nằm ngoài dự đoán của rất nhiều người. Huấn luyện viên Gong Oh-kyun chỉ có quãng thời gian ngắn làm quen với bóng đá Việt Nam. Lứa cầu thủ mà ông dẫn dắt trước đó không được đánh giá cao.
Thậm chí, sau SEA Games 31, sự nghi ngờ ấy còn lớn hơn khi tấm huy chương vàng giành được ở Đại hội trên sân nhà có dấu ấn quá lớn của 3 cầu thủ trên 23 tuổi.
Nhưng gạt đi câu chuyện bên lề, U23 Việt Nam lại cho thấy sự tự tin đáng kinh ngạc. Hoà U23 Thái Lan và U23 Hàn Quốc, U23 Việt Nam biết cách tự quyết định số phận khi đánh bại U23 Malaysia và có vé vào tứ kết.
2. Sử dụng 22/23 cầu thủ tại vòng bảng
Thật đáng tiếc khi thủ thành Đặng Tuấn Hưng là người duy nhất của U23 Việt Nam chưa được ra sân tại vòng chung kết U23 Châu Á 2022. Tất cả các đồng đội của anh đều được thi đấu với những nhiệm vụ riêng. Không ai được đưa vào sân chỉ để “thoả mãn” các thông số.
Việc dự đoán đội hình của U23 Việt Nam tương đối khó khăn. Chúng ta chỉ duy trì sự ổn định về nhân sự ở hàng phòng ngự. Bộ tứ Tuấn Tài – Việt Anh – Thanh Bình – Tiến Long quá xuất sắc. Liên tục thay đổi về con người không phải đặc tính trong phong cách huấn luyện của ông Park Hang-seo.
Thông thường, U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam dưới thời nhà cầm quân này chỉ có một nhóm cầu thủ thường xuyên được sử dụng. Rất khó để các cầu thủ mới có thể tạo ra sự khác biệt và lấy suất của “người cũ”.
Nhưng ở đây không có chuyện ông Gong hay hơn đồng nghiệp Park, đó là quan điểm của từng huấn luyện viên.
3. Tỉ lệ kiểm soát bóng cao nhất trong một trận đấu
U23 Việt Nam kiểm soát bóng đến 76,6% thời lượng trong cuộc đọ sức với U23 Malaysia. Cho đến trước khi các trận đấu tại bảng D diễn ra, đây là con số “đỉnh điểm” ở vòng chung kết U23 Châu Á.
Đội có thông số cao thứ 2 là U23 Hàn Quốc khi họ kiểm soát 70% thời gian bóng lăn trên sân trước U23 Việt Nam và U23 Malaysia.
Ở các bảng đấu khác, không có nhiều sự chênh lệch như vậy. U23 Uzbekistan kiểm soát 69,6% thời gian bóng lăn nhưng lại chỉ ghi 1 bàn vào lưới U23 Turkmenistan. U23 Iraq cũng cho thấy sức mạnh khi thường xuyên kiểm soát cuộc chơi.
Tất nhiên, việc U23 Malaysia bị đuổi người và thua 2 bàn khiến đối thủ này mất đi ý chí thi đấu. Họ chỉ muốn lùi sâu để tránh thua thêm. 10 phút cuối trận đấu, thủ môn Quan Văn Chuẩn thường xuyên có mặt ở giữa sân để phối hợp đập nhả cùng đồng đội.
4. Tất cả bàn thắng của U23 Việt Nam có dấu ấn của hàng thủ
Đây là là điều đặc biệt mà huấn luyện viên Gong Oh-kyun mang lại cho U23 Việt Nam. Tất cả bàn thắng mà đội bóng áo đỏ ghi được đều có sự tham gia của các hậu vệ ở khâu kiến tạo hoặc ghi bàn.
Phan Tuấn Tài ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn ở ngày khai màn trước U23 Thái Lan. Vẫn là Tuấn Tài tạt bóng để một hậu vệ khác là Tiến Long quân bình tỉ số 1-1 trước U23 Hàn Quốc.
Đến trận gặp U23 Malaysia, Thanh Nhân vốn được biết đến là một hậu vệ biên tạt bóng để Mạnh Dũng mở tỉ số. Ở bàn nhân đôi các biệt, trung vệ Việt Anh thực hiện quả phạt đền không thành công nhưng kịp đá bồi để ghi bàn.