4 tác động từ việc ngân hàng giảm lãi suất

17/03/2023 07:29

Đến nay hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất, mang lại kỳ vọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn.

Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm. Cơ quan này giải thích: Việc giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Đồng loạt giảm lãi suất huy động

Ngay sau động thái của NH Nhà nước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của cả bốn NH lớn gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt điều chỉnh giảm từ 7,4%/năm xuống 7,2%/năm, tương đương giảm 0,2 điểm phần trăm. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất thị trường.

Bên cạnh đó, hàng loạt NH khác cũng giảm lãi suất huy động từ ngày 16-3. Đơn cử, VietABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên. DongABank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn sáu tháng còn 7,9%/năm, thấp hơn trước khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Chuyên gia tài chính NH, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Động thái giảm một số lãi suất điều hành đã thể hiện sự linh hoạt của NH Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ quan điểm cần phải tăng lãi suất đồng đô la nhưng tốc độ tăng đã nhẹ hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, tỉ giá USD/VND thời gian gần đây có xu hướng giảm.

Điều này vừa giúp lãi suất VND bớt căng thẳng, giảm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, vừa giúp nỗi lo lỗ tỉ giá của các công ty có vốn vay bằng USD cũng dịu bớt. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều đang trong xu hướng giảm, ngoài ra lạm phát cũng không quá căng thẳng.

“Do đó, NH Nhà nước hạ lãi suất điều hành là điều đương nhiên. Từ đây, tạo điều kiện để các NH giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Thịnh đánh giá.

Bốn tác động của việc giảm lãi suất

TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng có bốn tác động của việc giảm lãi suất điều hành của NH Nhà nước đối với nền kinh tế và doanh nghiệp. Một là, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ NH Nhà nước qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên NH. Qua đó, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Hai là, lãi suất giảm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng lần này chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng nội tệ đối với các lĩnh vực ưu tiên nên phạm vi ảnh hưởng chưa nhiều. Sau này, khi mặt bằng lãi suất chung có điều kiện giảm sẽ tác động tích cực đối với tất cả bên vay.

4 tác động từ việc ngân hàng giảm lãi suất ảnh 1
Động thái giảm một số lãi suất điều hành đã thể hiện sự linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ba là, động thái chính sách này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán và bất động sản. Cụ thể, nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỉ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của chứng khoán hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn.

Doanh nghiệp lo lắng lãi suất biến động

Hiện lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, dẫn đến áp lực lãi suất cho vay với các doanh nghiệp là rất lớn.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony, cho biết: “Tôi vừa khảo sát một số NH khác thì được chào mức lãi suất cho vay 9,5%/năm kỳ hạn ba tháng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm vay NH từ nhiều năm nay, tôi biết chắc đó chỉ là mức lãi suất chiêu mộ và khách hàng chỉ được hưởng lần đầu tiên. Còn từ lần vay thứ hai trở đi, lãi suất sẽ tự động “nhảy” lên mức cao hơn với nhiều lý do khác nhau”.

Theo ông Quang Anh, việc tăng giảm lãi suất không đáng lo bằng việc dự báo xu hướng lãi suất trong tương lai sẽ ra sao. Trước đây, việc dự báo lãi suất, tỉ giá khá đúng và dễ dàng hơn. Nhưng 1-2 năm gần đây, khả năng dự báo đường đi của lãi suất, tỉ giá gần như là không thể. Chưa từng thấy bao giờ mà chỉ trong khoảng 1,5 tháng, tỉ giá USD/VND tăng thẳng đứng từ quanh mức 23.500 VND/USD lên gần 25.000 VND/USD, rồi rất nhanh sau đó lại “rơi” về ngưỡng 23.620 VND/USD.

“Tăng giảm đột ngột vậy khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu như chúng tôi gặp khó ngay, mất mấy trăm triệu chỉ vì biến động bất thường của tỉ giá. Lợi nhuận của đơn hàng không đủ bù lỗ tỉ giá” - ông Quang Anh nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, cho biết: Đặc thù của hiệp hội là trên 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận không đủ trả lãi NH khiến họ không dám vay, khả năng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh là không có. Do đó, hiện nay một số doanh nghiệp cần phải được giãn nợ, hoãn nợ, nếu các NH xiết nợ có thể dẫn đến phá sản.

Nghiêm cấm lách vượt trần lãi suất huy động

NH Nhà nước cho biết cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Từ đó không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Đồng thời, NH Nhà nước nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
4 tác động từ việc ngân hàng giảm lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO