Năm 2014, một nhà phân tích an ninh quốc gia đã chỉ trích sự yếu kém của quân đội Ukraine và đánh giá lực lượng hải quân của nước này đang ở trong "tình trạng tồi tệ".
Tướng Ukraine Victor Muzhenko, cựu chỉ huy hàng đầu của các lực lượng vũ trang Ukraine, thậm chí còn thừa nhận rằng, đất nước của ông đang sở hữu "một đội quân đang bị hủy hoại theo đúng nghĩa đen".
Tuy nhiên, 8 năm sau, khi giao tranh với Nga từ ngày 24/2, quân đội Ukraine đã cho thấy một sự hồi sinh mạnh mẽ đáng ngạc nhiên trước quân đội Nga lớn mạnh hơn và được trang bị tốt hơn rất nhiều.
Trang tin Asia Times nhận định, có 4 lý do quan trọng làm nên sự tiến bộ của quân đội Ukraine như hiện nay.
Hai yếu tố đầu tiên là nỗ lực cam kết của chính phủ Ukraine vào năm 2016: cải tổ quân đội cùng với viện trợ và thiết bị quân sự trị giá hàng triệu USD của phương Tây.
Yếu tố thứ ba là những thay đổi quan trọng trong tư duy quân sự của Ukraine, hiện cho phép các nhà lãnh đạo cấp dưới đưa ra các quyết định trên chiến trường. Cho đến gần đây, những lãnh đạo cấp dưới như vậy vẫn cần phải xin phép mệnh lệnh của các chỉ huy cấp cao, bất kể điều kiện chiến trường thay đổi có khiến những mệnh lệnh đó có còn phù hợp hay không.
Yếu tố quan trọng cuối cùng, được cho là quan trọng nhất, đã diễn ra trong người dân Ukraine: một nền văn hóa quốc gia về tình nguyện quân sự đã xuất hiện. Do đó, một cơ quan chính phủ được thành lập để tổ chức và huấn luyện dân thường trong việc phòng thủ trước các cuộc tấn công.
Cải cách quốc phòng rộng rãi
Năm 2014, chính phủ Ukraine đã tiến hành cuộc rà soát toàn diện về an ninh quốc gia và quốc phòng quân sự. Và họ đã xác định một số vấn đề trực tiếp dẫn đến hiệu suất chiến đấu kém.
Những thiếu sót bao gồm việc không có khả năng chống lại các cuộc tấn công mạng đến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế kém. Tham nhũng tràn lan, quân đội không được trả lương và nguồn cung cấp cơ bản luôn cạn kiệt. Nhìn chung hậu cần và chỉ huy cũng không hiệu quả.
Để khắc phục những thiếu sót này, năm 2016, Tổng thống Ukraine khi đó là Petro Poroshenko đã chỉ đạo cải cách sâu rộng trong 5 hạng mục: chỉ huy và kiểm soát; lập kế hoạch, hoạt động; y tế và hậu cần; và phát triển nghiệp vụ. Mặc dù tất cả các cải cách vẫn chưa được thực hiện, nhưng đã có những cải thiện đáng kể trong 6 năm qua.
Viện trợ quân sự của Mỹ
Để hỗ trợ quân đội Ukraine cải cách, Mỹ đã tăng viện trợ tài chính cho nước này ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Khi đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hỗ trợ cho Kiev 291 USD và đến cuối năm 2021, Washington đã cung cấp tổng cộng 2,7 tỷ USD để hỗ trợ đào tạo và trang thiết bị.
Mỹ cũng đã giúp huấn luyện binh sĩ Ukraine tại căn cứ quân sự Yavoriv. Căn cứ nhanh chóng trở thành một trung tâm huấn luyện hàng đầu, nơi ước tính có 5 tiểu đoàn đã huấn luyện hàng năm kể từ năm 2015.
Năm 2016, Tổng thống Poroshenko đã nhờ các cố vấn quốc phòng cấp cao từ Mỹ, Canada, Anh, Lithuania và Đức tư vấn cho Ukraine hiện đại hóa lực lượng vũ trang với mục tiêu đạt được các tiêu chuẩn, quy tắc và thủ tục của NATO vào năm 2020.
Một tiêu chuẩn quan trọng của NATO là đảm bảo rằng Ukraine có thể tích hợp hỗ trợ hậu cần của mình với các đơn vị NATO khác khi triển khai.
Phương Tây cũng hỗ trợ nhiều loại vũ khí và thiết bị khác nhau, bao gồm Humvee, máy bay không người lái, súng bắn tỉa, radar định vị nguồn gốc hỏa lực của đối phương và ống ngắm tầm nhiệt được sử dụng để xác định mục tiêu vào ban ngày hoặc ban đêm.
Một loại vũ khí được Ukraine đặc biệt quan tâm là các tên lửa chống tăng tốt hơn. Khi Nga điều xe tăng T-90 qua biên giới để hỗ trợ quân ly khai vào năm 2014, vũ khí hiện có của Ukraine không thể xuyên thủng lớp giáp của T-90. Năm 2017, Mỹ đã cung cấp bộ tên lửa chống tăng Javelin đầu tiên cho Ukraine.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các quốc gia phương Tây đã gửi thêm vũ khí và đạn dược cho Kiev, bao gồm tên lửa Stinger từ Lithuania và Latvia, tên lửa chống tăng Javelin từ Estonia và tên lửa chống tăng từ Anh.
Trao thêm quyền cho tướng cấp dưới trên chiến trường
Vào năm 2014, văn hóa quân sự của Ukraine không khuyến khích việc chấp nhận rủi ro từ các quyết định các thủ lĩnh cấp dưới - các trung úy và đội trưởng đang chỉ huy các cuộc giao tranh trên bộ. Không thể đưa ra quyết định, các lãnh đạo cấp dưới buộc phải xin phép trước khi có thể hành động, do đó loại trừ khả năng xảy ra cái gọi là "các sáng kiến có kỷ luật".
Những sáng kiến này được đưa ra khi các mệnh lệnh chiến trường ban đầu không còn phù hợp hoặc không phù hợp với tình hình thay đổi. Với tốc độ, khả năng cơ động và tính sát thương của chiến tranh hiện đại, "các sáng kiến có kỷ luật" có thể tạo nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại.
Trong khi đối mặt với phe ly khai ở miền Đông vào năm 2014, người Ukraine nhanh chóng biết được rằng các lãnh đạo cấp thấp hơn, chẳng hạn như trung đội trưởng và chỉ huy đại đội, không thể chờ đợi cấp trên chấp thuận để hành động. Lý do đơn giản là do tốc độ của trận chiến là quá nhanh.
Một nền văn hóa mới đã xuất hiện, và quân đội Ukraine hiện đang chiến đấu với một phiên bản mới hơn với chiến lược: kết quả quan trọng hơn quá trình. Sự thay đổi văn hóa này, kết hợp với 8 năm xung đột ở Donbas, đã tạo ra một thế hệ sĩ quan sẵn sàng chiến đấu cho Ukraine.
Dân quân tình nguyện
Những người dân ở khắp Ukraine tình nguyện đến Donbas vào năm 2014 để chống lại phe ly khai. Số lượng nhiều đến mức Ukraine quyết định thành lập tiểu đoàn tình nguyện.
Nhưng vấn đề là không có nhiều thời gian để đào tạo họ. Để khắc phục các vấn đề trong việc tổ chức các nỗ lực dân quân tình nguyện, Ukraine đã thông qua luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, thành lập Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ như một chi nhánh độc lập trong quân đội. Lực lượng này sẽ bao gồm 10.000 nhân lực trong thời bình và tổ chức 120.000 lính dự bị thành 20 lữ đoàn.
Nga bắt đầu hành động trước khi lực lượng này có thể được thành lập đầy đủ, nhưng dù sao lực lượng này vẫn là cơ cấu tổ chức quan trọng trong khi xảy ra xung đột.