4 kinh nghiệm 'nằm lòng' của bệnh nhân ở Hải Phòng 75 tuổi chiến thắng ung thư trực tràng

30/09/2020 17:19

Là một nữ bệnh nhân ung thư cao tuổi (75 tuổi) nhưng bà Phạm Lũng Hà - Hải Phòng vẫn khoẻ mạnh. Bà tự tin với sức khoẻ của mình sau 3 năm điều trị ung thư trực tràng.

Bà Phạm Lũng Hà 75 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Hải Phòng. Bà đã trải qua 3 năm chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng. Hàng ngày, bà vẫn sinh hoạt điều độ, ăn uống không quá kiêng khem, tập thể dục đều đặn.

Trong suốt những ngày chiến đấu với bệnh tật, bà Hà luôn lạc quan. Hiện tại, bà khỏe mạnh, trẻ hơn so với tuổi. Ngoài ra, bà còn tích cực hoạt động trên mạng xã hội, cộng đồng hỗ trợ bệnh nhân ung thư để chia sẻ với những người đồng bệnh.

Dưới đây là 4 kinh nghiệm của bà Hà chia sẻ để nhiều người đang trong cuộc chiến chống ung thư có thể tham khảo để chiến thắng bệnh tật.

1. Dấu hiệu lạ đi khám ngay

Tháng 5/2017, khi phát hiện ung thư, tôi rất bất ngờ. Trước đó, thấy đi đại tiện có chút máu ở giấy nên tôi đã đi khám nội soi. Kết quả là ung thư trực tràng.

Nhưng khi ấy, tôi bình tĩnh lạ thường, không sốc, không hoảng sợ. Hỏi ý kiến ông bạn là bác sĩ ngành Đông y đã về hưu, ông bạn khuyên tôi chữa theo Tây y, đi phẫu thuật ngay. Nếu để lâu khối u to lên, mất cơ hội điều trị.

4 kinh nghiệm nằm lòng của bệnh nhân ở Hải Phòng 75 tuổi chiến thắng ung thư trực tràng - Ảnh 1.

Bà Phạm Lũng Hà vẫn khoẻ mạnh kiên trì tập luyện hàng ngày

Tôi thấy có rất nhiều người có các triệu chứng bất thường của cơ thể nhưng lại bận công việc, ngại ngùng, sợ nếu phát hiện ra bệnh tật lo lắng nên đã không đi khám ngay, khi phát hiện bệnh ung thư đã muộn. Đây là điều đáng lo lắng nhất, vì chữa bệnh muộn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, tôi khẳng định con đường duy nhất của chúng ta là đi đến bệnh viện và gặp bác sĩ.

Kinh nghiệm rút ra: Nếu thấy bất thường ở cơ thể nên tới bệnh viện kiểm tra ngay. Nếu sàng lọc phát hiện sớm được ung thư điều trị sớm sẽ nhàn hơn.

2. Chỉ nghe bác sĩ khuyên

Nửa tháng sau tôi đã nhập viện để phẫu thuật, cắt khối u trực tràng thấp, cách hậu môn 6cm. Sau đó tôi phải đeo hậu môn nhân tạo tạm thời và được phẫu thuật nối trực tràng. Thời gian phẫu thuật, xạ trị và ra viện mất 6 tháng. Tháng 4/2018, sức khỏe tôi ổn định và xuất viện.

Kinh nghiệm rút ra: Tôi chỉ theo hướng điều trị của bệnh viện: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Tôi khuyên các bạn đừng nghe ai. Nếu họ không phải chuyên môn ngành y hướng dẫn bạn về cách chữa bệnh đều không đúng.

Nhiều bạn đã hỏi nên chữa bệnh ung thư như thế nào, rồi đi nghe theo những người không có chuyên môn, họ khuyên răn chữa theo những phương pháp như dùng thuốc nam, thuốc Đông y, uống lá này, lá kia… tôi rất lo.

Tôi luôn tự hỏi: Nếu các bạn nghe lung tung như vậy, khi đã mất cơ hội chữa bệnh theo các phương pháp khoa học của Tây y, hậu quả xấu thì các bạn sẽ "bắt đền" được ai?

3. Tuân thủ điều trị, tâm trạng vui vẻ

Sau thời gian điều trị bệnh, đến bây giờ tôi vẫn nhớ trong hơn 1 năm vừa phẫu thuật 2 lần với bao đau đớn, vất vả nhưng tôi đã vượt qua được một cách vui vẻ dù khi đó đã 73 tuổi.

Cứ 5 ngày đi hóa trị, tôi về nghỉ bồi dưỡng 10 ngày. Tất cả là 12 chu kỳ. Khám sức khỏe trước khi hóa trị, lần nào sức khỏe của cũng đảm bảo để hóa trị tiếp.

4 kinh nghiệm nằm lòng của bệnh nhân ở Hải Phòng 75 tuổi chiến thắng ung thư trực tràng - Ảnh 2.

Kinh nghiệm từ bản thân của bà Hà để sống khỏe với ung thư

Ở bệnh viện, lúc thì 2 người 1 giường có lúc thì 2 giường 5 người để nằm truyền hóa chất, tôi khắc phục một cách thoải mái, vui vẻ.

Tôi may mắn khoẻ nên không bị tác dụng phụ: không nôn, không chán ăn. Ngoài 2 bữa cơm do con mang đến, tôi không cần ai đi theo phục vụ. Tôi tự làm được mọi việc. Tinh thần thoải mái, vui vẻ. Tôi còn luôn động viên chị em cùng phòng cố gắng khắc phục khó khăn để chữa bệnh. Động viên chị em vui vẻ, hát hò những ngày này thật sự quan trọng.

Cách tốt nhất là ăn uống bồi dưỡng đủ chất để đủ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, để đủ sức khỏe khi hóa trị, không bị nghỉ ngắt quãng, ảnh hưởng đến phác đồ điều trị. Đồng thời khi có các phản ứng phụ thì xin ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị của mình.

4. Sau khi đã điều trị sống như thế nào?

Tôi thấy rất nhiều bệnh nhân ung thư sau khi điều trị xong thường hỏi trên facebook về việc ăn uống như thế nào: Kiêng thứ gì, ăn uống gì, dùng thực phẩm chức năng nào?

Tôi tham khảo thông tin trên trang Y học cộng đồng và rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi hiểu phải ăn uống như thế nào: Ăn uống đủ chất, cân bằng, không kiêng thứ gì.

Tôi không dùng thực phẩm chức năng vì ăn uống đã đủ chất, hơn nữa thực phẩm chức năng rất đắt tiền. Nếu so với việc ăn uống thì tác dụng chẳng hơn được bao nhiêu.

Tôi luôn ghi nhớ một điều một bác sĩ đã nói: Việc điều trị xong ở bệnh viện mới là đi nửa chặng đường chữa bệnh, chặng đường còn lại do mỗi bệnh nhân chúng ta tự quyết định.

Nghe theo lời khuyên của các bác sĩ, tôi rất chịu khó tập luyện và vận động, vì tôi hiểu: Vận động để phục hồi và cải thiện sức khỏe cho các bộ máy trong cơ thể như tim mạch, phổi, thận, gan, dạ dày, niêm mạc ruột… vì nó đã bị yếu đi sau khi phẫu thuật và hóa trị.

Đồng thời, vận động làm cho hệ miễn dịch khỏe, có thể chống đỡ với các bệnh tật khác như cúm mùa, cảm lạnh, viêm nhiễm và phòng chống được ung thư tái phát, di căn. Sống vui, sống khỏe để sức đề kháng dẻo dai chống lại ung thư.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
4 kinh nghiệm 'nằm lòng' của bệnh nhân ở Hải Phòng 75 tuổi chiến thắng ung thư trực tràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO