1. "Lười" thúc giục, cằn nhằn con
Vì quan tâm đến con, sợ con chưa hoàn thành xong công việc, hoặc không kịp dậy để ăn sáng, không kịp đến trường nên nhiều cha mẹ luôn ở đằng sau thúc giục, cằn nhằn con. "Nhanh lên nào, con làm gì mà muộn thế"; "Nhanh lên, chỉ còn 5 phút nữa thôi"; "Sao ngày nào cũng để bố mẹ phải giục thế? Nếu không có bố mẹ giục thì con tự làm kiểu gì";...
Thực tế, trẻ chỉ cần nghe cha mẹ nói 1-2 lần là sẽ tự biết mình phải làm gì. Tuy nhiên, việc cha mẹ cứ nói đi nói lại nhiều lần một vấn đề có thể khiến trẻ cảm thấy bực mình, không thoải mái, nhiều khi còn có phản ứng chống đối, hình thành tâm lý nổi loạn.
Cha mẹ không cần cằn nhằn, thúc giục nhiều mà cứ để con tự làm. Khi trẻ lớn hơn, lòng tự trọng sẽ khiến trẻ chủ động hơn trong mọi việc và có ý thức sắp xếp việc học tập, cuộc sống vì muốn chứng tỏ bản thân. Chỉ cần khi thấy trẻ làm tốt, cha mẹ có lời khen hợp lý, kịp thời, kích thích ham muốn phấn đấu của trẻ là mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.
Ảnh minh họa
2. "Lười" bảo vệ con mọi lúc, mọi nơi
Ngay từ khi con chào đời, cha mẹ đã dồn hết sức lực của mình cho con. Khi con mới chào đời, sợ bàn tay của con bị tổn thương, cha mẹ đeo găng tay cho con. Khi con tập đi, sợ con bị va đập, cha mẹ theo sát, bảo vệ con trong vòng tay của mình. Đó là khi trẻ còn nhỏ, nhưng theo thời gian, khi trẻ lớn lên, nhiều cha mẹ vẫn quen giữ con trong vòng tay, không cho con rời nửa bước. Cha mẹ bảo vệ con mọi lúc, mọi nơi, tước đi của con những cơ hội khám phá cuộc sống xung quanh, cơ hội được trải nghiệm.
Kết quả của việc này là trẻ ngày càng kém can đảm và phụ thuộc vào cha mẹ. Một khi rời xa sự chăm sóc của cha mẹ, chúng sẽ trở nên bối rối, không biết phải làm gì.
3. "Lười" làm việc nhà thay con
Nhiều cha mẹ có thói quen làm hết mọi công việc nhà giúp con vì nghĩ mình làm nhanh hơn, tốt hơn. Chẳng hạn như lau nhà, dọn phòng, rửa bát, giặt quần áo,... - cha mẹ đều giành làm hết cho con.
Hành động nuông chiều quá mức này của cha mẹ chỉ khiến con ngày càng ỉ lại, thiếu sự tự lập, không biết tự chăm sóc bản thân. Theo thời gian, khi lớn lên và phải sống một mình, chẳng hạn khi đi học đại học xa nhà, con sẽ không thể xoay sở được trong cuộc sống cá nhân. Thực tế, từng có câu chuyện một thần đồng ở Trung Quốc bị đuổi học vì không thể tự chăm sóc bản thân. Anh này tên là Ngụy Vĩnh Khang, vì từ bé quen được mẹ chăm bẵm, bón cơm tận miệng nên khi sống ở KTX đã không thể tự làm bất kỳ việc gì.
4. "Lười" làm bài tập giúp con
Ngày nay, nhiều phụ huynh hỏi con sau giờ học có được cô giao bài tập về nhà hay không. Để nâng cao kết quả học tập của con, cha mẹ thường giúp con làm bài tập về nhà. Cha mẹ giám sát việc học của con không khác gì giáo viên, tạo ra cảm giác bức bối, khó chịu cho trẻ. Đồng thời khiến trẻ có cảm giác "Mình học là vì bố mẹ". Từ đó, trẻ nảy sinh thái độ tiêu cực với việc, luôn cảm thấy chán nản, không có động lực học tập.
Bên cạnh việc kè kè, giám sát, nhiều cha mẹ thậm chí còn làm luôn bài tập cho con, không chỉ là hướng dẫn, mà còn là ghi luôn đáp án cho con khi thấy con mãi không làm được bài.
Những bậc cha mẹ lười cùng con làm bài tập về nhà sẽ khiến con nhận ra rằng việc học là của riêng mình, học cho chính mình. Vì vậy, những đứa trẻ như vậy sẽ năng động, chủ động hơn trong học tập, có tinh thần tự giác và có xu hướng đạt kết quả học tập tốt hơn.
Theo Phụ nữ mới