Lò vi sóng hiện nay khá phổ biến trong gia đình và công sở. Chúng thường được dùng để hâm nóng lại thức ăn.
Nhưng chỉ với vài tuyệt chiêu đơn giản, bạn Ngọc Khanh - thành viên nhóm Yêu bếp đã chia sẻ 4 cách dùng lò vi sóng để chế biến những món ăn ngon.
Bài viết đã nhận được sự quan tâm lớn của mọi người với hơn 4 nghìn lượt yêu thích, chia sẻ và gần 500 lượt bình luận. Mời độc giả cùng tham khảo!
Đun sôi nước pha cà phê hòa tan, trà, sữa, trà sữa, cacao... bằng lò vi sóng
Thường thì khi uống trà, cà phê hoà tan mọi người chỉ cần một lượng nước rất khiêm tốn nên việc đun hẳn một bình nước là phí phạm (phải đun ít nhất là ở mực nước cho phép cũng vẫn là nhiều).
Và trong hoàn cảnh không có cây nước nóng thì lò vi sóng đích thị là chân ái để làm sôi nước chỉ trong vòng 1 phút đổ lại.
Cách làm
Rót nước vào cốc hoặc bát dùng an toàn cho lò vi sóng. Nhớ đừng đậy kín vật đựng. Hơi nước nóng có thể gây nổ.
Đặt một cái que, muỗng phi kim loại vào trong cốc, vật chứa (việc này nhằm tạo điều kiện để tạo nên các bọt khí khi nước sôi, giữ cho chất lỏng trong ngưỡng nhiệt độ sôi).
Dùng một vật khác chạm vào thành ngoài của vật chứa/cốc vài lần nhằm làm giảm bớt nhiệt của nước mới đun.
Và cuối cùng là nhớ để mặt tránh xa nước mới đun sôi trong lò.
Luộc xúc xích bằng lò vi sóng
Cho xúc xích vào bát dùng an toàn trong lò vi sóng. Phải đảm bảo rằng bát đủ sâu để cho được nhiều xúc xích vào.
Đổ nước ngập xúc xích. Nước có thể trào ra ngoài nên cần đổ nước cách miệng bát khoảng 2,5 cm.
Hấp xúc xích. Cho bát đựng xúc xích vào lò vi sóng. Đóng cửa lò và hấp xúc xích ở nhiệt độ cao khoảng 2-3 phút. Xúc xích lớn có thể cần hấp lâu hơn.
Lấy xúc xích ra khỏi lò vi sóng và để ráo nước. Sau khi lấy ra khỏi lò, xúc xích sẽ rất nóng nên cần để nguội và ráo nước khoảng 30 giây.
Nấu xôi, nấu cơm mềm dẻo bằng lò vi sóng
Bạn có thể dùng lò vi sóng để nấu các loại xôi khác nhau như: Xôi đậu, xôi lá dứa, xôi sầu riêng, xôi gấc..
Bạn cho nếp vào một khay chịu nhiệt trong lò vi sóng. Sau đó, đổ nước ngập xâm xấp mặt nếp. Cho xíu muối, đường vào trộn đều. Bạn dùng nilong phủ kín xôi. Cho vào lò vi sóng khoảng từ 4-5 phút. Lấy ra, dùng đũa trộn đều lên để xôi được chín đều.
Nấu cơm bằng nồi cơm điện có thể tốn của bạn tới 1 tiếng, nhưng với lò vi sóng thường chỉ mất khoảng từ 12 phút, cơm dẻo và chín đều.
Cách làm như sau: Vo gạo, đổ nước như cách thông thường, đậy lại và cho vào lò vi sóng với mức nhiệt cao nhất trong khoảng từ 9 phút, sau đó bạn đưa về nhiệt độ trung bình trong 3 phút, cơm có thể lấy ra dùng ngay.
Rán trứng bằng lò vi sóng
Lấy một chiếc đĩa dùng cho lò vi sóng lòng phẳng, cao thành, tráng chút dầu vào rồi đập trứng.
Sau khi khuấy đều và nêm gia vị vào trứng cho vừa ăn thì các bạn cho đĩa vào lò vi sóng.
Thời gian ít hay nhiều tùy vào độ chín mà bạn mong muốn.
Tuyệt đối không luộc trứng bằng lò vi sóng. Vì khi cho trứng tươi còn nguyên phần vỏ cứng vào trong lò vi sóng, nhiệt độ cao trong lò sẽ làm không khí trong trứng giãn nở, dẫn tới lớp vỏ ngoài bị giãn ra theo, khiến quả trứng bị nổ tung. Làm như vậy không chỉ khiến trứng văng tung tóe, nguy hiểm, bẩn nhà, mà còn gây ra nguy cơ cháy nổ lò rất cao.
Thủy tinh chịu nhiệt
Một trong những vật liệu có thể cho vào lò vi sóng đó là thủy tinh chịu nhiệt. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, bạn nên chọn những loại thủy tinh dày.
Nhựa chuyên dụng cho lò vi sóng
Nhựa có thể cho vào lò vi sóng, tuy nhiên không phải tất cả các loại nhựa đều có thể cho vào sử dụng. Thường trên hộp nhựa này có dòng chữ microwave-safe hoặc microwavable. Bạn nên chọn loại nhựa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đồ vật bằng gốm, sứ
Đây là loại vật liệu khá an toàn khi cho vào lò vi sóng, bạn không cần phải lo lắng quá nhiều bởi nó chẳng hề gây nguy hiểm gì cho người sử dụng.
Vật dụng làm từ gỗ
Các vật dụng làm từ gỗ là những đồ có thể cho vào lò vi sóng mà bạn chẳng cần phải lo lắng về bất kì điều gì.
Màng gói thực phẩm, túi chuyên dụng cho lò vi sóng
Màng gói thực phẩm có thể sử dụng trong lò vi sóng nhưng không phải tất cả màng bọc đều dùng được. Bạn chỉ nên sử dụng các loại màng gói thực phẩm, túi chuyên dụng cho lò vi sóng.
Theo Giáo dục và Thời đại