Mang thai ở vết mổ đẻ cũ được hiểu là việc người phụ nữ có dấu hiệu mang thai nhưng đây là một thai kỳ bất bình thường. Thay vì việc trứng được thụ tinh bám vào đáy tử cung làm tổ và sinh trưởng thì nó lại làm tổ tại eo tử cung - nơi có vết sẹo mổ cũ trên cơ tử cung rồi phát triển túi thai tại đó, thường là vết sẹo cũ do mổ lấy thai trước đó.
Thực tế, vết sẹo mổ cũ làm cơ tử cung tại đó không thể co giãn, mềm mại như cơ tử cung bình thường. Nên việc túi thai làm tổ và phát triển tại vị trí cơ bị tổn thương, diện tích chật hẹp sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm: Rách vết mổ dẫn đến sảy thai , vỡ tử cung, băng huyết, phải cắt bỏ tử cung,...
Phụ nữ có tiền sử mổ lấy thai là đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc phải tình trạng này. Nguy cơ càng cao khi số lần mổ lấy thai càng nhiều.
Ngoài mổ lấy thai, các phẫu thuật tử cung khác như phẫu thuật bóc u xơ tử cung , cắt bỏ một phần tử cung hoặc các ca mổ can thiệp vào thành tử cung cũng có thể làm tăng nguy cơ chửa ở vết mổ cũ.
Nếu khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn, vết mổ trước có thể chưa lành hoàn toàn, làm tăng nguy cơ chửa trên vết sẹo.
Triệu chứng của bệnh mang thai ở vết mổ cũ có thể khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của thai nhi và mức độ tổn thương tại vết sẹo. Chảy máu âm đạo là triệu chứng phổ biến nhất. Máu có thể có màu đỏ tươi hoặc nâu sẫm, kèm theo hoặc không kèm theo đau bụng. Cơn đau bụng dưới xuất hiện đột ngột hoặc kéo dài, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của vết mổ. Đau có thể lan tỏa hoặc khu trú ở vùng bụng dưới, gần vị trí của sẹo mổ.
Mang thai ở vết mổ cũ là một tình trạng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi sự chú ý và xử lý y tế kịp thời. Bao gồm: Nạo hút thai đối với những trường hợp phôi thai bé và phẫu thuật lấy thai với những trường hợp khối thai lớn hơn, xâm lấn nhiều.
Bài tập thở với bóng cải thiện chức năng phổi.
1. Vai trò của tập luyện đối với phụ nữ mang thai ở vết mổ đẻ cũ
Đối với những người phụ nữ sau phẫu thuật mang thai ở vết mổ đẻ cũ, quá trình phục hồi không chỉ phụ thuộc vào việc chăm sóc y tế, chế độ ăn khoa học mà còn dựa vào việc thực hiện các bài tập luyện thể dục hợp lý.
Tập luyện sau phẫu thuật không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng phục hồi , ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Sau phẫu thuật, cơ thể cần thời gian để hồi phục và việc tăng cường tuần hoàn máu là điều quan trọng để cung cấp đủ oxy và dưỡng chất đến các mô bị tổn thương. Tập luyện nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ tụ máu và ngăn ngừa các biến chứng tim mạch sau phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, nhiều phụ nữ có thể cảm thấy yếu hoặc mất sức mạnh cơ bắp, đặc biệt là ở vùng bụng. Tập luyện thể dục giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện sự linh hoạt và giảm cảm giác mệt mỏi.
Bên cạnh đó, táo bón là một vấn đề phổ biến sau phẫu thuật do giảm hoạt động thể chất và tác dụng phụ của thuốc giảm đau. Việc tập luyện nhẹ nhàng giúp kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột và giảm nguy cơ táo bón.
Tập luyện không chỉ có lợi cho sức khỏe thể chất mà còn giúp cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng và nâng cao tinh thần lạc quan cho người bệnh.
Tư thế cây cầu cải thiện tuần hoàn máu.
2. Những bài tập tốt nhất cho người mang thai ở vết mổ đẻ cũ
Bài tập 1: Bài tập thở với bóng
- Cách thực hiện:
Bước 1: Ngồi trên sàn hoặc ghế với lưng thẳng. Đặt bóng tập giữa hai tay, giữ bóng ở trước ngực.
Bước 2: Hít sâu qua mũi, đồng thời ép nhẹ bóng bằng hai tay. Cảm nhận cơ bụng và cơ ngực căng lên khi ép bóng.
Bước 3: Thở ra từ từ qua miệng, thả lỏng tay và cảm nhận cơ thể thư giãn.
Bước 4: Lặp lại bài tập này 10 - 15 lần, tập trung vào hơi thở và cảm giác căng giãn cơ.
- Tác dụng: Bài tập thở với bóng giúp cải thiện chức năng của phổi, tăng cường lượng oxy đưa vào cơ thể và cải thiện sự lưu thông khí trong phổi. Khi thực hiện bài tập thở với bóng, việc ép nhẹ bóng bằng hai tay khi hít thở sẽ kích thích cơ bụng hoạt động một cách nhẹ nhàng. Điều này giúp tăng cường cơ bụng mà không gây áp lực quá mức lên vùng vết mổ.
Bài tập 2: Bài tập Kegel với bóng
- Cách thực hiện:
+ Bước 1: Nằm ngửa trên sàn, co gối, bàn chân đặt trên sàn và hai tay đặt dọc theo thân.
+ Bước 2: Đặt một quả bóng nhỏ giữa hai đầu gối.
+ Bước 3: Thực hiện động tác Kegel (thắt chặt cơ sàn chậu như khi bạn cố gắng ngăn dòng nước tiểu) trong khi ép bóng giữa hai đầu gối.
+ Bước 4: Giữ trong 5 giây rồi thả lỏng.
+ Bước 5: Lặp lại bài tập này 10 - 12 lần.
- Tác dụng: Bài tập Kegel với bóng giúp tăng cường và phục hồi sức mạnh cho cơ sàn chậu. Tăng cường cơ sàn chậu cũng giúp cải thiện chức năng bàng quang và ruột. Điều này có thể giảm thiểu các triệu chứng khó chịu như tiểu không tự chủ hoặc táo bón sau phẫu thuật ở người bệnh mang thai ở vết mổ đẻ cũ.
Đồng thời, việc thắt chặt cơ sàn chậu khi ép bóng giữa hai đầu gối giúp kích thích lưu thông máu đến vùng chậu, từ đó hỗ trợ quá trình lành vết mổ từ bên trong, giúp vết mổ mau lành.
Tư thế em bé kích thích lưu thông máu, hỗ trợ quá trình hồi phục.
Bài tập 3: Tư thế cây cầu
- Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa, hai tay đặt sang hai bên, gập đầu gối, khoảng cách giữa gót chân và cơ mông một khoảng tầm 20cm, khoảng cách giữa hai bàn chân nên để rộng bằng vai.
+ Hít sâu, nâng lưng lên và cảm nhận sự căng cơ ở hông, lưng, cổ. Hai tay đan vào nhau.
+ Giữ tư thế tầm 15 - 30 giây hoặc lâu hơn, trong lúc này nên thở đều và chậm.
+ Kết thúc bằng cách hạ lưng từ từ xuống, thở chậm, sâu và thư giãn.
+ Nên lặp lại động tác khoảng 3 - 5 lần.
- Tác dụng: Bài tập này giúp cải thiện tuần hoàn máu, đặc biệt vùng chậu và bụng. Tăng cường tuần hoàn máu đẩy nhanh quá trình hồi phục vết mổ và ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông, một vấn đề tiềm ẩn sau phẫu thuật.
Đồng thời tăng cường sự linh hoạt cho cơ hông, lưng và đùi. Sự linh hoạt này hỗ trợ rất nhiều trong việc cải thiện khả năng vận động.
Bài tập 4: Bài tập tư thế em bé
- Cách thực hiện:
+ Bước 1: Quỳ trên mặt sàn đã được trải thảm tập, hai mũi chân khép lại sát vào nhau và hai đầu gối cách xa nhau, đặt tay lên đùi.
+ Bước 2: Thở ra đồng thời hạ thấp thân về phía trước và đặt bụng trên đùi, cùng lúc đó vươn tay lên cao.
+ Bước 3: Hít thở sâu và ép sát bụng vào đùi, đầu chạm vào thảm và hai tay duỗi thẳng.
+ Bước 4: Giữ tư thế này trong 20 - 30 giây, rồi thả lỏng trở về trạng thái ban đầu.
- Tác dụng: Tư thế em bé tạo ra một áp lực nhẹ nhàng lên vùng bụng và chậu, giúp kích thích lưu thông máu và hỗ trợ quá trình hồi phục vết mổ. Đồng thời, tư thế này giúp thư giãn cơ sàn chậu, giảm áp lực và hỗ trợ việc hồi phục từ bên trong.
Tư thế em bé còn giúp kích thích hệ tiêu hóa, cải thiện quá trình tiêu hóa và giảm triệu chứng táo bón thường gặp sau phẫu thuật.
3. Lưu ý khi tập luyện
- Tránh các bài tập đòi hỏi sức mạnh lớn hoặc gây áp lực trực tiếp lên vùng bụng dưới như nâng tạ nặng, bài tập cơ bụng mạnh, hoặc chạy đường dài.
- Các động tác xoay hoặc vặn mạnh có thể gây căng thẳng lên vết mổ. Thay vào đó, hãy lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng và an toàn hơn.
- Môi trường quá nóng hoặc độ ẩm cao dễ gây mất nước và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Do đó nên tránh tập luyện trong những điều kiện thời tiết này.
- Việc duy trì đủ lượng nước trong cơ thể là rất quan trọng khi tập luyện. Uống nước đều đặn trước, trong và sau khi tập luyện để đảm bảo cơ thể không bị mất nước.
- Chọn quần áo tập luyện thoải mái, co giãn và thoáng khí để giúp cơ thể dễ dàng vận động và giảm nguy cơ bị kích ứng da.
- Cùng với việc tập luyện, người bệnh cần chú ý đến việc nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có thể hồi phục và duy trì sức khỏe tốt.
- Không cần phải tập luyện quá nhiều, quan trọng là duy trì đều đặn và thực hiện các bài tập một cách đúng kỹ thuật.
- Nên giới hạn thời gian tập luyện mỗi ngày không quá 30 phút, và nên chia nhỏ thời gian này thành các phiên tập ngắn.
Theo GĐXH