Mark Vande Hei, phi hành gia của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA trở về từ không gian sau khi trải qua 355 ngày làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
355 ngày trên trạm vũ trụ quốc tế, phi hành gia NASA lập kỷ lục mới |
Phi hành gia Mark Vande Hei của NASA đã chính thức trở thành người Mỹ đầu tiên dành nhiều thời gian trên quỹ đạo nhất. Anh đã vượt qua kỷ lục trước đó của cựu phi hành gia NASA Scott Kelly với số ngày liên tục trong không gian là 340 ngày. Tuy nhiên, Mark Vande Hei vẫn còn kém hơn nhà du hành vũ trụ Valery Poliyakov thiết lập trên trạm vũ trụ Mir của Nga vào tháng 1/1995 với 437 ngày.
Vande Hei lên làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS vào tháng 4/2021, trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga từ sân bay vũ trụ Baikanour ở Kazakhstan và sẽ quay trở lại trên chính con tàu này vào ngày 30/3.
Mark Vande Hei sẽ trở về Trái Đất cùng hai phi hành gia người Nga là Pyotr Dubrov và Anton Shkaplerov trên tàu vũ trụ Soyuz, hạ cánh bằng dù trên thảo nguyên của Kazakhstan, phía đông nam thị trấn Dzhezkazgan.
Theo thông lệ trở lại của phi hành đoàn, sau khi hạ cánh, phi hành đoàn Soyuz MS-19 sẽ tách ra, Vande Hei trở về nhà ở Houston, Mỹ trong khi các phi hành gia Nga trở lại căn cứ huấn luyện ở Star City.
Đây là chuyến làm việc trong vũ trụ thứ hai của phi hành gia Vande Hei nâng tổng cộng ngày trong không gian lên 523 ngày.
Trong khi đó, đây là chuyến bay đầu tiên của phi hành gia Nga Pyotr Dubrov và là chuyến thứ 4 của Anton Shkaplerov trong không gian.
Trước khi trở về, phi hành gia Anton Shkaplerov sẽ bàn giao quyền chỉ huy trạm vũ trụ quốc tế ISS cho phi hành gia NASA Tom Marshburn.
Trong danh sách những phi hành gia dành nhiều ngày liên tục trong không gian còn có 3 người Mỹ khác gồm có phi hành gia Christina Koch với 328 ngày, Peggy Whitson với 289 ngày và Andrew R. Morgan với 271 ngày.
Trạm vũ trụ quốc tế ISS đã hoạt động từ tháng 11/2000. Thiết kế ban đầu dự tính ISS sẽ tồn tại trong khoảng 15 năm nhưng sau đó trên thực tế thời gian hoạt động đã kéo dài hơn. Tuy nhiên, theo NASA Trạm ISS sẽ bị phá hủy vào tháng 1/2031, sau khi kết thúc vòng đời hoạt động an toàn và có thể sẽ rơi xuống vùng biển phía nam Thái Bình Dương.
Hoàng Dung (lược dịch)