Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh thành về việc triển khai các giải pháp phòng ngừa ùn tắc đăng kiểm vào cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Theo Bộ GTVT, tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm đã cơ bản được giải quyết từ cuối tháng 6/2023 đến nay.
Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm dự báo trong quý IV/2023 và quý I/2024 khả năng một số địa phương có nguy cơ tái diễn cảnh ùn tắc đăng kiểm.
Các địa phương có nguy cơ gồm Bắc Kạn, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắc Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo Sở GTVT khẩn trương khôi phục lại trung tâm đã bị tạm dừng hoạt động và kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định cho các trung tâm mới.
Các địa phương cần thống kê tình hình nhân sự của các trạm đăng kiểm để dự báo tình hình và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ mới; trưng dụng tạm đăng kiểm viên ở nơi dư thừa năng lực để bổ sung cho các trung tâm bị thiếu hụt.
Bộ GTVT lưu ý địa phương xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng việc ùn tắc đăng kiểm để trục lợi như nhận đăng kiểm hộ, giúp làm nhanh kiểm định, mua bán tem, giấy chứng nhận kiểm định... gây bức xúc dư luận xã hội.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự báo tình trạng ùn tắc kiểm định tại Hà Nội dịp cuối năm sẽ không quá căng thẳng. Thời điểm căng thẳng nhất sẽ là các tháng 5, 6, 7 của năm 2024 do nhu cầu vượt quá năng lực đáp ứng.
Tuy nhiên, ông An lo ngại tình trạng ùn tắc tại Hà Nội và các tỉnh khác nói chung có thể trở nên trầm trọng hơn nếu hoạt động xét xử đăng kiểm viên diễn ra dồn dập. Hiện, gần 300 đăng kiểm viên trong ngành là những người đã bị khởi tố, đang được tại ngoại chờ xét xử.