3 xu hướng lập trường trong EU và NATO về xung đột Nga-Ukraine

Lan Phương| 04/04/2022 14:02

Lập trường của Liên minh châu Âu (EU) về xung đột Nga-Ukraine đang tồn tại nhiều khác biệt. Trong đó, có thể nhìn thấy 3 xu hướng quan điểm chính.

Ba lập trường trong EU về xung đột Nga-Ukraine
Cho đến nay, có thể thấy ba lập trường khác nhau về xung đột Nga-Ukraine đang tồn tại trong NATO và EU. (Nguồn: Getty)

Trong bài viết đăng tải trên tạp chí The National Interest, Tiến sĩ Sumantra Maitra*, đã nhận định rằng, có ba liên kết khác nhau đang tồn tại trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU hôm 25/3 qua một video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các quốc gia có lập trường rõ ràng hơn về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

“Một lần và mãi mãi, bạn phải tự quyết định xem mình đang ở bên ai”, ông Zelensky nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo EU.

Dù là một tổ chức thống nhất, trong NATO vẫn luôn tồn tại những điểm khác biệt. Và lập trường của các bên trong liên minh này về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng không ngoại lệ.

Những vấn đề liên quan đến xung đột luôn phức tạp, nhưng cho đến nay, có thể thấy ba liên kết khác nhau đang tồn tại trong NATO và EU.

Ba nhóm nước tượng trưng cho ba lập trường khác nhau về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể gọi tên lần lượt là nhóm “quyền lực nguyên trạng” (status quo power), nhóm “cân bằng” (balancers) và nhóm “truyền giáo” (evangelicals).

Cụ thể, động lực chính của nhóm nước “quyền lực nguyên trạng” là ngăn chặn chiến tranh lan rộng, đi đến một giải pháp cụ thể và khôi phục thương mại. Trong khi đó, nhóm nước “truyền giáo” thúc đẩy việc trừng phạt Nga, còn mục đích của những quốc gia thuộc nhóm “cân bằng” là bảo đảm chiến dịch của Nga biến thành vũng lầy nhưng sẽ không leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Nhóm “quyền lực nguyên trạng”

Mặc dù, Hungary, Pháp và Đức thường rơi vào hai phía đối lập trong những câu hỏi về định hướng tương lai của EU, nhưng trong căng thẳng Nga-Ukraine lần này, cả ba quốc gia dường như có chung lập trường.

Chính phủ Hungary ủng hộ mạnh mẽ quyết định của NATO không thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Quốc gia này cũng khẳng định họ sẽ phủ quyết một sứ mệnh hòa bình đối với Ukraine hay việc phổ biến vũ khí trên lãnh thổ Hungary.

Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đã tuyên bố rõ ràng rằng, việc duy trì vùng cấm bay hay việc gửi quân đến Ukraine với tư cách là những người gìn giữ hòa bình cũng đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra chiến tranh.

Ông Szijjártó từng khẳng định: “Lợi ích quốc gia của Hungary là rõ ràng, Hungary muốn đứng ngoài cuộc xung đột này. Chúng tôi sẽ bám sát lập trường chung của NATO và từ chối các đề xuất có nguy cơ xảy ra chiến tranh trên không hoặc xung đột mở rộng trên bộ”.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hungary cũng cho biết thêm rằng, chính phủ Hungary đang góp phần tăng gấp đôi ngân sách của Cơ chế hòa bình châu Âu (EPF) và là nguồn cung cấp vũ khí từ các nước thành viên EU không bị chặn. Tuy nhiên, ông Szijjártó nhấn mạnh, Hungary không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt vũ khí sát thương.

Quan điểm của Hungary cũng tương đồng với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, quốc gia này loại trừ dứt khoát bất kỳ sự can thiệp nào của NATO vào Ukraine hay việc thiết lập vùng cấm bay.

Ông Macron cũng đăng tải trên Twitter rằng, Pháp thận trọng ủng hộ việc gửi vũ khí phòng thủ và sát thương cho Ukraine vì Paris muốn NATO tránh trở thành một bên tham chiến trong cuộc xung đột.

Tương tự, Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đã từ chối trừng phạt năng lượng Nga và cho rằng, việc trừng phạt này sẽ làm suy yếu châu Âu.

Điểm thú vị là hai chính phủ bảo thủ cánh hữu trên danh nghĩa là Ba Lan và Hungary lại đang có lập trường đối lập nhau về phản ứng với Nga trong Hội đồng châu Âu (EC). Trong khi Ba Lan thúc ép trừng phạt nhập khẩu khí đốt, dầu, than của Nga và cử phái đoàn nhân đạo của NATO đến Ukraine, thì Hungary cùng với Đức ngăn chặn các lệnh trừng phạt về nhập khẩu năng lượng và tìm cách tránh bất kỳ sự can dự nào của NATO.

Ba lập trường trong EU về xung đột Nga-Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong cuộc họp báo chung tại Budapest, ngày 13/12/2021. (Nguồn: Reuters)

Nhóm “truyền giáo”

Nhóm nước thứ hai gồm Ba Lan, các quốc gia Baltic và Phần Lan, có thể gọi là “những người truyền giáo”. Các quốc gia này đi đầu trong việc yêu cầu NATO không giới hạn trong biên giới và cho rằng, liên minh này nên tham gia vào các hoạt động ngoài khu vực.

Ba Lan gần đây đã đề xuất Mỹ giao máy bay chiến đấu MiG cho Ukraine, tuy nhiên phía Washington đã bác đề nghị này.

Trong khi đó, hai nước Lithuania và Estonia kêu gọi thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine, ngay cả khi hành động này có nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Nhiều chuyên gia ở Mỹ gần đây cũng cảnh báo không nên để việc này trở thành một mắt xích của một cuộc chiến tranh.

Ngoài ra, Phần Lan và các nước Baltic liên tục bày tỏ quan điểm rằng, việc mua năng lượng từ Nga là tài trợ cho xung đột.

Có lẽ riêng chỉ có Thủ tướng Estonia là lên tiếng nhiều nhất rằng, cần phải cân bằng với Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Dù là một tổ chức thống nhất, trong NATO vẫn luôn tồn tại những điểm khác biệt. Và lập trường của các bên trong liên minh này về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng không ngoại lệ.

Nhóm “cân bằng”

Nhóm nước cuối cùng được gọi là “cân bằng”, dường như các quốc gia này đang theo đuổi mối quan điểm kết hợp của cả hai nhóm trên.

Anh và Mỹ ủng hộ việc tăng chi phí cho cuộc xâm lược của Nga. Anh đã đi đầu trong lĩnh vực cung cấp vũ khí nhưng lại phản đối vùng cấm bay và sự can dự của NATO. Và Mỹ, nước đang thực thi một số lệnh trừng phạt gay gắt nhất đối với Nga, cũng có lập trường tương tự.

Nhớ lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhóm các quốc gia không liên kết, thể hiện mong muốn trung lập với cả hai bên, nhưng lại không có tác động đáng kể.

Hiện nay, tính đơn cực của thế giới giờ đã biến mất, trong khi đó, chủ nghĩa bảo hiểm rủi ro và chủ nghĩa hiện thực cùng với tính trung lập đã trở lại trong chính sách đối ngoại. Trong bối cảnh đó, xung đột Ukraine là cuộc xung đột của thế giới đa cực mới.

Các tính toán khác nhau dẫn đến các phản ứng khác nhau, châu Âu đang dần trở lại với lập trường địa lý và lợi ích vượt trội hơn hệ tư tưởng và giá trị. Cuộc khủng hoảng Ukraine dường như cho thấy việc tái cơ cấu chính sách đối ngoại giữa các liên minh ý thức hệ trước đây.


* Tiến sĩ Sumantra Maitra là chuyên gia tại Trung tâm National Interest và trước đây là thành viên sử học tại Hội sử học Hoàng gia (Anh).

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
3 xu hướng lập trường trong EU và NATO về xung đột Nga-Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO