Ai dễ mắc bệnh tim mạch?
Theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Bệnh lý tim mạnh thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi, nhưng trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên chiếm tỷ lệ khá cao. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào.
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Hòa, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết dân gian thường gọi là bệnh tim mạch nhưng thực chất bệnh tim mạch là nhóm bệnh lý liên quan tới tim và mạch máu.
Hiện có hàng trăm bệnh liên quan tới nhóm bệnh này ví dụ hẹp van tim, hở van tim, bệnh của cơ tim, viêm màng trong tim. Ngoài ra, bệnh lý xơ vữa mạch máu tim gây hẹp mạch máu cho tim hay còn gọi tim thiếu máu cục bộ.
Theo bác sĩ Hoà, các bệnh lý của mạch máu hiện nay đang là vấn đề nổi trội vì cơ thể nào cũng cần mạch máu nuôi nhưng mạch máu bị hẹp, tắc nên ảnh hưởng tới cơ quan đó. Ví dụ hẹp mạch máu não gây đột quỵ, thiếu máu não, hẹp mạch ở chi gây tắc chi.
Đặc biệt là bệnh tăng huyết áp đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm người bệnh không có dấu hiệu gì chỉ đến khi có biến cố tim mạch xảy ra đe doạ tính mạng và sức khoẻ người bệnh.
Nhiều bệnh nhân thường không có biểu hiện ngay chỉ tới khi vào viện cấp cứu mới hay có bệnh từ trước. Ví dụ, người bệnh đột quỵ khi vào viện cấp cứu bác sĩ tìm hiểu lại đều có yếu tố nguy cơ đi kèm nhưng bệnh nhân không biết.
Các yếu tố này có từ khi thanh niên, trung niên hoặc sớm hơn chúng ta không nhận biết.
Vì vậy, bác sĩ Hoà cho rằng nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch vô cùng quan trọng, nếu biết được các yếu tố này bạn có thể ngăn chặn được bệnh.
Theo bác sĩ Hoà người bình thường mạch máu trơn láng. Nếu bạn nhiều tuổi hơn thì các vệt mỡ bám vào lòng mạch và càng ngày càng phát triển và đến giai đoạn sau cùng mỡ có thể bít tắc luôn mạch vành.
Nếu mảnh xơ vữa hình thành cục máu đông có thể gây đột quỵ, nếu tắc mạch máu não, tắc ở mạch máu nuôi tim có thể gây nhồi máu cơ tim.
Nếu gia đình có người mắc bệnh xơ vữa mạch máu thì bạn dễ bị hơn, đàn ông bị nhiều hơn, người lớn tuổi (do mạch máu bị vôi và dễ hình thành xơ vữa).
Ngoài ra, người dân còn mắc các bệnh lý dễ xơ vữa như béo phì, người hút thuốc lá, người ít vận động thể lực.
Đặc biệt, nhóm người mắc 3 bệnh lý như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây nên bệnh lý tim mạch.
Dấu hiệu bạn bị bệnh tim
Người bệnh có dấu hiệu đầu tiên đó là đau ngực. Đau ngực xuất hiện khi bạn làm gắng sức như làm việc nặng, tập thể lực. Dấu hiệu hồi hộp, đánh trống ngực, buồn nôn, vã mồ hôi, phù chân.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoà cho biết khi bệnh nhân có các dấu hiệu này thì bệnh đã có và trở nặng. Các dấu hiệu sớm của bệnh tim bệnh nhân rất khó cảm nhận mà chỉ phát hiện qua thăm khám hoặc làm thêm các xét nghiệm tầm soát sớm các dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Ví dụ như kiểm tra huyết áp thường xuyên 6 tháng/lần. Nếu huyết áp cao bạn cần điều trị theo dõi huyết áp để kiểm soát các biến chứng suy tim, tai biến mạch máu não.
Hoặc bệnh nhân bị mỡ máu cũng cần kiểm soát để ngăn ngừa biến cố tim mạch có thể xảy ra. Đặc biệt khi bạn còn trẻ đã bị rối loạn mỡ máu thì sau tuổi 40 nguy cơ tim mạch do mỡ máu tăng lên rất nhiều.
Vì vậy, trên 18 đến 30 tuổi bác sĩ Hoà khuyến cáo cần phải làm xét nghiệm mỡ máu để xác định mình có rối loạn mỡ máu hay không. Khi mảng xơ vữa ngày càng nhiều dẫn tới nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, gây tàn phế và tử vong.
Khánh Chi