Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa ban hành 4 kết luận kiểm tra về việc chấp hành quy định chống cuộc gọi rác dịch vụ điện thoại cố định tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) và Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom).
Theo đó, đoàn kiểm tra, xác minh các nội dung như: Hướng dẫn người dùng về cách thức chống cuộc gọi rác; cung cấp các công cụ, ứng dụng để phản ánh cuộc gọi rác; thực hiện triệt để biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không nhận quảng cáo; ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán cuộc gọi rác…
Kết quả, cả 4 doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xác định thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, vận hành hệ thống kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác.
Tuy nhiên, Viettel chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không quảng cáo. Trong thời gian kiểm tra, có 1.165 cuộc gọi sử dụng tên định danh gọi đến 921 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Tương tự, CMC Telecom đã để 63.390 cuộc gọi quảng cáo đến 41.917 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Trong thời kỳ kiểm tra, có 2 cá nhân và 18 tổ chức là khách hàng của CMC Telecom có thuê bao cố định thực hiện cuộc gọi quảng cáo.
Trong khi đó, FPT Telecom cũng chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo, để 526.159 cuộc gọi quảng cáo đến 137.125 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo...
Với các hành vi vi phạm nêu trên, Viettel, CMC Telecom và FPT Telecom cùng bị đề nghị xử phạt hành chính mỗi đơn vị 140 triệu đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ 2 tháng đối với các thuê bao vi phạm.
Tập đoàn VNPT cũng đã để tồn tại để 1.239 cuộc gọi gọi rác, quảng cáo đến 626 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Tuy nhiên, VNPT giải trình, do hạn chế về mặt công nghệ PSTN (mạng điện thoại cố định có dây) nên VNPT không thể ngăn chặn các cuộc gọi từ thuê bao cố định PSTN đến danh sách không nhận quảng cáo.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu VNPT khắc phục các tồn tại, hạn chế, cũng như có các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo.
Trước đó, từ ngày 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua 2 hình thức thoại và tin nhắn.
Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động, (từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo quy định).
Cụ thể, khách hàng gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, khách hàng soạn V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng soạn LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Khách hàng gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...) theo hướng dẫn của các nhà mạng…/.