1. Sò điệp hấp miến
Tại sao bạn nên ăn sò điệp? Có thể không sử dụng sò điệp thường xuyên nhưng việc bổ sung sò điệp vào chế độ ăn uống là điều cần thiết. Bởi vì sò điệp rất giàu protein, axit béo omega-3, vitamin nhóm B, khoáng chất như magie, kali. Đồng thời, sò điệp chứa lượng calo thấp, không chứa chất béo bão hòa, nhờ đó chúng cũng có tác dụng tốt đến việc phòng ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ.
Nguyên liệu cần thiết làm món sò điệp hấp miến
- 8 con sò điệp, 1 thìa tỏi băm, 1 chút hành lá, 40g miến, gia vị cơ bản.
Cách thực hiện món sò điệp hấp miến
Bước 1: Sò điệp mua về rửa sạch, tách lấy phần cồi sò điệp xử lý sạch sẽ. Ngâm miến trong nước ấm khoảng 15 phút rồi vớt ra, để ráo nước. Dùng kéo cắt ngắn, đặt miến lên trên vỏ sò, cho cồi sò điệp lên trên.
Bước 2: Cho chút dầu vào chảo, thêm tỏi băm phi thơm, thêm nửa thìa cà phê muối, nửa thìa cà phê đường, nửa thìa nước tương, nửa thìa dầu hào. Khuấy đều.
Bước 3: Xếp các phần sò vào xửng hấp, rưới nước sốt tỏi băm lên trên. Hấp cách thủy trên lửa lớn khoảng 6 phút. Cuối cùng, rắc ít hành lá thải nhỏ lên trên là được. Phần hành này, bạn có thể cho vào dầu sôi, để làm phần dầu hành. Trước khi thưởng thức rưới lên trên cùng chút lạc đập dập ăn sẽ rất ngậy.
2. Tôm rang
Tôm là thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và là nguồn protein dồi dào. Ăn tôm không chỉ hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn giúp cung cấp cho cơ thể lượng chất chống oxy hóa đáng kể.
Theo Healthline, trong 100g tôm có đến 18,4g protein, hơn nữa, đó là dạng protein tinh khiết tốt cho sức khỏe. Bởi vậy, hãy sử dụng tôm để chế biến các món ăn giúp bữa ăn hàng ngày thêm phong phú, giàu dinh dưỡng.
Nguyên liệu cần thiết làm món tôm rang
- 300g tôm to, hành lá, tỏi băm, gia vị cơ bản, sốt cà chua.
Cách thực hiện món tôm rang
Bước 1: Dùng kéo cắt bớt phần râu và chân tôm. Rửa sạch. Đối với loại tôm to, khéo léo cắt bỏ phần vỏ đầu, rút chỉ đen ở lưng. Hoặc bóc vỏ tôm luôn để khi kho dễ ngấm gia vị, ăn cũng tiện lợi hơn. Rửa lại tôm với nước sạch, để ráo nước.
Bước 2: Cho vào chảo 2 thìa đường, 1 thìa sốt cà chua, 2 thìa nước tương, 1 thìa nước mắm, 1 thìa rượu nấu ăn, cùng nửa bát nước con. Khuấy đều cho gia vị tan hết.
Bước 3: Cho chút dầu vào chảo, đổ tôm vào chiên đến khi tôm se lại. Tiếp đó, thêm đầu hành và vài lát gừng thái mỏng vào. Đổ phần nước sốt đã chuẩn bị, om đến khi nước sốt sệt lại và ngấm đều tôm. Khi tôm gần được, thêm chút tiêu bột vào. Nếu cho tiêu hạt, cho ngay từ đầu lúc bắt đầu om.
3. Canh bí đao thịt băm
Bí đao là loại thực phẩm chứa hàm lượng nước cao, thích hợp để cung cấp nguồn nước cho cơ thể dồi dào. Bí đao có tác dụng lợi tiểu tốt, có thể loại bỏ nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, bí đao cũng giàu vitamin C, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và cũng có đặc tính chống viêm.
Nguyên liệu cần thiết làm món canh bí đao thịt băm
- 150g thịt lợn băm, 300g bí đao, hành lá, rau mùi, gừng, gia vị, lòng trắng trứng.
Cách thực hiện món canh bí đao thịt băm
Bước 1: Bí đao mang gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn. Hành lá cắt nhỏ, gừng băm nhuyễn.
Bước 2: Cho thịt băm vào bát, thêm hành lá, rau mùi thái nhỏ, gừng băm, nửa thìa cà phê rượu nấu ăn, nửa thìa cà phê nước tương, nửa thìa cà phê muối, nửa thìa cà phê tiêu, cùng lòng trắng của 1 quả trứng gà vào. Đảo đều. Nếu không có lòng trắng trứng có thể dùng tinh bột bắp để phần thịt kết nối với nhau tốt hơn.
Bước 2: Đun sôi nước, ngắt từng miếng thịt viên tròn thả vào. Sau đó, cho bí đao vào, sôi khoảng 8 phút thì nêm nếm lại cho vừa miệng. Rắc hành lá lên trên. Món canh bí đao thịt băm đã sẵn sàng.
Chúc bạn thực hiện thành công!
Theo Phụ nữ Việt Nam