3 kiểu trẻ em này khi trưởng thành rất dễ bị xã hội đào thải, cha mẹ phải quan tâm, dạy dỗ sớm, đừng để sau này mới hối hận

20/10/2023 14:31

Nếu thấy con có những biểu hiện này, cha mẹ cần sớm uốn nắn, điều chỉnh.

Một bà mẹ có con trai năm nay 25 tuổi. Sau khi tốt nghiệp, cậu thanh niên này đã thất nghiệp 2 năm. Đáng nói trước đây cậu học trường đại học trọng điểm, điểm số cũng luôn top đầu lớp. Đáng nhẽ sau khi ra trường, cậu phải kiếm được việc làm, có thu nhập tốt và báo hiếu cha mẹ. Vậy tại sao lại có nghịch lý như vậy?

Hóa ra khi học đại học, cậu thanh niên rất kiêu ngạo, nghĩ điểm số của mình tốt như thế thì khi xin việc nơi nào cũng sẽ nhận. Chính vì vậy mà câu không đi thực tập, không tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này, cũng không chịu khó ra ngoài làm thêm va vấp xã hội như bạn bè cùng lớp. Cậu cũng cho rằng, mình chắc chắn có thể thi đỗ cao học.

Nhưng kết quả, cậu trượt cao học, đi xin việc vì không có kinh nghiệm nhiều nên cũng chỉ được nhận việc lương thấp. Thế nhưng thái độ làm việc của cậu ta không hề tốt, lúc nào cũng giữ vẻ kiêu ngạo của sinh viên giỏi mà không thèm coi lời lãnh đạo ra gì. Cậu ta cũng khinh thường những đồng nghiệp có học vấn thấp hơn mình. Kết quả một thời gian sau, cậu ta bị cho nghỉ việc.

Cú sốc trượt cao học, không xin được việc lương cao và sau đó bị cho nghỉ việc đã khiến tinh thần cậu ta bị đả kích nặng nề. Thời gian sau, cậu ta chỉ quanh quẩn ở nhà ăn bám cha mẹ, trốn tránh không muốn đi làm.

3 kiểu trẻ em này khi trưởng thành rất dễ bị xã hội đào thải, cha mẹ phải quan tâm, dạy dỗ sớm, đừng để sau này mới hối hận-1
Ảnh minh họa

Trên thực tế, tính kiêu ngạo của cậu thanh niên này đã có từ khi còn nhỏ nhưng cha mẹ cậu lại không để ý. Mẹ của cậu ta cho biết, vì con trai đi học lúc nào cũng đạt điểm xuất sắc, thậm chí thi đỗ đại học trọng điểm nên chị chưa bao giờ lo lắng về tương lai của con, cũng không nhận ra điểm không được ở tính cách của con mình. Bây giờ nhìn con thất nghiệp, chị mới hối hận thì đã quá muộn.

Là cha mẹ, chúng ta ai cũng mong con mình sẽ thành công trong tương lai. Trong lòng mỗi cha mẹ đều sẽ có câu trả lời riêng cho việc: Thế nào là đứa trẻ lớn lên có triển vọng. Nhưng những đứa trẻ như nào thì lớn lên sẽ không có triển vọng, không có tương lai?

Theo các chuyên gia giáo dục, đó là 3 kiểu trẻ sau đây:

- Kiểu thứ nhất: Những đứa trẻ có trái tim mong manh

Thực tế, ngoài tính cách kiêu ngạo thì cậu thanh niên trong câu chuyện bên trên còn có tính cách mong manh. Một vài thất bại đầu đời đã hoàn toàn đánh gục, khiến cậu ta không thể nào gượng dậy, chọn một cuộc sống trốn tránh.

Trong những năm gần đây, vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên ngày càng trở nên nổi bật. Những lời nói, việc làm tiêu cực như tự tử, nhảy lầu,... luôn khiến các bậc cha mẹ đau lòng. Những đứa trẻ với trái tim mong manh, tựa thủy tinh này rất quan tâm đến sự đánh giá của thế giới bên ngoài về bản thân. Chúng không thể chấp nhận thất bại và sợ hãi trước thử thách.

Tại sao trẻ lại trở nên như vậy? Thực tế, nó liên quan chặt chẽ đến việc giáo dục của cha mẹ.

Nếu không muốn con mình trở thành người nhạy cảm, mong manh thì cha mẹ không nên khen ngợi cũng như mắng mỏ con quá mức. Chẳng hạn, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ la mắng, đặt kỳ vọng cao vào con,… - những hành vi này đều không phù hợp trong quá trình giáo dục trẻ.

- Kiểu thứ hai: Trẻ có trí tuệ cảm xúc thấp

Nhiều người nói rằng đôi khi trí tuệ cảm xúc còn quan trọng hơn IQ. Chúng ta sẽ thấy rằng mặc dù một số học sinh có thành tích học tập kém nhưng các em lại có tài hùng biện và trí tuệ cảm xúc cao.

Sau khi bước ra ngoài xã hội, các em càng thành công hơn trong sự nghiệp, thoải mái ở nơi làm việc cũng như trong các mối quan hệ cá nhân. Mặt khác, một số học sinh giỏi gặp trở ngại khắp nơi sau khi bước chân vào xã hội.

Trên thực tế, trí tuệ cảm xúc là khả năng sinh tồn cơ bản của chúng ta. Trẻ em không có trí tuệ cảm xúc sẽ khó làm được những điều lớn lao trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ phải học cách thấu hiểu, bao dung trong quá trình giáo dục con cái, để con học được sự đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau từ cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ.

- Kiểu thứ 3: Trẻ thích bào chữa

Nếu bị ngã, trẻ sẽ trách bố mẹ không nhắc nhở mình để ý đồ vật xung quanh. Nếu bị cảm lạnh, trẻ lại trách bố mẹ không chuẩn bị quần áo ấm cho mình. Nếu không hoàn thành bài tập về nhà, trẻ trách cô giáo giao nhiều bài, trách bố mẹ làm phiền mình trong lúc học,...

Tất cả những hành vi trên đều là biểu hiện của việc kiếm cớ, trốn tránh trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Nếu một đứa trẻ không thể nhận rõ lỗi lầm của mình từ khi còn nhỏ và chỉ đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của mình thì đứa trẻ đó có thể sẽ không thành công khi lớn lên.

Trên thực tế, đứa trẻ thích bào chữa, trốn tránh trách nhiệm thực chất là người vô trách nhiệm, thiếu can đảm. Khi gặp chuyện, phản ứng đầu tiên của trẻ không phải làm tìm cách giải quyết vấn đề mà là nghĩ xem nên "chia sẻ" trách nhiệm với ai và làm sao để rũ bỏ trách nhiệm.

Sự phát triển tính cách của trẻ có liên quan nhiều đến việc cha mẹ quá khắt khe khi con mắc lỗi. Khi một vấn đề xảy ra, cha mẹ nên để con hiểu rằng: Điều đúng đắn và quan trọng là giải quyết vấn đề như thế nào chứ không phải đổ lỗi, chỉ trích.

Theo Phụ nữ mới

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
3 kiểu trẻ em này khi trưởng thành rất dễ bị xã hội đào thải, cha mẹ phải quan tâm, dạy dỗ sớm, đừng để sau này mới hối hận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO