Dưới đây là chia sẻ của một vị phụ huynh trên tờ Sohu (Trung Quốc):
Mới đây, tôi có đọc một bài viết tự thuật của một vị phụ huynh có con vừa ra đi vì bị trầm cảm. Câu chuyện khiến tôi rơi nước mắt. Qua lời kể của vị phụ huynh này, chúng ta dần thấy được nỗi đau ẩn giấu bên trong của một đứa trẻ: Bị mẹ kiểm soát lâu dài, mất đi sự đồng hành của phụ huynh trong hành trình trưởng thành, bị ép buộc tham gia vào cuộc đua thành tích, cuối tuần bị lấp đầy bởi các lớp năng khiếu và lớp học thêm và thậm chí chúng còn phải đối mặt với sự cô lập và bị bắt nạt ở trường.
Sự ra đi của người con cũng khiến người mẹ nhận ra rằng, đằng sau mỗi đứa trẻ đầy tổn thương là một gia đình "bất ổn", những mối quan hệ cha mẹ - con cái không được gắn kết, mối quan hệ thầy cô - học trò và quan hệ bạn bè gặp nhiều biến cố. Trên thế giới này, không có đứa trẻ nào đột nhiên trở nên thu mình, chỉ là những ấm ức, áp lực, đấu tranh trong nội tâm của chúng chưa bao giờ được nhìn thấy mà thôi.
Sau những vỡ lẽ, tôi nhận thấy dưới đây là 3 kiểu phụ huynh dễ nuôi dạy nên những đứa trẻ mắc chứng trầm cảm nhất:
Ảnh minh họa
1. Gia đình có kỳ vọng quá cao vào con cái
Tôi nhớ có xem một chương trình truyền hình, trong đó có một cậu bé dù mới 6 tuổi nhưng đã có "lịch trình phát triển bản thân" được bố mẹ sắp xếp dày đặc. Từ 3 tuổi, cậu đã bắt đầu học lớp học năng khiếu, 5 tuổi tham gia vào các lớp học thêm, 6 tuổi học lớp tài năng. Dù một tháng có 30 ngày, nhưng cậu không có ngày nào để nghỉ ngơi cả. Tất cả chỉ có học và học mà thôi.
Cậu bé cũng rất hiểu chuyện, nghiêm túc thực hiện mọi kế hoạch hàng ngày mà bố mẹ đặt ra. Nhưng qua những chi tiết nhỏ, có thể thấy rõ vấn đề tâm lý của bé: cậu bé có chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, khi sắp xếp đồ đạc phải rất gọn gàng. Cậu bắt đầu nuôi trong mình thói quen làm hài lòng bố mẹ, ngay cả khi bản thân cảm thấy không vui. Cậu không biết cách xã giao, không biết cách kết bạn và không có bạn bè. Cũng chính vì thế mà cậu không biết thế nào là niềm vui tuổi thơ.
Cha mẹ kỳ vọng rất cao vào con cái, và vì muốn làm hài lòng bố mẹ, trẻ không ngừng o ém bản thân và làm vui lòng bố mẹ. Nhìn bề ngoài, trẻ có vẻ rất hiểu chuyện, nhưng thực tế là trái tim của trẻ đang dần "vụn vỡ" mà kết nối gia đình bắt đầu cách xa.
2. Gia đình thường xuyên đánh giá thấp con trẻ
Dịp Tết năm nay, tôi có dịp gặp lại bạn bè thân thích, trong đó có gia đình của đứa bạn thân hồi cấp 3 của tôi. Con trai của bạn tôi cao lớn lắm. Thấy vậy tôi vô tình nói: "Con trai cậu cao to thật". Ngay sau đó, phụ huynh đáp: "Nó chỉ là một cậu ngốc to xác thôi bạn ạ".
Sau đó, tôi tình cờ thấy cậu bé đang đọc sách, nên nói: "Con trai cậu thích đọc sách, đây là một thói quen tốt". Không ngờ mẹ cậu bé trả lời: "Nó đọc sách chỉ để làm màu thôi, chứ ở nhà chỉ biết chơi". Chỉ một khoảng thời gian ngắn tiếp xúc, tôi đã thấy không dưới 2 lần mẹ của cậu dùng những lời nói để đánh giá thấp con trai mình, như thể cậu bé không có điểm tốt nào.
Vì thường xuyên bị mẹ coi thường, cậu bé này thường ngồi một mình trong một góc, không nói nhiều, không muốn chơi với người khác, mặt không biểu cảm, như thể đang suy nghĩ sâu xa. Không có thứ "độc dược" nào hại bằng việc cha mẹ luôn coi thường, chỉ trích, phủ nhận khả năng và sự cố gắng của con trẻ.
Ảnh minh họa
3. Gia đình bỏ bê con cái
Có một câu chuyện như thế này: Một cô bé 12 tuổi, vì cha mẹ không hạnh phúc, không tìm được tiếng nói chung nên họ đã quyết định đem nhau ra tòa để ly hôn. Để không ảnh hưởng đến cuộc sống mới của nhau, họ đã gửi con gái đến một trường học nội trú. Cô bé vì không thể thích nghi với cuộc sống ở trường học nội trú nên đã nhiều lần "cầu cứu" cha mẹ với hy vọng có thể trở lại trường học cũ, nhưng cha mẹ cô bé lại ngó lơ mọi thứ.
Một lần, cô bé lén về nhà và khi bị phát hiện, cô đã bị đánh và mắng mỏ. Tối hôm đó, mẹ cô bé đã nấu một bữa tối với đầy những món ăn mà cô bé không thích. Lúc đó, cô bé vừa ăn vừa khóc. Mẹ cô nghĩ con gái đang làm bộ nên cũng chẳng bận tâm. Ngày hôm sau, khi mẹ cô bé chuẩn bị đánh thức con để đưa con đến trường học nội trú thì đã thấy cảnh tượng kinh hoàng: cô bé đã tự tử ngay trong phòng ngủ của mình.
Không có gì đáng sợ bằng việc trẻ em bị cha mẹ bỏ quên. So với những trẻ thường xuyên bị chỉ trích, đánh đập, mặc dù không gây thương tích nhiều, nhưng kiểu dạy con này lại làm tổn thương tinh thần của chúng rất nhiều. Không có sự quan tâm của cha mẹ, không có tình yêu, trẻ em sẽ cảm thấy mình không có giá trị, thậm chí ghét bỏ bản thân mình, tâm hồn càng trở nên khô cằn và cuối cùng dẫn đến trầm cảm.
Cha mẹ cần làm gì khi con có dấu hiệu của trầm cảm?
Khi nhận ra dấu hiệu trầm cảm ở con cái, mỗi bậc cha mẹ đều trải qua cảm xúc vừa lo lắng, vừa bất lực. Trầm cảm không chỉ là nỗi đau tinh thần của người bệnh mà còn là thách thức lớn đối với tình thương và sự kiên nhẫn của gia đình.
Theo Mayo Clinic, một số biểu hiện của trầm cảm ở trẻ em bao gồm: sự buồn rầu kéo dài, cáu kỉnh, thay đổi về khẩu phần ăn hay thói quen ngủ, tách biệt khỏi xã hội và mất đi cảm giác hứng thú với mọi thứ. Nếu cha mẹ nhận thấy những dấu hiệu này ở con, việc đầu tiên cần làm là thừa nhận tình trạng của con và thể hiện bản thân có thẻ hỗ trợ con.
Một môi trường gia đình mở cửa, nơi con cái có thể tự do bày tỏ cảm xúc của mình, là nền tảng vững chắc để hỗ trợ tinh thần cho trẻ. Cha mẹ cần lắng nghe mà không phán xét, thể hiện sự quan tâm chân thành và khuyến khích con chia sẻ mọi tâm tư, nguyện vọng hay lo lắng.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp là không thể thiếu. Các chuyên gia tâm lý trẻ em có thể đánh giá toàn diện và đề xuất một kế hoạch điều trị phù hợp với cá nhân từng đứa trẻ, có thể bao gồm liệu pháp tâm lý hoặc điều trị nội khoa, hoặc kết hợp cả hai.
Cha mẹ cũng cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình. Đối mặt với trầm cảm của con có thể rất căng thẳng, do đó việc tự chăm sóc bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhóm hỗ trợ hay chuyên gia tâm lý là vô cùng quan trọng. Tóm lại, bằng cách giải quyết vấn đề một cách kịp thời và hiệu quả, cha mẹ có thể giúp con em mình vượt qua thử thách.
Theo Phụ nữ mới