Khoa học đã chứng minh, ăn tối sớm hơn sẽ có hiệu quả giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư, và ngược lại, ăn tối càng muộn càng nguy hiểm.
Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) cho thấy khoảng cách giữa bữa tối và giấc ngủ càng ngắn thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao.
Theo kết quả nghiên cứu, việc ăn tối trước 21h so với ăn sau 22h có thể giảm trung bình 18% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới và ung thư vú ở nữ giới. Nếu khoảng thời gian giữa bữa tối và lúc đi ngủ có thể cách nhau hơn 2 tiếng sẽ rất tốt cho sức khỏe, giúp tỷ lệ mắc hai loại ung thư này có thể giảm trung bình 20%.
Theo lý giải của các chuyên gia, nếu chúng ta ăn khuya sẽ làm dư thừa các gốc tự do trong ty thể, làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Bên cạnh đó, do sự thay đổi mạnh của lượng đường trong máu lúc đi ngủ sẽ khiến nguy cơ ung thư tăng lên.
Ăn quá nhiều thịt vào bữa tối và ăn thực phẩm có hàm lượng calo cao thực sự là một thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Thay vào đó, ăn nhẹ, chẳng hạn như ăn nhiều rau hoặc một số thực phẩm ít calo, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim .
Theo một nhóm nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân, những người ăn quá nhiều carbohydrate tinh chế vào bữa tối có nguy cơ bị đau thắt ngực cao hơn 63%. Trong khi đó, ăn quá nhiều protein động vật vào bữa tối có liên quan đến việc tăng 44% nguy cơ bị đau thắt ngực và bệnh tim. Trong khi đó, nếu bữa tối chủ yếu là rau củ quả và các thực phẩm ít calo, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ giảm khoảng 10%.
Theo lý giải, ăn ít năng lượng vào bữa tối có thể thúc đẩy chuyển hóa lượng đường, lipid trong máu và giúp giảm cân. Do đó nguy cơ mắc các bệnh về hội chứng chuyển hóa thấp hơn. Bên cạnh đó, chất xơ trong rau có thể được sử dụng để chuyển hóa tạo ra các axit béo chuỗi ngắn. Việc này giúp mang lại nhiều lợi ích cho tim mạch.
Nhiều người nghĩ rằng, nếu họ ăn sáng và ăn trưa qua loa vì bận rộn, thì có thể ăn bù vào bữa tối. Tuy nhiên theo khoa học, việc ăn tối quá no dễ làm tăng gánh nặng cho dạ dày và tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
Vào ban đêm, hoạt động của mọi người trở nên ít hơn, bữa ăn quá nhiều vào ban đêm sẽ dẫn đến tình trạng tiêu hóa và hấp thụ không hoàn toàn. Đồng thời, chuyển hóa quá nhiều năng lượng không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, gan nhiễm mỡ và các bệnh khác, mà còn làm giảm chất lượng giấc ngủ. Nguyên nhân là do dạ dày và ruột phải hoạt động liên tục khiến chúng ta mất ngủ, khó ngủ sâu giấc. Chất lượng giấc ngủ kém về lâu về dài sẽ khiến chúng ta dễ bị suy nhược thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh alzheimer.
Cần lưu ý rằng, chúng ta nên điều chỉnh bữa tối một cách khoa học, thay vì bỏ bữa tối. Nếu bạn bỏ bữa tối, cơ thể sẽ không hấp thụ đủ carbohydrate, dẫn đến thiếu glucose. Glucose là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể con người, chiếm 60% tổng năng lượng. Nếu thiếu carbohydrate, chúng ta sẽ không chỉ bị suy dinh dưỡng mà còn có thể làm suy yếu chức năng của các cơ quan khác nhau.
Tạp chí y khoa The Lancet đã đăng tải một bài báo về nghiên cứu kéo dài 25 năm trên 430.000 người. Kết quả cho thấy, khi lượng carbohydrate nạp vào chiếm khoảng 50% tổng năng lượng trong bữa ăn thì tỷ lệ tử vong là thấp nhất. Tuy nhiên, khi tỷ lệ này thấp hơn 40% hoặc cao hơn 70% sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và rút ngắn tuổi thọ.