25 'siêu thành phố' tạo ra 52% lượng khí nhà kính độc hại cho toàn thế giới: 23 trong số đó là ở Trung Quốc!

Trang Ly| 13/07/2021 18:00

Hiện tại, Trung Quốc đang vận hành 1.058 nhà máy nhiệt điện than - bằng hơn một nửa công suất của toàn thế giới.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Hơn một nửa lượng khí nhà kính đô thị trên thế giới đến từ 25 thành phố lớn - 23 trong số 25 'siêu thành phố' đó là ở Trung Quốc!

Các thành phố thải ra nhiều khí nhà kính nhất bao gồm Hàm Đan, Tô Châu, Đại Liên, Bắc Kinh và Thiên Tân ở Trung Quốc - ngoài ra còn có Tokyo (Nhật Bản) và Moscow (Nga).

Ông Tập Cận Bình đã cam kết hạn chế lượng khí thải carbon vào năm 2030 và đạt được mức độ trung lập carbon vào năm 2060 - một phần trong cam kết của nước này đối với Thỏa thuận Paris. Trong khi đó, Anh đã cam kết giảm 68% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050.

KHÔNG THỂ ĐẠT ĐƯỢC THỎA THUẬN PARIS?

Thỏa thuận Paris - hiện đã được ký kết bởi 194 quốc gia và Liên minh Châu Âu (EU) - đặt ra mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong khoảng 1,5°C.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Liên Hợp Quốc đã phát hiện ra rằng trừ khi chúng ta có hành động quyết liệt hơn, nếu không, cả hành tinh chúng ta đang trên đà tăng hơn 3°C vào năm 2100.

Và, dựa trên những phát hiện của nghiên cứu mới, Trung Quốc nói riêng sẽ cần phải đẩy mạnh chuyển đổi từ sử dụng than sang năng lượng tái tạo nếu muốn đáp ứng các mục tiêu của ông Tập Cận Bình trong lĩnh vực này.

Hiện tại, Trung Quốc đang vận hành 1.058 nhà máy nhiệt điện than - bằng hơn một nửa công suất của toàn thế giới.

Trong bài báo khoa học của mình, các nhà nghiên cứu từ Đại học Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc lần đầu tiên ghi lại mức phát thải nhà kính của 167 thành phố trên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu giải thích, mặc dù các thành phố chỉ chiếm khoảng 2% tổng diện tích bề mặt Trái Đất, nhưng chúng là những yếu tố góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tác giả bài báo và nhà nghiên cứu quản lý môi trường đô thị Shaoqing Chen thuộc Đại học Sun Yat-sen ở Quảng Châu cho biết: "Ngày nay, hơn 50% dân số toàn cầu sống ở các thành phố. Các thành phố được báo cáo là chịu trách nhiệm cho hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính (CO2, CH4...).

25 siêu thành phố tạo ra 52% lượng khí nhà kính độc hại cho toàn thế giới: 23 trong số đó là ở Trung Quốc! - Ảnh 1.

Hình ảnh thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Chen và các đồng nghiệp lần đầu tiên tiến hành kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính cấp ngành của 167 thành phố từ 53 quốc gia khác nhau trên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu giải thích, mỗi thành phố được chọn vì tính đại diện của nó về quy mô đô thị và phân bố theo khu vực.

Tiếp theo, họ đánh giá những nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon của mỗi thành phố đã hoạt động như thế nào bằng cách so sánh những thay đổi về mức phát thải từ năm 2012–2016 với các mục tiêu giảm thiểu carbon ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đã nêu.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng các thành phố có mức phát thải khí nhà kính cao có thể được tìm thấy ở cả các nước phát triển và đang phát triển, nhưng họ cũng lưu ý rằng các siêu đô thị như Thượng Hải và Tokyo là những nơi phát thải đặc biệt đáng kể. Ngoài ra, các thành phố ở châu Âu, Mỹ và Úc có xu hướng thải ra nhiều khí thải hơn so với phần lớn các trung tâm đô thị ở các nước đang phát triển.

Theo nhóm nghiên cứu, 113 trong số 167 thành phố được nghiên cứu đặt mục tiêu giảm mức phát thải nhà kính, với 40 thành phố có mục tiêu trung hòa carbon, nhưng kết quả cho thấy chúng ta còn lâu mới đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

25 siêu thành phố tạo ra 52% lượng khí nhà kính độc hại cho toàn thế giới: 23 trong số đó là ở Trung Quốc! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Tiến sĩ Chen nói: "Việc chia nhỏ lượng khí thải theo lĩnh vực có thể cho chúng ta biết những hành động nào cần được ưu tiên để giảm lượng khí thải từ các tòa nhà, giao thông vận tải, quy trình công nghiệp và các nguồn khác".

Nhóm nghiên cứu nhận thấy một trong hai nguồn phát thải khí nhà kính chính đến từ cái gọi là năng lượng tĩnh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Phát thải năng lượng tĩnh, bao gồm phát thải từ điện và nhiên liệu tiêu thụ bởi các tòa nhà dân cư, thương mại, công nghiệp và cơ quan đóng góp 60–80% lượng khí thải ở các thành phố châu Âu và Bắc Mỹ.

Giao thông đường bộ chiếm hơn 30% lượng phát thải khí nhà kính ở một phần ba số thành phố, trong khi chưa đến 15% tổng lượng khí thải được bắt nguồn từ đường sắt, đường thủy và hàng không.

Các phát hiện đầy đủ của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Sustainable Cities.

Bài viết sử dụng nguồn: DM

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
25 'siêu thành phố' tạo ra 52% lượng khí nhà kính độc hại cho toàn thế giới: 23 trong số đó là ở Trung Quốc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO