Bài viết từ Anete Lusina tại chuyên trang nhiếp ảnh Petapixel
Smartphone Android có các ưu điểm khiến cho nhiều người lựa chọn chúng thay cho iPhone, trong đó phải kể tới việc có lựa chọn giá rẻ vừa túi tiền, dòng máy cao cấp thì có các tính năng mới lạ hơn sản phẩm từ Apple. Thế nhưng có một điểm mà đến giờ Android vẫn phải "chạy dài" là hệ thống ứng dụng chụp ảnh.
Sau khi điều tra, trang Petapixel đã đưa ra kết luận rằng điều này xảy ra không phải vì các nhà phát triển ứng dụng không biết người dùng muốn gì, mà họ đã gặp khó khăn trong quá trình phát triển cho Android. Harshit Dwivedi, người đứng đầu nhà phát hành ứng dụng Aftershoot đã chia sẻ góc nhìn của mình.
Thị trường Android rất đa dạng, nhưng không phải lúc nào cũng là ưu điểm
Ông Dwivedi so sánh việc phát triển ứng dụng cho Android so với iOS không khác gì việc làm ứng dụng cho macOS và Windows. Đối với macOS và iOS, người lập trình chỉ cần tính tới 1 tập kích thước, tỷ lệ màn hình nhất định. Trong khi đó máy tính Windows và smartphone, máy tính bảng Android thì mỗi loại lại có 1 kích thước, một tỷ lệ khác nhau.
Đối với các ứng dụng ảnh, mỗi hãng Android lại có một dạng thông tin về xoay ảnh (hướng ngang, dọc) khác nhau, từ Samsung, Xiaomi tới Google Pixel. Kể cả khi chụp từ một ứng dụng, ảnh có thể xoay theo chiều dọc trên Samsung Galaxy nhưng lại thành ngang trên smartphone Xiaomi. Chế độ tiết kiệm pin trên Xiaomi còn tắt tất cả ứng dụng chạy nền, một số không thể gửi được thông báo đến người dùng.
Các công ty cũng đã tính đến điều này, nên cung cấp cho nhà phát triển những đoạn mã gọi là "móc" (hook) để họ tùy chỉnh ứng dụng sao cho tương thích với smartphone của hãng. Như LG chẳng hạn, họ cung cấp mã móc để làm ứng dụng cho LG Wing với 2 màn hình một ngang một dọc, nhưng theo anh Dwivedi thì việc phát triển ứng dụng riêng cho smartphone này là tốn thời gian, vì sau sản phẩm đó không hãng nào làm tính năng tương tự. Vấn đề sẽ còn nan giải hơn khi thị trường chuyển đến thiết kế smartphone màn hình gập, hiện tại mỗi hãng đang làm 1 kiểu.
Có những vấn đề khác khi mua smartphone Android
Theo anh Dwivedi người dùng muốn mua smartphone Android hiện nay cũng gặp phải những "điều bất ngờ", ẩn trong lời quảng cáo của các nhà sản xuất. Như Samsung Galaxy S21, hãng có tới 2 phiên bản sử dụng vi xử lý Snapdragon và Exynos cho các thị trường khác nhau, bên cạnh việc có hiệu năng không đồng đều cũng dẫn tới khả năng xử lý cũng không hề giống nhau.
Tương tự, khi một smartphone được quảng cáo là có khả năng chụp zoom quang 10x thì người dùng không cần phải biết nó hoạt động như thế nào, tính năng chỉ cần được điều chỉnh để dễ tiếp cận, dễ sử dụng nhất.
Chọn smartphone Android nào nếu bạn thích chụp ảnh?
Đối với những người thích chụp ảnh với smartphone, anh Dwivedi khuyến nghị 2 dòng máy là Sony Xperia Pro-I và Google Pixel 6 Pro. Sản phẩm từ Sony có rất nhiều tính năng tùy chỉnh trong ứng dụng chụp ảnh của mình, giúp cho những "Pro" có thể tạo ra bức ảnh đúng với ý mình nhất. Ngược lại Pixel 6 Pro có cách chụp ảnh đơn giản, nhưng khả năng xử lý AI mạnh mẽ nên thường chỉ cần chụp-là-đẹp.
Anh lại không có cái nhìn tích cực đối với thị trường tầm trung, khi nói rằng camera ở phân khúc này bị cắt giảm nhiều, có các tính năng chỉ để "làm màu". Nhiều smartphone tầm trung có 3 - 4 camera, nhưng tính hữu dụng và chất lượng ảnh vẫn thua cả dòng Pixel cũ với chỉ 1 - 2 camera. Trong tầm giá dưới flagship, mọi người quan tâm nhiều hơn tới các tính năng khác như màn hình, độ mượt, chất lượng pin nên chụp hình sẽ không phải là thứ được đặt lên đầu.
Android còn gặp phải một vấn đề lớn đó là chất lượng hình ảnh sẽ bị giảm đi khi dùng ứng dụng của bên thứ 3. "Khi dùng ứng dụng ngoài hình ảnh sẽ không được xử lý HDR, trong khi điều này luôn được làm tốt bởi iPhone."
Tương lai của nào dành cho Android?
Để khả năng chụp hình với ứng dụng ngoài của Android có thể được cải thiện, ta phải nhìn vào những vấn đề trong thời điểm hiện tại. Anh Dwivedi nói rằng muốn tạo ứng dụng ảnh cho Android, các nhà phát triển sẽ phải sử dụng API tên là Android Camera với 2 phiên bản là Camera1 dành cho thiết bị có Android Lollipop trở xuống, Camera2 dành cho các thiết bị mới hơn.
Cả 2 đều có những vấn đề riêng của chúng, khi Camera1 thì đơn giản nên thiếu tính năng, còn Camera2 có nhiều tính năng hơn nhưng lại khó sử dụng. Samsung thì tự phát triển riêng API cho mình, hướng dẫn các ứng dụng như Snapchat sử dụng nó thay vì API Google.
Từ đây, các nhà phát triển sẽ phải thêm lệnh "nếu - thì" để dùng API Samsung cho smartphone Galaxy, dùng API Google cho các sản phẩm khác, đã phức tạp nay lại càng rắc rối hơn. Vào năm ngoái, Google cung cấp một phiên bản API mới tên là CameraX được cho là có chất lượng ảnh cao vì tích hợp xử lý HDR và AI, tuy vậy nó chưa có phiên bản ổn định chính thức.
Các ứng dụng lớn như TikTok, Snapchat hay Instagram vẫn sử dụng Camera1, 2 đơn giản vì họ không muốn dùng một bản API CameraX thiếu ổn định, có thể gây ra xung đột. Anh Dwivedi vẫn lạc quan, nói rằng Android sẽ theo kịp được iOS trong vấn đề chụp ảnh với ứng dụng ngoài, nhưng điều này đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều từ chính Google.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc)