Vào những ngày nóng nực, bữa cơm đơn giản cùng bát canh cua rau đay, ăn cùng cà muối là đủ để các gia đình Việt suýt xoa vì ngon miệng. Món cà muối xổi tuy ngon và tiện lợi nhưng cần phải ghi nhớ vài lưu ý khi ăn kẻo mệt mỏi, buồn nôn, thậm chí ngộ độc thực phẩm.
Sự thật về cà muối dưới kính hiển vi
Cà muối được ngâm trong hỗn hợp nước muối, tỏi, ớt khiến chúng thay đổi về màu sắc, kết cấu và trở thành món ăn ngon chống ngán trong bữa cơm. Tuy nhiên có không ít người thắc mắc rằng không biết món cà muối được sản xuất bằng phương pháp chế biến đơn giản như vậy thì có đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Để trả lời cho câu hỏi đó, mới đây một tài khoản rất nổi tiếng trên mạng xã hội Tiktok đã tiến hành soi cà muối dưới kính hiển vi.
Hình ảnh soi cà muối dưới kính hiển vi. Nguồn: Tiktok
Theo hình ảnh mà chủ tài khoản này chia sẻ, có thể thấy ở mức phóng đại gấp 1000 lần cà muối có chứa một số lượng men lactic nhất định giúp hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó món cà muối xổi còn chứa rất nhiều chất độc solamin.
Qua những gì quan sát được, chủ tài khoản Tiktok này cho biết: "Các bạn không nên ăn cà muối xổi vì trong cà sống có solamin là một loại chất độc trong mầm khoai tây, nếu ăn quá nhiều sẽ gây mệt mỏi, buồn nôn, thậm chí ngộ độc thực phẩm. Và tuyệt đối không muối cà hoặc mua cà được muối bằng thùng sơn hay lọ nhựa vì monome trong nhựa sẽ tan vào hợp chất nước muối và làm quả cà bị nhiễm độc, từ đó gây độc hại cho người sử dụng".
Cà muối xổi, ngâm trong thùng nhựa, thùng sơn - 2 thói quen ăn cà muối nguy hiểm
Theo Đông y, cà muối vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, nhuận tràng, rất tốt cho sức khỏe. Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng đánh giá món ăn này có tác dụng rất tốt cho việc kích thích tiêu hóa thức ăn, tuy nhiên không nên lạm dụng. Trong thân, lá và hoa của cà pháo có chứa một ít chất độc là alkaloids. Ngoài ra, cà pháo còn có một lượng solanin độc. Cà càng chín thì lượng solanin càng ít đi.
Theo nghiên cứu khoa học, solanin rất độc. Ngộ độc solanin chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh. Gây ra các triệu chứng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, khô rát cổ họng, đau đầu và chóng mặt... Nặng hơn có thể gây ra ảo giác, mất cảm giác, tình trạng tê liệt, sốt, bệnh vàng da, giãn đồng tử và giảm thân nhiệt. Ở hàm lượng lớn, ngộ độc solanin có thể gây tử vong. Trong cà pháo tươi, hàm lượng solanin cao gấp 5 - 10 lần so với mức an toàn. Ngược lại khi được nấu chín hoặc muối chua thật kỹ thì lượng solanin trong cà sẽ giảm đi, chính vì thế chúng ta không nên ăn cà sống, cà muối xổi.
Ngoài ra, thói quen muối cà trong thùng sơn, thùng nhựa cũng rất nguy hiểm. Các loại thùng sơn thường có nguyên liệu là nhựa kém chất lượng, chứa đơn chất monome. Trong quá trình ngâm cà, lượng muối có thể khiến số monome này bị tan ra, thôi nhiễm vào nước và ngấm vào quả cà. Không những vậy, số chất tạo màu, hóa chất của thùng sơn và thùng nhựa cũng có thể ảnh hưởng đến độ an toàn món ăn.
Bên cạnh đó, việc muối cà vào những vại sành, sứ làm từ nguồn đất nung có nhiễm kim loại nặng cũng rất nguy hiểm bởi trong hoàn cảnh này nước cà muối có thể bị nhiễm chì, thủy ngân, từ đó có thể gây ngộ độc, cho người ăn.
Vậy cà muối nên được chế biến và tiêu thụ như thế nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về công nghệ thực phẩm) quả cà được chế biến theo cách nấu chín hay được muối khi đảm bảo vệ sinh và ăn đúng lúc, không lạm dụng thì không hề ảnh hưởng cho sức khỏe.
Để đảm bảo cho sức khỏe, cà nên được muối 1 ngày rồi mới đem ra sử dụng. Người vừa ốm dậy, người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai không nên ăn cà. Ngoài ra, phụ nữ sau khi sinh cũng không nên ăn nhiều cà pháo muối vì sẽ gây bất lợi cho việc tạo sữa. Các gia đình nên thận trọng khi phối hợp với các thức ăn tính hàn như cà muối, nên ăn kèm các gia vị có tính ôn như: tỏi, ớt, sả… Bên cạnh đó, không nên muối cà quá mặn vì sẽ gây hại cho thận, tim; đồng thời dễ dẫn đến tăng huyết áp.
Mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50gr cà muối và ăn 2-3 lần/tuần. Nên ngâm cà trong bình thủy tinh để dùng dần.