Ông Nguyễn Khánh (tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Khánh), sinh ngày 31/3/1928, quê quán xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội), thường trú tại số 63 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Những năm tháng cuối đời, ông ở cùng người con trai thứ hai tại số 9 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) của Đảng, ông Nguyễn Khánh được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ tháng 2/1987, ông là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng. Ông Nguyễn Khánh đảm nhiệm trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau này là Phó Thủ tướng liên tiếp trong 2 nhiệm kỳ, từ 1987-1997.
2 người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh
Trong ký ức của ông Nguyễn Chí Công (SN 1958), người con thứ hai của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, cha ông là một người con hiếu thuận, một người chồng mẫu mực. Có thể khẳng định, cả cuộc đời, ông dành trọn sự kính trọng, yêu thương cho 2 người phụ nữ: mẹ ông - cụ Nguyễn Thị Tư, quê ở thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) và vợ ông - bà Lưu Khánh Mỹ.
Trong câu chuyện viết về mẹ mình mang tựa đề “Mẹ tôi - Một phụ nữ Ước Lễ” của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh được in trong cuốn sách Quê hương Ước Lễ, có thể hiểu vì sao ông lại quý trọng mẹ mình đến vậy.
Thuở bé, ông Khánh thiệt thòi vì thiếu vắng tình cảm của người cha. Khi ông mới được 2 tuổi, cha ông tham gia hoạt động chính trị chống Pháp và bị giặc Pháp bắt giam, kết án và đày ra Côn Đảo. Khi ông lên 10, cha ông được tha tù trở về, đây cũng là lần đầu tiên ông được biết mặt bố. Nhưng bố con ở gần nhau không được bao lâu thì bố ông qua đời vì bệnh lao phổi. Tuy còn nhỏ, nhưng ông Khánh hiểu sự hy sinh của mẹ, nên luôn quấn quýt, yêu thương, quý trọng mẹ. Sau này, mỗi lần kể chuyện về mẹ cho các con nghe, ông Khánh không khỏi xót xa, thương mẹ vất vả, thờ chồng, nuôi con. Những lời răn dạy của bà “phải có lòng nhân ái, nhân hậu, hiếu trung” ông Khánh luôn khắc ghi trong quãng đường trưởng thành của mình.
Ông Nguyễn Khánh thường kể với các con: “Trong hơn 4 năm học ở trường Gia Long, Hà Nội, mẹ Tư cấp cho mỗi tháng 20 đồng Đông Dương, trả tiền nhà trọ 10 đồng, học phí 3-5 đồng theo năm học. Tiền tiêu vặt chủ yếu là xem xi-nê và thỉnh thoảng đi xem bóng đá ở sân Hàng Đẫy. Vậy mà vẫn tiết kiệm, mỗi lần về Thái Nguyên lại đưa cho mẹ mấy đồng”.
Người phụ nữ đặc biệt thứ hai trong cuộc đời nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, chính là bà Lưu Khánh Mỹ, phu nhân của ông. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Chí Công, người làm con hạnh phúc biết bao khi chứng kiến tình cảm của bố mẹ dành cho nhau, nhất là khi đau yếu cũng như lúc tuổi già. Anh Công không khỏi xúc động khi chứng kiến bố luôn yêu và chiều mẹ. Tuổi già khiến phu nhân của nguyên Phó Thủ tướng đau yếu, đi lại khó khăn, nhưng ông Khánh, dù đã ngoài 70, vẫn dành chút sức lực của mình để làm đôi tay, đôi chân cho vợ, giúp bà tắm rửa, đi lại.
“Phải yêu thương nhau thực sự, các cụ mới có thể chăm sóc nhau được như thế”, anh Công chia sẻ.
“Không lợi dụng chức quyền của cha”
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh trong mắt của con trai ông còn là người điềm đạm, chín chắn, nghiêm túc. Điềm đạm, nghiêm túc trong công việc, nhưng cũng có lúc ông đùa vui, những câu nói vui của ông khiến người đối diện cảm nhận được sự tế nhị, thâm thúy. “Có lẽ do từ bé ông theo học trường của Pháp nên ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Pháp”, ông Công chia sẻ.
“Cha tôi cũng là một người rất chịu khó học, thích tìm hiểu, muốn biết về vấn đề gì là ông tìm hiểu cho bằng được, học đến độ say mê. Sự ham học hỏi của ông đã được truyền lại cho các con và các cháu của ông sau này. Ngày bé, những lúc trò chuyện, cha tôi hay nhắc lại tâm nguyện của ông nội chỉ mong muốn bố tôi phải học thật giỏi. Lúc đó bố tôi mới khoảng 10 tuổi. Qua câu chuyện đó, chúng tôi hiểu được tâm ý của bố, nên cả 3 anh em đều noi gương bố chịu khó học hành” – ông Nguyễn Chí Công chia sẻ.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh có 3 người con trai (Nguyễn Công Thành, sinh năm 1956, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa; Nguyễn Chí Công, sinh năm 1958, kỹ sư thủy lợi và Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học giao thông). Ông Nguyễn Chí Công cũng đã tốt nghiệp Thạc sĩ tại Australia và Tiến sĩ tại Mỹ trong lĩnh vực thủy lợi.
Một điểm đặc biệt về cha mình mà ông Công nhớ mãi, từ khi các con còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, lập gia đình, ông Khánh luôn duy trì bữa cơm gia đình, cả nhà thường quây quần ăn tối cùng nhau. Đó là thời gian để bố con, ông cháu trò chuyện, chia sẻ mọi việc, vì thế trừ những trường hợp bất khả kháng, còn lại mọi người đều phải sắp xếp để ăn cơm cùng lúc. Nếp sinh hoạt này ông Khánh học từ người mẹ và tiếp tục duy trì sau khi lấy vợ, sinh con, có cháu. Một điều nữa mà ông Công học được từ bố mình đó là thói quen chỉ nói chuyện của mình, không nói chuyện của người khác, nhất là những chuyện không hay. Theo ông Công, đó cũng là một tính cách rất riêng của cha mình.
Nhớ lại thời điểm khi ông chuyển công tác từ TP.HCM ra Hà Nội để dành thời gian gần gũi, chăm sóc bố, hai bố con thường có những khoảng thời gian tâm sự với nhau khá lâu sau mỗi bữa cơm, có những câu chuyện kéo dài tới 2-3 tiếng đồng hồ. Cũng có lúc, ông Công tếu táo, hỏi cha về những chuyện “thâm cung bí sử” trong công việc hàng ngày của ông, nhưng nguyên Phó Thủ tướng luôn có cách để lái câu chuyện sang hướng khác. Có lần, ông Khánh hỏi con rằng “Với tư cách một nhà khoa học, con có suy nghĩ, ý kiến gì về những chủ trương, chính sách trong khoa học và giáo dục”. Ông Công trả lời vui không biết, không phải việc dành cho mình. Nghe vậy, ông Khánh có vẻ không hài lòng rồi trách “Con như thế không được. Mình sống ở đâu cũng cần quan tâm đến xã hội chứ”. Ông Công biết bố không vui liền nói một mạch hơn 3 tiếng đồng hồ. Cha ông chăm chú nghe, không tranh luận. Cuối cùng, ông chỉ nói “cảm ơn con”.
Cuộc sống của một chính khách sao giản dị vậy? Trả lời cho thắc mắc này, ông Công nói: “Nhiều người cũng hay đùa, sao bố là Phó Thủ tướng mà con chẳng được nâng đỡ gì. Không chỉ bố tôi, mà các thế hệ lãnh đạo cùng thời với ông trở về trước như bác Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng…, hầu hết họ đều sống giản dị như thế. Ngày bé, tôi và con của các bác từng chơi với nhau, đi sơ tán cùng nhau, rồi lại ở cùng khu tập thể số 4 Hoàng Diệu, nên tôi biết, hầu hết họ cũng như tôi, không ỷ vào bố là người có quyền thế để lợi dụng chức quyền của bố. Bố tôi muốn tránh điều tiếng, nên ông luôn thể hiện quan điểm của mình rằng các con phải tự phấn đấu. Biết tính của bố như thế nên chúng tôi thường tránh chuyện lợi dụng chức quyền của bố mình".