Sông Tô Lịch là con sông nhỏ chảy trong nội thành Hà Nội. Dòng chính sông chảy qua các quận: Đống Đa , Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Chiều dài sông chỉ 13,5km.
Điểm lộ thiên đầu tiên của sông Tô Lịch tại phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Sau đó chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng, Khương Trung, Kim Giang về phía nam, tây nam rồi ngoặt sang phía đông nam và đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì.
Sông Tô Lịch xưa vốn từng là một phân lưu của sông Hồng, sau đó nhiều đoạn sông bị lấp dần. Từ khi bị lấp, sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố, bị ô nhiễm nặng. Sau đó nhiều đoạn đã được cống hóa. Ảnh chụp điểm lộ thiên đầu tiên bắt đầu từ miệng cống lớn tại phường Nghĩa Đô.
Do ô nhiễm nặng, nước sông nồng nặc mùi hôi thối mỗi khi thời tiết thay đổi, tôm cá không thể sinh sống và trở thành dòng sông chết. Trong ảnh là đoạn sông đầu tiên lộ thiên với rất nhiều rác và mùi hôi thối.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm làm sạch dòng sông, nhưng đến hiện tại sông Tô Lịch vẫn là dòng sông chết. Ở một vài thời điểm, nước sông trở nên trong xanh, thậm chí có tôm cá là do điều hòa mức nước hồ Tây. Theo đó, một lượng lớn nước hồ Tây được xả vào sông Tô Lịch làm cho nó từ màu đen chuyển sang sắc xanh chỉ sau vài giờ. Địa điểm mở cống xả nước hồ Tây nằm trên đường Trích Sài và trực tiếp xả thẳng vào sông Tô Lịch.
Hình dáng và hành trình của sông Tô Lịch tại Hà Nội. Điểm lộ thiên đầu tiên từ 2 miệng cống lớn thuộc địa phận phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Điểm cuối đổ vào sông Nhuệ tại vị trí giáp ranh giữa xã Tả Thanh Oai và xã Hữu Hòa, Thanh Trì (Ảnh Google Maps).
Đoạn sông chạy dọc theo đường vành đai 2 và rẽ về bên trái theo Đường Láng.
Toàn tuyến trước đây có 280 cửa nước xả thải trực tiếp ra sông, phần lớn nước không qua xử lý khiến dòng sông ô nhiễm rất nặng.
Một cửa cống cỡ lớn đổ vào sông tại vị trí đường Nguyễn Khánh Toàn.
Đoạn sông tại đường Kim Giang. Trước đây sông Tô Lịch cũng còn được gọi là Kim Giang.
Đã có đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm sông Tô Lịch. Ảnh chụp đoạn sông qua chùa Bằng (Hoàng Mai).
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có xác định một nhiệm vụ cụ thể về xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là sông Tô Lịch. Ảnh chụp tại vị trí phường Thanh Liệt (Thanh Trì).
Một đoạn sông chảy qua những ruộng rau xanh ngắt địa phận quận Hoàng Mai.
Đến đoạn phường Thanh Liệt (Thanh Trì) xuất hiện một ngã 3. Một nhánh hướng về phía nam bao quanh khu đô thị Linh Đàm. Nhánh khác tiếp tục chảy theo đường Kim Giang.
Cận cảnh ngã 3 sông Tô Lịch tại vị trí đường Kim Giang thuộc phường Thanh Liệt.
Nhánh chảy về phía Nam cũng đổ ra sông Nhuệ tại vị trí xã Hòa Bình (Thường Tín).
Nhánh chính tiếp tục chảy theo đường Kim Giang, qua đường ĐT70, cầu Tó (Thanh Trì) hướng về sông Nhuệ.
Tại điểm giáp ranh giữa xã Tả Thanh Oai và xã Hữu Hòa (Thanh Trì) sông Tô Lịch đổ vào sông Nhuệ. Ảnh chụp toàn cảnh vị trí ngã 3 sông Tô Lịch hòa vào sông Nhuệ.
Cận cảnh vị trí ngã 3 sông Tô Lịch - sông Nhuệ tại làng Hữu Bằng, Hữu Hòa (Thanh Trì).