13 tỉnh, thành dừng học trực tiếp do dịch Covid-19

Phi Khanh| 23/02/2022 10:13

Thống kê mới nhất đến tối 22/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, 13 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp.

13 tỉnh, thành dừng học trực tiếp, cần ổn định tâm lý cho trẻ khi F0 tăng
13 tỉnh, thành dừng học trực tiếp do dịch Covid-19, cần ổn định tâm lý cho trẻ khi F0 tăng. (Nguồn: Dân trí)

Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, ở bậc Mầm non, 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 13 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa phương, gồm: Hà Nội; Đà Nẵng (tổ chức cho trẻ đi học tại 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà); Tiền Giang (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ 21/2, trẻ dưới 5 tuổi tổ chức từ ngày 24/2); Bạc Liêu (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ 21/2, trẻ dưới 5 tuổi tổ chức từ ngày 28/2); An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên; Đắk Lắk (có thành phố Buôn Mê Thuột dừng dạy học trực tiếp).

Bậc Tiểu học có 52 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 11 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp, gồm: An Giang (khối lớp 1, 2); Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành); Đắk Lắk (thành phố Buôn Mê Thuột); Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.

Bậc Trung học cơ sở có 59 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 4 tỉnh, thành phố dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp, gồm: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội (khối lớp 6 của 12 quận nội thành).

Bậc Trung học phổ thông có 62 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp. 1 địa phương là Lào Cai dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp.

Chia sẻ với TG&VN, bác sĩ Phạm Đức Phúc, chuyên gia y tế công cộng, Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam (VOHUN) cho rằng, việc mở cửa trường học không phải là nguyên nhân lây lan nhanh mà quan trọng nhất vẫn là chúng ta chuẩn bị tinh thần như thế nào.

Các trường cũng như các cơ sở y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ để thống kê một cách minh bạch, thông tin rõ ràng, tránh hoang mang, tạo niềm tin cho nhà trường, cho giáo viên, phụ huynh và các em học sinh.

Bác sĩ Phạm Đức Phúc nhấn mạnh: "Tôi nghĩ đó là một trong những điểm mấu chốt nhất khi học sinh đến trường. Hiểu được tâm lý như vậy, người làm chuyên môn cần cung cấp thông tin cho giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu kỹ hơn.

Không phải thông tin truyền thông bình thường nữa, cần làm sao để cho giáo viên, phụ huynh, học sinh yên tâm. Muốn thông tin chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, thì cần phải có số liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
13 tỉnh, thành dừng học trực tiếp do dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO