110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và...

Xuân Ba| 09/10/2021 20:07

Chuyện cố vấn Lê Đức Thọ và H. Kissinger đàm phán về Hiệp định Hòa bình Việt Nam và cả chuyện ông Thọ từ chối nhận Giải Nobel hòa bình đã được người thư ký riêng của ông Thọ tiết lộ...

Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger đàm phán về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger đàm phán về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bộ Ngoại giao Việt Nam có hai ông Lưu Văn Lợi.

Một ông Lưu Văn Lợi nguyên là cố vấn pháp lý của Đoàn Đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris. Sau này là Bộ trưởng, Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.

Còn một Lưu Văn Lợi nữa...

Hơi bị hiếm trong trật tuổi cao, ông đã mấy lần bị tai biến nhưng ở tuổi tám mươi, ông đi lại vẫn lanh lẹ. Quý nhất, vẫn mẫn tiệp.

Ông biên ra giấy cho tôi cái meo (email) và dặn nếu có viết lách gì thì meo trước cho ông coi. Người khác thấy hơi ngài ngại nhưng với ông thì thấy chả thể khác? Ông vốn cẩn trọng mà.

Ông có những mấy cái nguyên. Nguyên thư ký riêng của cố vấn Lê Đức Thọ, Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Ngoại giao. Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy. Nguyên Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô.

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 1

Ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký riêng của cố vấn Lê Đức Thọ, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Ngoại giao.

Cái duyên lọt vào mắt xanh ông cố vấn Lê Đức Thọ có lẽ là lần ông cố vấn từ Paris qua Matxcova ngày 2/6/1968.

Chàng trai Lưu Văn Lợi khi ấy là tùy viên Phòng văn hóa báo chí Sứ quán có nhiệm vụ làm tin nhanh để phục vụ cho công việc của ông cố vấn. Có lẽ ông cố vấn đã nhanh chóng bắt được khả năng bén nhạy tình hình, cùng năng lực phân tích tổng hợp sự kiện và cả khả năng ngoại ngữ của chàng trai Lưu Văn Lợi? Vậy nên ông cố vấn đã quyết. Chất giọng ông tỉnh như không "Ngày mai cậu đi với tôi sang Paris..."

"Đi với tôi" không phải một vài ngày, mấy tháng, ít năm mà một lèo... 18 năm!

Chẳng hề vơi vợi mờ nhòe những ấn tượng cuộc hòa đàm đã hằn đậm vào tâm khảm của một người từng can dự. Ông cười rất vui rằng, hình như con Tạo vốn trớ trêu nhưng hữu tình khi để cặp Lê Đức Thọ- Kissinger gặp nhau?

Các phiên họp riêng giữa Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và Kissinger, cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon, đều rơi vào những thời điểm dài dặc.

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 2

"Hình như con Tạo vốn trớ trêu nhưng hữu tình khi để cặp Lê Đức Thọ- Kissinger gặp nhau?"- Lưu Văn Lợi.

Có ngày làm việc đến 13 tiếng, lấn sang cả đêm. Trưởng đoàn Xuân Thủy khi ấy, tuổi 58. Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1911, lúc ấy hơn 60 tuổi, nhiều hơn Kissinger gần một giáp ( 12 tuổi).

Kissinger tóc đen nhức, lực lưỡng cao to cứ như một đô vật! Nhưng tương phản với vóc dáng, Kít có số má mánh lới, xiên sẹo. Khởi đầu các cuộc gặp riêng thì cứ làm như vô tình lan man, chuyện nọ xọ chuyện kia. Và cứ nhè vào lúc chiều hay gần tối (những thời điểm bất lợi cho nhịp độ sinh học của tuổi già) mới đưa việc chính ra tranh cãi. Hình như Kissinger chắc mẩm cái ông già Á Đông kia đã lử khử, nên cũng dễ mà rằm cũng ừ mà mười tư cũng gật.

Nhưng ông Kít hơi bị nhầm! Đàm phán càng kéo dài và càng khuya khoắt, ông Thọ càng tỉnh và thậm chí có lúc diễn thuyết dai dẳng làm cho Kissinger sau này phải bộc bạch trong hồi ký “Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng một con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật. Có những lúc ông ấy nói cả giờ, tôi bảo cái điều này tôi đã nghe nhiều lần rồi thì ông Thọ bảo: Ông nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi phải nói lại...”.

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 3

Tác giả (trái) và ông Lưu Văn Lợi

Năm 1972 là giai đoạn đi vào thương lượng cụ thể. Hồi đó lập trường của hai bên khác nhau lắm, Mỹ muốn rút nhưng muốn giữ nguyên chế độ Thiệu - Kỳ, mà lại không công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ đã đi vào thảo luận về Hiệp định rồi, hôm trước vừa thỏa thuận như thế nhưng hôm sau họ lại lật phắt lại. Mỹ luôn luôn lấy cớ rằng do chính quyền Sài Gòn không chấp nhận.

Mỗi lúc xuất hiện tình huống ấy, ông Thọ bất giác nhớ cái động thái thân ái tin cậy của ông Lê Duẩn khi đặt tay lên vai ông trước lúc sang Paris: Anh sang đó là tướng tại ngoại đấy nhé! Anh sẽ là Tư lệnh ở mặt trận ngoại giao. Thày trò anh làm thế nào thì làm, nhưng anh phải đạt được là “Mỹ rút, quân ta ở lại”.

Tháng 10/1972, tưởng đàm phán đã hòm hòm, Tổng thống Nixon đã gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói rằng Hiệp định đã có thể hoàn chỉnh! Rồi Kissinger cũng huênh hoang rằng, không còn điểm bất đồng gì lớn nữa!

Đã thỏa thuận là tháng 10 Kissinger sẽ sang Hà Nội ký tắt, rồi sau đó về Paris ký chính thức. Mỹ đã nhượng bộ không đòi quân Bắc Việt Nam rút, chỉ yêu cầu có một số biểu hiện, thí dụ như hồi hương một ít, hay di chuyển quân, tượng trưng cũng được, để máy bay chụp ảnh, chứng minh cho dư luận Mỹ biết rằng cũng đòi được quân Bắc Việt Nam rút lui.


Tôi hỏi người lính già trong trận "đàm - đánh" ở Paris ấy, cuộc nào là “căng’’ nhất thì ông cười “cuộc nào mà chả căng! Anh em trong đoàn đàm phán nói vui là đoàn có ông Sáu Thọ, thọ là lâu dài lại có ông phó đoàn Hà Văn Lâu, cũng là lâu dài, nên nhiệm vụ ở Paris phải là trường kỳ kháng chiến?!’’

Nhưng có một cuộc như ông cho hay là “căng’’ nhất. Đó là phiên hai bên soạn thảo những điểm cơ bản trong Hiệp định. Đó là ngày 11 tháng 10 năm 1972. Từ 9 giờ sáng ngày 11 kéo một mạch đến 2 giờ sáng hôm sau mà như Kisinger đã ghi trong hồi ký “nói là thương lượng một mạch 16 giờ liền nhưng trên thực tế là 22 giờ đồng hồ’’. “Quân’’ của cả hai bên thi thoảng phải ra ngoài dùng cà phê đặc, hoặc hút thuốc nhưng Lê Đức Thọ trừ những lúc đi vệ sinh còn liên tục ngồi đấu lý với Kisinger!

Ngạo mạn. Tráo trở. Lật lọng... Có lẽ ông Thọ quá rành tố chất của đối phương nên những cuộc gặp đầu tháng 12/1972, sau thời điểm R. Nixon trúng cử Tổng thống, tưởng muốn yêu sách cùng những làm mình làm mấy gì cũng được, Kissinger đã bất ngờ rũ rối các thỏa thuận tháng 10, làm xộc xệch Hiệp định đã sơ thảo. Đòi sửa hơn 60 điểm mấu chốt cốt yếu...

Cố vấn Lê Đức Thọ và các thành viên phái đoàn ta vẫn điềm tĩnh. Mỹ chỉ thua sau khi dùng B52 ném bom Hà Nội và chỉ thua trên bầu trời Hà Nội... Lời dặn của Bác năm 1967 có lẽ thời điểm này chợt thoắt trở lại buốt nhói trong tâm trí mọi người? Nhưng biết làm sao... Cố vấn Lê Đức Thọ cùng tùy tùng lặng lẽ ra máy bay.

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 4

Ông Thọ và Bác- Ảnh Tư liệu.

Động cơ chiếc IL-18 không như những lần đưa mọi người vào cảm giác chập chờn thiêm thiếp, mà lần này ai cũng chong chong bồn chồn như có chi đó lây lan tâm trạng với ông Cố vấn?

Paris nối Hà Nội bằng chuyên cơ IL-18 hoặc IL-62 của Liên Xô, nhanh thì 2,3 ngày đêm. Chậm thì 4 ngày đêm theo lộ trình Paris- Maxcova- Bắc Kinh- Hà Nội hoặc Maxcova- Tasken-Cancutta- Hà Nội Nhưng lần này thì chưa đến hai ngày hai đêm (bây giờ loại Boeing hiện đại cho phép chế độ bay trực tiếp chỉ hơn 12 giờ bay liên tục)

Khi tổ lái báo máy bay đã vào không phận miền Bắc VN, ông Cố vấn rời chỗ ngồi bước ra nói chuyện thân mật cùng tổ lái và mấy mấy nhân viên phục vụ. Sau khi thăm hỏi nơi sơ tán của gia đình anh chị em, cái câu mà ông Lợi thấy là lạ, ông Cố vấn nói như thúc giục, như một tiếng thở dài các cháu nói với gia đình nếu có điều kiện sơ tán càng xa Hà Nội càng tốt...

Xe chở ông cố vấn nhích chậm qua cầu Long Biên. Chốc chốc lại phải tránh những đoàn xe quân sự ngất nghểu dắt pháo phòng không. Vẻ như không khí trận mạc đã lẩn khuất đâu đây? Cây cầu năm lụt 1971, thày trò từ Paris về gặp trận bão lớn. Đến giữa cầu phải chờ xe, ông Lợi bước xuống bất ngờ khuỵu người xuống vì sức gió.

Chuyến này trở về không có bão nhưng ai cũng cuồn cuộn trong lòng một điềm chi đó chẳng lành khi ngó những trận địa pháo 12,7 ly và 14,5 ly đặt lển nghển trên thành cầu. Khi ấy ông đâu biết phía mạn Chèm và quanh Hà Nội những trận địa SAM-2 cũng đã giăng... Hà Nội đã phòng bị trước những tráo trở, lật lọng!

Về đến nhà ông cố vấn ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân đã hơn 6 giờ chiều. Đang lúi húi xếp tài liệu vào tủ sắt, ông Lợi định bụng xin phép tranh thủ về nơi vợ con sơ tán thì ông cố vấn bước vào.

Đêm nay các cậu ở lại đây. Thế nào chúng cũng giở trò...

Các cậu là anh em phục vụ thư ký và phiên dịch.

Khoảng non 2 tiếng sau, căn hầm ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân chung chiêng vì địa chấn bởi những đợt bom B52 đổ xuống Hà Nội.

... Ông cố vấn vẫn gượng dậy làm việc sau hai ngày liên tục sốt cao. Trước ông là một bức điện. Kissinger hối thúc Hà Nội nối lại đàm phán. Trước đó đã có tín hiệu tương tự nhưng dễ gì Hà Nội khuất phục trước sự tráo trở lật lọng. Bom đang xé toang không gian Hà Nội, lại giở trò khiêu khích ép Hà Nội ngồi vào bàn Hội nghị? Nhưng càng lao đầu vào chiến dịch bạo tàn Linnerbecker-2 hủy diệt Hà Nội thì con số B52 bị quật rụng càng nhiều.

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 5

Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger, hai người tạo ra những huyền thoại ngoại giao về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Sau đêm 26-12, tình thế cuộc chiến đã khác. Cục diện đã thay đổi. Ông cố vấn vừa trở về từ hầm ngầm ở Điện Kính Thiên sau một cuộc họp trọng. Bộ chính trị đã quyết định. Ngồi vào bàn Hội nghị nhưng không có bất kỳ sự nhượng bộ nào trên cơ sở bản Hiệp định như đã thỏa thuận hồi tháng 10-1972.

Ông cố vấn giục ông Lợi phải trực tiếp gặp và mời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm đến gấp. Khi ông Đinh Nho Liêm tới, ông cố vấn kéo ngay vào việc.

Mãi hồi lâu khi Thứ trưởng Liêm ra về, ông cố vấn còn dặn đi dặn lại không ghi chép, không mang theo tài liệu. Chỉ được ghi nhớtrong đầu.Cậu phải bay trước sang Paris truyền đạt báo cáo lại với anh Xuân Thủy, chị Bình, anh Thạch, các anh các chị bên đó quan điểm của Bộ Chính trị... Đoàn ta sẽ sang sau…

Giải Nobel, một sai lầm…

Để ý, trên các phương tiện thông tin, ít thấy đề cập tới cuộc phỏng vấn dài giữa ông Lê Đức Thọ với nữ phóng viên hãng thông tấn Mỹ UPI, Synvana FOA (sau đây gọi là S.foa) ngày 15-3-1985?

Trong số cán bộ phục vụ, có lẽ Lưu Văn Lợi là người may mắn và hiếm hoi chứng kiến từ đầu đến cuối... Có một chút tò mò háo hức, tôi rụt rè đề nghị ông Lợi cho ngó nội dung cuộc phỏng vấn...

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 6

"Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ"- Lê Đức Thọ.

Ông Lợi ngồi lặng một lát như đang nhớ lại điều gì... Người thư ký mẫn cán năm xưa vẫn vẹn nguyên sự cẩn trọng cần thiết? Rồi ông đứng dậy, chậm chạp lên gác.

Có lẽ cũng phải lâu lâu, ông mới trở xuống. Trong tay ông là một xấp giấy.

Háo hức đón lấy.

Tôi đã có 15 câu hỏi của bà. Tôi có thể trả lời tổng hợp vào 4 vấn đề. Về giác ngộ cách mạng của tôi. Những khó khăn trong công tác mà tôi đảm nhiệm và ước vọng của tôi. Về Hội đàm Paris trong đó có 3 câu hỏi của bà. Câu hỏi về Hiệp định Paris. Về ông Kissinger trong Hội đàm. Về giải thưởng Nobel. Bà còn có câu hỏi, làm việc trong tập thể Bộ chính trị, tôi thuộc phái nào? Diều hâu hay Bồ câu?

Trong trả lời của ông Lê Đức Thọ với bà phóng viên Mỹ cũng toát lên nội dung thư phúc đáp Ủy Ban Giải thưởng Nobel của ông cố vấn Lê Đức Thọ.

Sau đây là trích đoạn trả lời của cố vấn Lê Đức Thọ qua hồi tưởng của ông Lợi. Trong văn bản có ghi rõ.

"… Bây giờ tôi nói về Giải thưởng Nobel. Chúng tôi biết, Giải thưởng Nobel là một Giải thưởng lớn với thế giới, từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tại sao tôi không nhận? Tôi không phải có khó khăn như bà nói đâu. Chỉ một điều là ai làm cho hòa bình?

Bà biết rằng đây là giải thưởng Nobel cho hòa bình. Mỹ tiến hành xâm lược đất nước tôi 20 năm. Người chống Mỹ và làm cho Mỹ thất bại, giành độc lập đưa hòa bình cho đất nước và cho cả khu vực này là chúng tôi. Người làm hòa bình là chúng tôi chứ không phải Mỹ.

Trong thư gửi Ủy ban Giải thưởng Nobel, tôi đã phân tích kỹ Mỹ tiến hành chiến tranh như thế nào? Nhưng Uỷ ban Giải thưởng đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo (làm) hòa bình. Coi chúng tôi cũng như Mỹ. Điều đó là sai lầm và tôi không thể chấp nhận như vậy. Vì vậy tôi đã không nhận Giải thưởng Nobel!"

Rồi đột ngột với nụ cười khó mà khả ái hơn, nữ nhà báo Mỹ xin lỗi ngắt lời ông Thọ.

Bây giờ Việt Nam đã thống nhất, ông có nhận lại giải thưởng đó không?

Ông Thọ cùng cười.

Về cơ bản với tính chất của giải thưởng đó nó đã sai lầm ngay từ đầu, sai lầm cơ bản. Nếu bây giờ có giải thưởng riêng cho tôi thì tôi nhận!

Nhưng dù sao ông vẫn đi vào lịch sử như là người đã giành được giải thưởng đó?

Ông cố vấn thủng thẳng.

Vâng cảm ơn bà. Đó là lịch sử ghi lại như vậy. Như đối với chúng tôi đó cũng là điều mà Uỷ ban giải Nobel có sai lầm. Một sai lầm đáng tiếc.

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 7

"...Về cơ bản với tính chất của giải thưởng đó nó đã sai lầm ngay từ đầu, sai lầm cơ bản. Nếu bây giờ có giải thưởng riêng cho tôi thì tôi nhận!"- Lê Đức Thọ.

Ông Lợi nói đến đây, tôi chợt nhớ, mình có đọc đâu đó rằng, trước cơ hội trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt giải Nobel, ông Lê Đức Thọ đã thẳng thừng từ chối vì lý do ở Việt Nam chưa có hòa bình thực sự . Ông giữ im lặng, không giải thích thêm về quyết định này cho tới 20 năm sau, khi chính ông tiết lộ lí do chính xác trong bộ phim “From Hollywood to Hanoi”

“Họ trao giải cho cả người gây chiến tranh lẫn hòa bình, sự lẫn lộn đó khiến tôi không thể nhận giải Nobel được.” Về phía Mỹ, giải Nobel Hòa Bình được đón nhận với tâm thế trái ngược. Kissinger rất vui vẻ khi biết tin, trong khi Tổng thống Nixon thậm chí còn phát biểu cho rằng giải thưởng này là “sự tưởng thưởng xứng đáng cho nghệ thuật đàm phán của người Mỹ trong cuộc chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình ở Việt Nam.”

Niềm vui đó không tồn tại được lâu vì truyền thông Mỹ hiển nhiên không đồng tình với Nixon và Kissinger. Tờ NYT gọi giải thưởng Nobel năm đó là “Nobel vì Chiến tranh". Tờ Washingyon thì cho rằng “người Na Uy thực sự rất có khiếu hài hước”.

Còn diễn viên hài nổi tiếng chuyên châm biếm chính trị Tom Lehrer thậm chí đã phát biểu: “Châm biếm chính trị đã trở nên lỗi thời kể từ khi Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa Bình’’.

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 8

Diễn viên hài nổi tiếng chuyên châm biếm chính trị Tom Lehrer thậm chí đã phát biểu: “Châm biếm chính trị đã trở nên lỗi thời kể từ khi Henry Kissinger được trao giải Nobel Hòa Bình’’.

Giới ký giả luôn hoài nghi vào thiện chí hòa bình của Kissinger nên năm 1999, trong một chương trình truyền hình, nhà báo Anh, Jeremy Paxman, đã hỏi Kissinger rằng, liệu ông ta có cảm giác rằng việc trao cho ông ta giải thưởng Nobel về hòa bình sau Hiệp định Paris năm 1973 là sai địa chỉ không? Chẳng biết đáp thế nào, Kissinger vẻ mặt đầy bối rối đã lặng lẽ rời trường quay!

Chưa hết, chuyện không chỉ dừng lại ở giới truyền thông Mỹ, sự phản đối còn thể hiện mãnh mẽ hơn khi hai thành viên Hội đồng xét duyệt giải Nobel thời điểm đó đã lập tức đệ đơn xin từ chức. Kissinger sau đó đã không tới dự buổi trao giải tại Oslo vì lo lắng sẽ trở thành mục tiêu đả kích của các nhóm biểu tình phản chiến!

Về những cái đập bàn của Lê Đức Thọ

Coi qua biên bản bài phỏng vấn nữ phóng viên UPI, thú vị khi biết thêm chi tiết, cụ thể là về... những cái đập bàn của cố vấn Lê Đức Thọ!

Cũng cần nói thêm, những cái đập bàn ấy nó lạ đến mức các yếu nhân như Thủ tướng Trung Hoa Chu Ân Lai, Gromuko (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xô Viết) phải lấy làm ngạc nhiên (có lẽ mình chả thể hành xử được như ông Lê Đức Thọ nọ trước người khổng lồ cố vấn an ninh Kissinger và ông này sau là Bộ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ?) Gẫm thêm thời điểm ấy, và cả cho đến sau này, trong số các chính khách hành tinh, hình như chưa có ai dám hành xử đại loại thế?

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 9

Ông Lê Đức Thọ(hàng trên, giữa) và các nhà văn Nguyễn Khải (trái), Nguyễn Quang Sáng (phải)

Xin trích ra đây câu hỏi của nữ phóng viên UPI:

Trong trường hợp nào ông nói rằng Kissinger là người nói dối?

-Trong khi hội đàm với ông ấy, nhiều khi ông ấy (Kissinger- NV) đồng ý rồi ngày mai lại lật ngược! Cho nên trong quá trình đàm phán, những lúc như vậy tôi đã dùng những câu như vậy. Có lúc tôi cũng đập bàn. Ngoại trưởng Pháp Dobre hỏi tôi, có phải ông bảo Kissger là người nói láo không, tôi đáp ngay, phải, và ông ấy từng viết trong hồi ký như vậy.

Ông Thủ tướng Chu Ân Lai cũng có hỏi, có phải đồng chí đập bàn khi hội đàm với Kissinger không? Tôi bảo đúng!

Có chuyện ông cố vấn Lê Đức Thọ "ép" Mặt trận Quảng Trị?

Ngập ngừng nhưng rồi trong không khí chuyện trò cởi mở, tôi cũng bộc bạch ra được với ông một băn khoăn...

Số là có dư luận, cụ thể là một cuốn sách, đang xới lên việc những người chỉ huy chiến dịch Quảng Trị năm 1972 từng đã phải chịu rất nhiều áp lực từ các cuộc Hội đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ!

Cụ thể rằng, không hiểu ông Lê Đức Thọ bằng con đường nào, đã thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn đang tham chiến ở Mặt trận Quảng Trị không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Rằng ngay từ năm 1972 nhiều ý kiến phàn nàn rằng “Cố đánh Quảng Trị là do nhu cầu đàm phán" v.v…

Ông Lợi vẻ nhẫn nhịn ngồi nghe…

Để ý suốt cả cuộc nói chuyện, ông hầu như không ngắt lời khách. Thái độ ấy như là một thứ gien trội luôn thường trực của những người ở ngạch ngoại giao? Mãi một lúc, giọng ông mới khẽ khàng…

Như mọi người đều biết, sau chuyến thăm Bắc Kinh của R. Nixon ngày 22/3/1972, Mỹ tuyên bố ngừng họp Paris vô điều kiện. Ngày 30/3/1972, Quân giải phóng miền Nam mở chiến dịch Xuân - Hè tấn công từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và... ảnh 10

Vui với cháu.

Ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ R. Nixon ra lệnh ném bom lại miền Bắc Việt Nam. Sau chuyến thăm Matxcova tháng 5 năm 1972, ngày 11/6/1972, đoàn Mỹ gửi công hàm cho đoàn ta ở Paris đề nghị nối lại cuộc gặp riêng vào ngày 28/6/1972. Thời điểm đó ta đã giải phóng được Quảng Trị và Lộc Ninh.

Trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng so sánh thế lực giữa ta và địch trên chiến trường quan hệ Mỹ- Xô- Trung và tình hình nội bộ chính trị nước Mỹ, Bộ chính trị quyết định đã có thể tới lúc đi vào giải pháp đàm phán ở Paris. Cố vấn Lê Đức Thọ sẵn sàng gặp riêng Kissinger chậm nhất là vào ngày 15/7/1972.

Một cuộc họp kín giữa Lê Đức Thọ và Kissinger đã được đôi bên thỏa thuận vào ngày 2/5/1972. Tình hình chiến trường đã giúp phái doàn ta đến Paris với một tư thế ngẩng cao đầu.

Sáng 1/5/1972, Quân giải phóng chiếm cầu Quảng Trị và sân bay. Ngày 2/5/1972, Quảng Trị được giải phóng. Một tuần trước đó, Quân Giải phóng đã triển khai một cuộc tấn công lớn đe dọa thủ phủ Kontum và Pleiku; tiêu diệt khoảng một nửa Sư đoàn 22 của Sài Gòn. An Lộc, một thị xã cách Sài Gòn hơn 100 km cũng gần như thất thủ. Gần sát cuộc gặp, Sư đoàn 3 của Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt hoàn toàn. Ở Quảng Trị, chính quyền Sài Gòn ước tính có khoảng 20.000 người miền Nam cả quân lẫn dân bị chết. Nhiều đơn vị Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy tán loạn.

Nhiều thời điểm chúng ta đã nhuần nhuyễn khéo léo phối hợp hiệu quả giữa chính trị-Quân sự- ngoại giao. Những dẫn chứng trên đây chứng tỏ sự nhịp nhàng giữa đánh đàm, kết hợp giữa thực tế chiến trường với bàn đàm phán ("Đánh đàm Nam - Bắc hai tay/ Anh đi muôn dặm trời Tây gập gềnh" thơ Tố Hữu tặng Lê Đức Thọ- NV). Và mọi người đều biết, sau đó chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, ta đã chịu rất nhiều tổn thất. Việc rút khỏi Thành cổ sau 81 ngày đêm cầm cự một cách bi hùng không thể nói là không ảnh hưởng đến bàn đàm phán, nhưng không làm thay đổi cục diện cũng như quan điểm cuộc đàm phán Paris.

Cũng cần nói thêm một điều hiển nhiên, quyết định thành bại ở chiến trường phải là người lính là sự phối hợp, điều phối chỉ huy từ Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu đến Tư lệnh các chiến trường trong việc tiến công lẫn phòng ngự. Nếu nói cố đánh Quảng Trị do nhu cầu đàm phán là hạ thấp vai trò của chỉ huy Bộ Tổng cũng như của những người lính!

Đến đoạn này ông Lợi không cười mà thủng thẳng.

Còn ai đó nói đồng chí Lê Đức Thọ không rõ bằng con đường nào, đã thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn đang tham chiến ở Mặt trận Quảng Trị không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Nói như thế là chưa hiểu thực tế thông tin liên lạc đặc thù cũng như cung cách thông tin thời điểm đó trên mặt trận ngoại giao.

Qua câu chuyện tất nhiên còn nhỏ giọt (có thể đến thời điểm này chưa phải toàn bộ tài liệu về cuộc hòa đàm Ba Lê đều đã được giải mật của người thư ký, tôi tạm hiểu toàn bộ các bức điện từ thông thường đến MẬT cũng như TỐI MẬT liên quan đến cuộc đàm phán, phải được mã hóa rồi mới chuyển từ Hà Nội đi Maxcova qua thiết bị riêng do Liên Xô giúp đỡ.

Rồi Maxcova, những thông tin ấy lại được chuyển tiếp qua kênh liên lạc đặc biệt đến Trụ sở Phái đoàn ta ở Paris.

Điện đi, điện về đều phải được tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt. Quy trình ấy có sự tham gia của cá nhân và các bộ phận có trách nhiệm. Do công việc, ông Lợi đều phải tiếp cận với những thông tin đó với các cấp độ MẬT khác nhau.

Vậy nói ông Lê ĐứcThọ điện trực tiếp cho các sư đoàn(?) đang tham chiến chỉ có thể là thời điểm đó loài người đã phát minh ra điện thoại... di động dành riêng cho ông Lê Đức Thọ (?!)

Thời điểm tôi được ngồi với ông Lưu Văn Lợi là mười năm nữa sẽ là thời điểm 50 năm kỷ niệm cuộc Hòa đàm Ba Lê. Bây giờ chợt thoáng rùng mình bởi cái thở dài nhưng vui vẻ của ông chắc gì mình được chứng kiến? Quy luật nghiệt ngã của tuổi tác có lẽ chả biết đâu mà nói trước.

Còn nhiều, nhiều nữa những câu chuyện mà người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện... Ba Lê này?

Những chuyện Kissinger bí mật thăm Hà Nội ngày 12,13 tháng Giêng năm 1973. Chuyện tại sao Lê Đức Thọ lại không tiếp tục viết hồi ký (mặc dầu đã từng được khởi thảo). Chuyện thư ký Lưu Văn Lợi theo đồng chí Lê Đức Thọ vào chiến trường miền Nam rồi cả chuyện ông được trực tiếp nghe ông Lê Đức Thọ kể lại hoàn cảnh đầu những năm 50 quyết định cử Phạm Xuân Ẩn khi đó 28 tuổi (sau này là tướng tình báo, Anh hùng LLVT) đi học bên Mỹ như thế nào. Và chuyện của ông Lợi trở lại công việc bỏ dở ở Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô 18 năm trước)

Nhưng chúng tôi đã để lỡ. Cơn bạo bệnh năm ngoái đã đột ngột đưa người thư ký của ông cố vấn đi xa mãi!

Anh Lưu Văn Lợi ơi, thế là mọi sự đã nhỡ nhàng!

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
110 năm ngày sinh Lê Đức Thọ ((10/10/1911-10/10/2021): Chuyện ông từ chối giải Nobel và...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO