Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị đối với những bệnh nhân suy thận (thận mạn), đặc biệt đối với những bệnh nhân chưa chạy thận. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ có tác động tích cực tới hiệu quả chạy thận sau này của bệnh nhân.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận trước chạy thận
Nguyên nhân gây nên bệnh thận mạn là do sự bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của thận kéo dài trên 3 tháng tác động tiêu cực đến sức khỏe. Có khoảng 10-13 % dân số mắc bệnh này.
Nguyên tắc dinh dưỡng dành cho những người bệnh thận mạn trước chạy thận như sau:
- Protein (chất đạm): sử dụng khoảng 0,6-0,8g/kg/ngày. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, áp dụng nhu cầu protein trong khẩu phần sẽ có sự khác nhau. Nên ưu tiên các loại đạm có giá trị sinh học cao như cá, trứng, thịt nạc, sữa. Giảm đạm trong khẩu phần ăn giúp làm chậm tiến triển của bệnh đến suy thận mạn giai đoạn cuối;
- Năng lượng: nhu cầu về năng lượng khoảng từ 35-40 kcal/kg/ngày;
- Chất béo: ít hơn 30% tổng năng lượng khẩu phần;
- Phốt pho: mỗi ngày nên bổ sung từ 300-600 mg;
- Canxi: mỗi ngày nên bổ sung từ 900-1200 mg;
- Natri: khoảng từ 1000-2000 mg/ ngày tùy thuộc vào mức độ phù và huyết áp;
- Sắt: khi bệnh nhân thực hiện chế độ ăn chay hoặc chế độ ăn giảm đạm, cần phải bổ sung thêm sắt;
- Kali: bổ sung khoảng từ 2000-3000 mg/ ngày; khi có tăng kali trong máu, phù hay tiểu ít thì hạn chế dưới 1000 mg. Trong bữa ăn, không nên uống quá nhiều nước canh vì có chứa nhiều kali;
- Vitamin: nên bổ sung các vitamin tan trong nước như vitamin B, vitamin C, nếu bệnh nhân có những biểu hiện của loạn dưỡng xương hoặc cường phó giáp thì có thể bổ sung thêm vitamin tan trong chất béo, chẳng hạn như vitamin D3;
- Muối: Nên hạn chế muối trong chế biến các món ăn;
- Nước: Cân bằng lượng nước vào và lượng nước ra;
7 dấu hiệu “cảnh báo” thận của bạn đang gặp vấn đề nguy hiểm, không nên bỏ qua!
Bệnh nhân bị thận mạn trước chạy thận nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm mà bệnh nhân thận mạn trước chạy thận nên dùng gồm có:
- Những thực phẩm chất bột ít đạm như miến, gạo xay trắng, khoai lang, bún, phở.... Tình trạng suy thận mạn thường kèm theo bệnh đái tháo đường nên những bệnh nhân mắc bệnh này nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường thấp hoặc chỉ ở mức trung bình;
- Nên ăn các thực phẩm giàu chất đạm sinh học cao. Mức độ và giai đoạn suy thận sẽ quyết định lượng đạm cần thiết.
- Sử dụng các loại dầu thực vật như dầu mè, đậu nành, oliu...;
- Bệnh nhân thận mạn nhẹ có thể ăn đa dạng các loại rau và trái cây. Đối với bệnh nhân thận mạn kèm theo đái tháo đường nên chọn các loại trái cây có chỉ số đường thấp;
- Nên chọn thực phẩm ít muối;
Bệnh nhân bị thận mạn trước chạy thận không nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm bệnh nhân thận mạn trước chạy thận nên hạn chế:
- Thực phẩm giàu kali như thanh long, bơ, nho khô...., các loại rau lá xanh như rau muống, rau ngót...., các loại đậu;
- Bệnh nhân bị thận mạn trước chạy thận không nên ăn thanh long
- Người mắc thận mạn có kèm theo đái tháo đường nên hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như khoai tây, bánh mì trắng...;
- Hạn chế thực phẩm chứa chất béo có hại, giàu cholesterol, các chất béo bão hòa như bơ, gan, tim,...;
- Những thực phẩm chứa nhiều phốt pho cũng nên hạn chế như lòng đỏ trứng, thịt bò, đậu nành...;
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm như cá khô, bánh mì, khoai tây chiên...vì chúng chứa nhiều muối natri;
- Uống quá nhiều nước có thể khiến cơ thể bị phù nhiều hơn, việc kiểm soát huyết áp cũng trở nên khó khăn hơn nên cũng cần hạn chế uống quá nhiều nước. Bên cạnh đó, những bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh thận mạn sẽ đi tiểu nhiều hơn đặc biệt là vào ban đêm gây nên tình trạng mất ngủ.
10 cách phòng ngừa suy thận không phải ai cũng biết
Dinh dưỡng có vai trò gì với người bệnh thận mạn trước chạy thận?
Sau đây là một số lợi ích mà chế độ dinh dưỡng hợp lý mang tới cho những bệnh nhân bị thận mạn trước chạy thận:
- Bảo tồn chức năng của thận;
- Thời gian vào chạy thận được kéo dài;
- Hạn chế những biến chứng có thể xảy ra của bệnh thận mạn;
- Làm chậm tiến triển của bệnh đến suy thận mạn giai đoạn cuối;
- Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh;
- Tình trạng suy dinh dưỡng được phòng ngừa và điều trị
- Điều chỉnh sự rối loạn chuyển hóa
Trong các phương pháp điều trị được áp dụng đối với người bị bệnh thận mạn, chế độ ăn uống đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc làm giảm đáng kể quá trình chuyển nặng của bệnh suy thận. Vì vậy để góp phần nâng cao hiệu quả chạy thận, bệnh nhân nên xây dựng cho mình chế độ ăn hợp lý.
Để tránh những chuyện đáng tiếc không may xảy ra, chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh sớm nhất, giảm thiểu khả năng mắc bệnh nặng, giảm chi phí điều trị và kéo dài sức bền của cơ thể.
Nguồn: vinmec.com