Trần Quang Vinh, học sinh lớp 12 Lý 1, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam xuất sắc giành huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2021 và huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á (APhO) năm 2021.
Đam mê khám phá
Thích sáng tạo, nghiên cứu, ham học Vật lý nhưng Quang Vinh chia sẻ đam mê của em được nhân lên khi bước chân vào lớp 10 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhất là quãng thời gian em được tham gia đội tuyển Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn Quốc tế (IOAA) Việt Nam năm 2019.
Tham gia đội tuyển, em được học những kiến thức ngang với chương trình đại học về thiên văn ở Mỹ và các nước châu Âu. Qua những bài giảng của các thầy và các giáo sư đang trực tiếp nghiên cứu thiên văn ở Việt Nam, Quang Vinh rất hứng thú với môn học và chọn Vật lý Thiên văn làm lĩnh vực nghiên cứu chính của mình trong tương lai.
“Có câu hỏi em luôn tò mò: Con người chúng ta ở đây để làm gì? Và để trả lời câu hỏi đó thì một câu hỏi quan trọng khác cũng phải được trả lời: Con người chúng ta ở đây như thế nào? Theo em thì câu hỏi này chỉ có thể được trả lời bằng cách nghiên cứu sâu hơn từ Vật lý và Thiên văn”, Vinh chia sẻ.
Hành trình chinh phục đỉnh cao
Giai đoạn đầu học THPT Quang Vinh cố gắng hoàn thiện kiến thức Vật lý để tham gia một số kỳ thi cấp thành phố và quốc gia nhằm thử sức. Nhưng khi giành được tấm huy chương Bạc kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn quốc tế (IOAA) năm 2019, cùng giải nhất quốc gia môn Vật lý năm học 2019-2020 thì em càng muốn tìm hiểu sâu hơn nữa hai bộ môn này.
“Thời gian sau kỳ thi quốc gia này, do dịch COVID-19 bắt đầu nên em nhiều thời gian rảnh rỗi. Với sự trợ giúp từ các thầy, em học được nhiều kiến thức sâu hơn về Toán học và Vật lý. Hiểu hơn về Vật lý, em càng tự tin hơn vào khả năng của mình và quyết định sẽ thử sức trong các vòng thi quốc tế”, Quang Vinh cho biết.
Trong năm lớp 12, Quang Vinh giành thêm một giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật Lý năm học 2020-2021 cùng với 3 huy chương Vàng các kỳ thi Vật lý khu vực và quốc tế (Kỳ thi Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) năm 2020; kỳ thi Olympic Vật lý châu Á (APhO) năm 2021 và kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2021.
Đạt được những tấm huy chương vàng từ các kỳ thi danh giá này là vinh dự lớn cũng như khẳng định khả năng của cậu học sinh trường Amsterdam. Nhưng thứ giá trị nhất mà Quang Vinh nhận được chính là nhiều góc nhìn khác nhau về Vật lý từ những khu vực trên toàn thế giới.
“Giành tấm huy chương Vàng IPhO là vinh dự lớn của em. Mọi thứ trong ba năm cấp ba của em tập trung vào khoảnh khắc này. Em không ngừng cố gắng học tập, cố gắng tham gia rất nhiều kỳ thi, tự học những kiến thức ngoài chương trình, nhiều lúc bỏ ăn và ngủ để tham gia IPhO”, Quang Vinh tự hào chia sẻ.
Để đạt được thành tích ấy, không chỉ là những năm tháng miệt mài “ăn, ngủ” cùng Vật lý, Trần Quang Vinh cùng các bạn trong đội tuyển còn phải rời xa gia đình và bạn bè suốt 3 tháng. Quang Vinh cũng như các bạn trẻ trong đội tuyển phải hy sinh nhiều thứ để tập trung cho kỳ thi.
Trước khi thi, Quang Vinh luôn tin sẽ giành huy chương Vàng và phải giành được huy chương Vàng để xứng đáng với cố gắng của bản thân, sự hy sinh của gia đình, kỳ vọng của thầy cô, bạn bè, nhà trường. Quang Vinh đã chứng minh được bản thân và kết thúc hành trình trọn vẹn bằng những tấm huy chương Vàng.
Tò mò về cách “thế giới hoạt động”
Bố của Trần Quang Vinh là ông Trần Văn Sơn cho biết, con trai là chàng trai mạnh mẽ, có phương pháp luận tư duy mạch lạc và luôn suy nghĩ hướng thiện.
“Ngoài Vật lý và Thiên văn thì Quang Vinh cũng thích đọc về Lịch sử, Văn học và Triết học. Từ nhỏ, Quang Vinh tò mò về sự phát triển của con người, tò mò về bản thân và về những người xung quanh, cũng như cách thế giới hoạt động”, anh Trần Văn Sơn cho biết.
Quang Vinh không dành quá nhiều thời gian cho việc học, nhưng em biết cách chia đều thời gian giữa việc học và giải trí. Đôi lúc, Quang Vinh dường như không có sự phân biệt giữa giải trí và học vì việc tìm tòi và nghiên cứu Vật lý, Thiên văn cũng là cách Quang Vinh giải trí.
Quang Vinh dành nhiều thời gian để xem phim, bơi lội, tập võ thuật, chơi thể thao, rèn luyện cơ thể. Anh Sơn cho biết thêm: “Quang Vinh có thể bơi được 3-5km. Khả năng bơi lội và võ thuật của con tương đối khá. Kể cả trong lúc học ôn thi IPhO thì con cũng cố dành ra tầm hơn một tiếng mỗi ngày để tập những bài tập cơ bản như kéo xà, chống đẩy”.
Do đạt được giải nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế nên Trần Quang Vinh tự tin đi trên con đường học tập nghiên cứu Vật lý Thiên văn học. Tương lai gần, em định tham gia nghiên cứu về Vật lý Thiên văn cùng với thầy của mình và giúp các em học sinh trung học ở Việt Nam tiếp cận với Thiên văn nhiều hơn.
“Sau đó, em mong muốn được tham gia học và nghiên cứu ở một đại học hàng đầu về Vật lý và Thiên văn để. Em hy vọng sẽ trở thành một nhà nghiên cứu Vật lý Thiên văn và góp phần phát triển Thiên văn học ở Việt Nam mạnh hơn”, Quang Vinh chia sẻ về dự định trong tương lai.
Mỹ UyênTrần Quang Vinh từng đạt huy chương Bạc Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn quốc tế (IOAA) năm 2019; giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm 2019-2020 và 2020-2021; huy chương Vàng Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) năm 2020; huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á (APhO) năm 2021; huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2021. Ngoài ra, em còn là sáng lập viên và là Chủ tịch nhiệm kỳ đầu Câu lạc bộ Thiên văn học của trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.