100 ngày xung đột Nga-Ukraine: Đủ hao tổn, đủ nghiệt ngã, sẽ có 'khoảng dừng' nhưng chưa thể kết thúc

Phương Hà| 03/06/2022 19:17

Cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang ngày thứ 100 nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thế trận giằng co trong vòng xoáy hỏa lực, cuộc đấu trí giữa các bên ngày càng gay cấn.

Nhìn lại 100 ngày xung đột Nga-Ukraine
Xe quân sự Nga tại vùng Donbass, Ukraine. (Nguồn: TASS)

Mục tiêu chưa dừng lại

Ngày 3/6 đánh dấu cuộc xung đột Nga-Ukraine bước sang ngày thứ 100. Chưa đầy 24 giờ trước đó, Kiev tuyên bố Moscow hiện đã chiếm đóng 20% lãnh thổ nước này, trong đó có Crimea, một phần vùng Donbass mà Nga từng sáp nhập năm 2014.

Sau khi tạm chuyển hướng khỏi khu vực thủ đô Kiev, lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tập trung tiến đánh vùng phía Đông Ukraine, làm dấy lên những cảnh báo về nguy cơ chiến tranh kéo dài.

Sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo rằng các đồng minh của Ukraine cần phải đối mặt với một cuộc xung đột nghiệt ngã.

Nhấn mạnh NATO không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, ông nói: “Chúng ta cần chuẩn bị cho chặng đường dài”.

Dù chiến dịch quân sự diễn biến chậm hơn mong đợi của Moscow, song các lực lượng Nga hiện đã giành quyền kiểm soát khu vực rộng khoảng 43.000km2. Giao tranh diễn ra khốc liệt tại trung tâm công nghiệp Severodonetsk, vùng Luhansk ở Donbass. Thành phố chiến lược này là một mục tiêu then chốt của Moscow.

Valeriy Zaluzhnyi, Chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine kêu gọi NATO viện trợ vũ khí và đạn dược tối tân hơn, nhấn mạnh Moscow "có lợi thế rõ ràng về mặt hỏa lực”, và những viện trợ khí tài tân tiến hơn “sẽ giúp cứu lấy mạng sống người dân của chúng tôi”.

Liên minh các quốc gia phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đã đổ vũ khí và viện trợ quân sự ồ ạt cho Ukraine. Đại sứ mới của Mỹ tại Ukraine Bridget Brink ngày 2/6 cam kết Mỹ sẽ “giúp Ukraine chống đỡ chiến dịch quân sự của Nga” khi trình quốc thư lên Tổng thống Zelensky.

Đầu tuần này, Mỹ tuyên bố sẽ chuyển thêm cho Ukraine các hệ thống tên lửa đa nòng HIMAR tân tiến.

Tổ hợp cơ động này có thể cùng lúc phóng nhiều tên lửa tới mục tiêu cách đó tới 80km. Đây là một phần quan trọng trong gói quân sự trị giá 700 triệu USD gồm các loại radar giám sát đường không, các tên lửa chống tăng tầm ngắn Javelin, đạn dược, máy bay trực thăng, xe cơ giới và một số phụ tùng.

Dồn dập đòn trừng phạt

Người phát ngôn Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Washington “đổ thêm dầu vào lửa” dù giới chức Mỹ khẳng định Ukraine đã cam kết không dùng các vũ khí này tấn công lãnh thổ Nga.

Ngoài việc gửi thêm vũ khí cho Ukraine, các đồng minh phương Tây còn tìm cách chặn đứng huyết mạch tài chính của Nga để buộc Tổng thống Vladimir Putin phải thay đổi lập trường.

Bổ sung vào danh sách dài các lệnh cấm vận, Mỹ mới đây tiếp tục trừng phạt quan chức phụ trách tài chính của Nga. Ở bên kia Đại Tây Dương, các nước EU đã nhất trí về các đòn trừng phạt mới nhằm dừng nhập khẩu tới 90% nguồn dầu Nga vào cuối năm nay.

Nga cảnh báo người tiêu dùng châu Âu sẽ là đối tượng đầu tiên chịu thiệt hại từ lệnh cấm dầu mỏ một phần kể trên.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thị trường dầu mỏ vốn đang rất nóng có thể hạ nhiệt phần nào khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), trong đó có Saudi Arabia, đã nhất trí bổ sung thêm 648.000 thùng dầu mỗi ngày vào thị trường trong tháng 7 tới, cao hơn mức tăng dự kiến hàng tháng trước đó là 432.000 thùng/ngày.

Cuộc chiến đã tàn phán nền kinh tế Ukraine, buộc ngân hàng trung ương phải tăng hơn gấp đôi lãi suất để hỗ trợ đồng Hryvnia. Cuộc chiến cũng kéo theo nhiều hệ lụy, và rủi ro có thể kích động một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine cho biết nước này, một trong những nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới, có thể sẽ chỉ xuất khẩu được một nửa sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Xung đột đã dẫn đến giá cả các nhu yếu phẩm từ ngũ cốc, dầu hướng dương đến ngô leo thang trong khi các hộ nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Người đứng đầu Liên minh châu Phi, Tổng thống Senegal Macky Sall, tới Nga trong ngày 3/6 để hội đàm với Tổng thống Putin.

Văn phòng của Tổng thống Sall cho biết chuyên đi nhằm “giải phóng kho dự trữ ngũ cốc và phân bón, nơi tắc nghẽn đặc biệt ảnh hưởng đến các nước châu Phi”, đồng thời tìm cách hạ nhiệt cuộc xung đột tại Ukraine.

Kéo dài dai dẳng và tốn sức

Mathieu Boulegue, chuyên gia cấp cao về Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh), nhận định Nga đang tận dụng tối đa lợi thế tạm thời để kiểm soát lãnh thổ Ukraine nhiều nhất có thể trước khi các nguồn lực cạn kiệt.

Ông Boulegue nhận định: "Những gì chúng ta sẽ thấy trong vài tuần tới là sự thay đổi giữa chiến tranh di chuyển, tiến quân, sang chiến tranh vị trí". Các chuyên gia cho rằng, Nga khó kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Ukraine mà chỉ duy trì sự hiện diện tại các vùng lãnh thổ đã kiểm soát bao gồm bán đảo Crimea.

Về phần Ukraine, một quan chức cấp cao của nước này tin rằng, quân đội của họ có thể lật ngược tình thế trong khoảng từ nay đến tháng 8 khi được tiếp nhận nhiều hơn nữa các hệ thống vũ khí mạnh từ phương Tây.

Khi đó, quân đội Ukraine hoàn toàn có thể tiến vào Crimea. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Kiev khó giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Một kịch bản khả thi hơn là Ukraine tìm cách giữ vững vị trí trên chiến trường, chặn đà tiến công của Nga nhằm bảo vệ những phần lãnh thổ vẫn đang kiểm soát.

Thế giằng co này là lý do khiến nhiều người tin rằng xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm nữa. "Cuộc chiến Donbass còn lâu mới kết thúc", nhà sử học quân sự Pháp Michel Goya bình luận. Theo ông, mặt trận miền Đông đang trở thành một mặt trận mang tính quyết định và sẽ tiếp tục bào mòn năng lực chiến đấu của các bên trong những tuần tới.

Đồng quan điểm này, ông Christophe Gomart, cựu tướng của lực lượng đặc nhiệm Pháp, nhận định: "Trong tương lai gần, tôi cho rằng họ sẽ phải có một khoảng ngừng, bởi hai quân đội đã đối đầu nhau hơn 3 tháng và đều đã kiệt sức. Cuộc chiến này đang trở thành cuộc chiến tiêu hao".

Trong trường hợp không bên nào giành chiến thắng quyết định và cũng không có nhượng bộ nào trên bàn đàm phán, xung đột có thể kéo dài và lan rộng cả khu vực.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/100-ngay-xung-dot-nga-ukraine-du-hao-ton-du-nghiet-nga-se-co-khoang-dung-nhung-chua-the-ket-thuc-185947.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/100-ngay-xung-dot-nga-ukraine-du-hao-ton-du-nghiet-nga-se-co-khoang-dung-nhung-chua-the-ket-thuc-185947.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
100 ngày xung đột Nga-Ukraine: Đủ hao tổn, đủ nghiệt ngã, sẽ có 'khoảng dừng' nhưng chưa thể kết thúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO