Căn cứ vào nhiều tài liệu được giải mật, nhiều sự thật ít được biết đến trong chiến dịch quân sự giải phóng Berlin của Hồng quân Liên Xô đã được công bố. Dưới đây là 10 điểm mốc đáng chú ý, nhưng ít được biết tới trong chiến dịch giải phóng Berlin:
1. Theo các thông tin công khai, chiến dịch giải phóng Berlin bắt đầu từ trung tuần tháng 4 tới đầu tháng 5-1945. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự này thực tế đã có thể diễn ra sớm hơn vào đầu tháng 2-1945. Sau chiến dịch tấn công Vistula–Oder, Hồng quân Liên Xô đạt được bước tiến đáng kể trong công cuộc đánh bại phát xít Đức. Nhiều mũi tấn công của Hồng quân chỉ còn cách Berlin khoảng 60-70km. Phương diện quân Belorussia số 1 do Nguyên soái Georgy Zhukov chỉ huy thậm chí đã chuẩn bị phương án tấn công đột kích vào đầu não của đệ tam phát xít, nhưng kế hoạch này đã phải tạm hoãn do các đợt tấn công tuyệt vọng của phát xít Đức nhằm vào các phương diện quân Ukraine số 1 và Belorussia số 2, cũng như việc quân đội phát xít tập trung lực lượng từ Courland về Pomerania để tăng cường phòng thủ Berlin. Để giữ vững phòng tuyến, phương diện quân Belorussia số 1 đã phải hoãn kết hoạch đột kích Berlin sang mùa Xuân 1945 và chia quân hỗ trợ các phương diện quân khác trên toàn mặt trận.
Binh sĩ Liên Xô (đi trước) áp giải toán tù binh Đức qua vị trí chiến đấu của xe tăng hạng nặng IS-2 số hiệu 3410 tại Berlin. |
2. Trước khi mở chiến dịch tấn công Berlin một câu hỏi đặt ra là phương diện quân nào sẽ là mũi tiến công chủ lực. Có 2 phương diện quân được chọn là Belorussia số 1 của Nguyên soái Georgy Zhukov và Ukraine số 1 của Nguyên soái Ivan Konev. Dù không có ý kiến chỉ đạo trực tiếp, nhưng Tổng tư lệnh tối cao I. Stalin đã ngầm cho phép 2 phương diện quân được thi đua để giành quyền trở thành mũi tiến công chủ lực. Kết quả cuối cùng là phương diện quân Belorussia số 1 được lựa chọn, còn lực lượng của Nguyên soái Ivan Konev đóng vai trò là lực lượng hỗ trợ.
3. Dù Hồng quân đóng vai trò chính trong chiến dịch Berlin, nhưng tham gia cuộc chiến then chốt này còn có sự góp mặt của Tập đoàn quân Ba Lan số 1 với 200.000 quân, chiếm 10% tổng quân số tham chiến. Với vai trò là đồng minh của Liên Xô, quân đội Chính phủ lâm thời Cộng hòa Ba Lan được chiến đấu với quân phục và quốc kỳ chính thức. Toàn bộ trang bị, vũ khí của Tập đoàn quân Ba Lan số 1 được chia sẻ từ Hồng quân. Đóng góp lớn nhất của binh sĩ Ba Lan trong chiến dịch Berlin là trận đánh gần công viên Tiergarten, Berlin. Sư đoàn bộ binh Tadeusz Kościuszko số 1 của Ba Lan đã hỗ trợ đắc lực cho Quân đoàn xe tăng cận vệ số 2 của Hồng quân, khi họ tiến quá nhanh và không có lực lượng bộ binh hỗ trợ.
Pháo tự hành chống tăng Isu-122mm được coi là ác mộng của phát xít Đức khi có thể phá hủy mọi phương tiện chiến đấu hay lô cốt với chỉ 1 phát bắn. |
4. Khi chiến dịch Berlin bắt đầu, dù phát xít Đức đã mất hết đồng minh, nhưng vẫn có rất nhiều lực lượng trung thành với phe Trục chiến đấu chống lại Hồng quân. Trong đó, đáng kể nhất là các tiểu đoàn quân tình nguyện thuộc Sư đoàn cận vệ Đảng Quốc xã (SS) Latvia số 1; lực lượng SS Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Sư đoàn tình nguyện SS xung kích Nordland; các đơn vị thuộc Sư đoàn SS Pháp số 33 và Charlemagne với tổng quân số hàng nghìn người. Cùng với đó, chiến đấu tại Berlin còn có các đơn vị lính Tây Ban Nha thuộc Sư đoàn Xanh, đơn vị từng tham chiến ở mặt trận phía Đông năm 1943. Các đơn vị này đều tan rã sau khi Berlin thất thủ.
5. Tại Berlin, quân đội phát xít rất sợ lựu pháo B4 cỡ 203mm của Hồng quân và đặt biệt danh cho các khẩu pháo này là “Búa tạ của Stalin”. Sức công phá của pháo B4 rất khủng khiếp. Nó có thể dễ dàng đập tan các ụ phòng thủ trong phòng tuyến Mannerheim và san bằng nhiều dãy phố trong khoảng 1 giờ công kích. Tuy nhiên, phía phát xít cũng có những tuyến phòng thủ không thể bị xuyên phá cho tới tận khi Berlin đầu hàng. Với tên gọi “Tháp pháo phòng không ở sở thú” nằm gần công viên chính của Berlin, dù bị pháo kích nặng nề, nhưng quân phát xít vẫn giữ vững trận tuyến này cho tới khi lãnh đạo phát xít Đức tuyên bố đầu hàng.
6. Tòa nhà Quốc hội phát xít Đức – Reichstag không bị chiếm giữ ngay từ đợt tấn công đầu tiên. Trong đợt tiến công ngày 29-4, các mũi tấn công của Hồng quân đã thành công tiến vào tòa nhà, nhưng bị phản công và phải rút lui. Tới tận chiều tối 30-4, binh sĩ Xô viết mới làm chủ được tòa nhà với lá cờ Hồng quân bay trên nóc nhà Reichstag. Hơn 1.500 binh lính và dân thường Đức quốc xã đã cố gắng trốn khỏi tầng hầm của tòa nhà, nhưng đều bị bắt giữ.
Hồng quân cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội phát xít Đức – Reichstag. |
7. Mỹ cũng có đóng góp trong chiến dịch Berlin qua sự hiện diện của các xe tăng hạng trung M4A2 Sherman. Chúng được trang bị cho Hồng quân thông qua Chương trình Lend-Lease. Quân đoàn xe tăng cận vệ số 2 của Hồng quân bị thiệt hại khoảng 209 xe tăng Sherman trong trận chiến giải phóng Berlin.
8. Dù Berlin nằm khá xa Biển Baltic, nhưng Hải quân Liên Xô cũng góp phần vào chiến thắng cuối cùng này. Từ ngày 23 tới 25-4-1945, bất chấp hỏa lực của quân phát xít, các thuyền vận tải của Hải quân Liên Xô cơ động 16.000 quân và hơn 100 khẩu pháo vượt qua sông Spree tiến vào chiến trường.
9. Berlin cũng trở thành dấu mốc lịch sử trong lịch sử nước Nga phong kiến và Liên Xô, khi nó là thủ đô một quốc gia phương Tây 3 lần bị quân đội Liên Xô, Nga chiếm giữ. Lần đầu tiên xảy ra vào năm 1760, trong cuộc chiến tranh “Sáu năm”. Lần thứ 2 vào năm 1813, khi quân đội Sa hoàng đánh bại liên minh do Hoàng đế Pháp Napoleon đứng đầu.
Quân nhân Liên Xô căng cờ trước tòa nhà Quốc hội Đức trong buổi lễ mừng thắng lợi của Chiến dịch Berlin. |
10. Một điểm đặc biệt là khi chiến dịch giải phóng Berlin diễn ra, một phần lãnh thổ của Liên Xô vẫn đang bị lực lượng phát xít chiếm giữ. Ở thời điểm đó, khoảng 250.000 quân phát xít Đức bị bao vây trong “Cái túi Courtland” ở phía Tây Latvia. Binh sĩ Hồng quân gọi vui “Cái túi Courtland” là trại tù binh chiến tranh. Toàn bộ lực lượng phát xít tại đây buông súng đầu hàng vào ngày 10-5. Tuy nhiên, hàng ngàn tay súng địa phương hợp tác với phát xít Đức quyết định trốn vào rừng để tiến hành chiến tranh du kích chống lại quân và dân Xô viết nhiều năm sau đó.
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng Phát xít, Báo Quân đội nhân dân Điện tử sẽ biên dịch và đăng tải các bài viết liên quan tới chiến thắng lịch sử này của Hồng quân Liên Xô, cũng như nhân loại tiến bộ trên thế giới. Rất mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của bạn đọc… |
TUẤN SƠN (tổng hợp theo Rbth, ER, RIAN)