10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ

02/07/2023 10:02

Gia đình ông Quốc có 3 thế hệ bám trụ ở căn nhà chỉ rộng 25m2 trên phố cổ, nhưng ông cho rằng "sống ở đâu thì quen đấy" và khó để rời đi khi chưa có chính sách tái định cư thỏa đáng.

25 năm kể từ khi Hà Nội lên ý tưởng về đề án giãn dân nội đô và 10 năm từ khi đề án được phê duyệt để đi vào thực tiễn, mật độ dân số tại khu vực phố cổ vẫn ở ngưỡng quá cao so với nhiều đô thị trên thế giới (823 người/km2). 

Gần đây nhất, với mục tiêu hạn chế sự tăng dân số cơ học ở nội thành thông qua việc thi hành chính sách, Hà Nội dự kiến quy định diện tích tối thiểu để người dân đủ điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành là 15m2 sàn/người và ngoại thành là 8m2 sàn/người. 

Dù vậy, bài học nhãn tiền là đề án giãn dân phố cổ thất bại sau 10 năm thực hiện cho thấy Hà Nội cần nhiều hơn những chính sách thực tiễn thay vì chỉ đơn giản đưa ra những mệnh lệnh hành chính "đánh đố người dân". Thành phố đứng trước bài toán nan giải về việc làm thế nào để "hút" dân ra khỏi nội thành. 

10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ - 1

Mùi ẩm thấp bốc lên trong con ngõ 16 Ngõ Gạch (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Không bóng đèn, tia sáng duy nhất lọt vào con ngõ này là ánh sáng mặt trời được hắt qua kẽ hở nhỏ ở trên đầu. Sâu trong con ngõ nhỏ dài 100m là nơi sinh sống của 5 hộ gia đình, trong đó có gia đình ông Vũ Chí Quốc (68 tuổi).

Gia đình ông Quốc gồm 10 thành viên, đang sinh sống trong một căn hộ chỉ rộng khoảng 25m2, bao gồm cả phần cơi nới bếp và công trình phụ. Nếu tính theo diện tích mặt sàn, mỗi người trong gia đình ông chỉ sở hữu 2,5 m2 sàn/người.

Đã từ lâu, diện tích mặt sàn không còn là thước đo cho sự sung túc của những người dân sống ở phố cổ như ông Quốc nữa. Căn nhà chật chội nhưng đầy đủ tiện nghi là thành quả vợ chồng ông vun vén suốt mấy chục năm qua để có được không gian sống tại phố cổ dành cho hai người con trai.

10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ - 3

Căn nhà đang ở là nơi bố vợ ông Quốc để lại cho vợ chồng ông sinh sống đã có từ trước năm 1984. Khi đó, xung quanh khu vực này chủ yếu là nơi ở, sàn nhảy của người Pháp. Căn nhà ông đang ở cũng nằm trong một khu chung cư kiểu cũ, có hầm chứa rượu từ thời xưa nhưng lối vào đã quá cũ kỹ, sập xệ, bốc lên mùi ẩm mốc.

Trước kia, vợ chồng ông cùng hai người con trai sống trong căn nhà này, sau đó cả hai lần lượt lấy vợ và có con. Chưa ai có điều kiện để chuyển ra ngoài ở nên cả nhà phải cùng tìm cách "mở rộng" căn nhà theo chiều dọc.

"Gần như năm nào gia đình tôi cũng phải sửa nhà một lần, chỉ có mấy năm gần đây khi đã cảm thấy ổn rồi thì mới thôi. 3 thế hệ cùng sống trong một nhà, từ đời tôi rồi đến con tôi và đến cháu tôi", ông Quốc nói.

10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ - 5

Ông cho biết sau nhiều lần tu sửa, nhà ông hiện có 3 tầng và ứng với mỗi tầng là nơi sinh sống của một gia đình nhỏ. Trong đó, tầng một là nơi ở của vợ chồng ông và hai tầng trên là nơi ở của gia đình hai người con trai, mỗi gia đình gồm 4 người. Như vậy, nếu tính theo hộ khẩu, gia đình ông có tổng cộng 10 người.

Gọi là nhà 3 tầng nhưng thực chất hai tầng trên thiết kế kiểu gác xép. Ông Quốc cho biết căn nhà vẫn chỉ mang tính tạm bợ, không kiên cố và gia đình vẫn phải chịu những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Khu vực bếp, công trình phụ và không gian phòng khách ở tầng 1 sẽ được 10 người trong nhà sử dụng chung. Ở hai tầng trên, vợ chồng ông Quốc cũng sắm sửa cho các con tiện nghi đầy đủ bao gồm tivi, tủ lạnh, giường tủ, bàn ghế giống như một căn hộ.

Ông cho biết nhà chật người đông nhưng ở mãi cũng thành quen. Điều bất tiện nhất là đồ đạc đều phải mua loại nhỏ, nếu mua các đồ gia dụng cồng kềnh sẽ khó để vận chuyển vào nhà vì lối lên nhà quá chật hẹp. Khi có đồ đạc trong nhà bị hỏng phải mang đi sửa, việc vận chuyển ra khỏi con ngõ chật chội cũng là cả một vấn đề.

"Các con các cháu chưa có điều kiện để ra ngoài tự lập nên thôi cả nhà cùng cố gắng để vun vén. Giờ chắc chỉ mong các con có điều kiện mua nhà ở xã hội giá rẻ thì may ra có thể chuyển ra ngoài, chứ nếu bảo để mua chung cư thì không đứa nào đủ điều kiện", ông Quốc nói.

10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ - 7

Gia đình ông đã thuộc hộ khá giả trong con ngõ này khi có công trình phụ và bếp ăn khép kín trong nhà. 4 hộ còn lại trong ngõ phải sử dụng chung một không gian nhà vệ sinh ở tầng dưới đã xuống cấp trầm trọng. Một số nhà phải mang bếp ra hành lang đun nấu vì nhà cửa quá chật chội, chỉ đủ kê một chiếc giường nằm ngủ.

Phần công trình phụ dùng chung ở tầng một gần như bị ô nhiễm nặng nề. Trước đây, có người dân nuôi chó mèo trong các cũi để ở ngay lối vào nhà vệ sinh chung, gây ra một thứ mùi kinh khủng. Sau đó do không gian nuôi nhốt quá chật chội, ẩm thấp nên các con vật sinh sống ở đây đều bị ghẻ lở rồi chết.

Hệ thống thoát nước kém cũng khiến con ngõ thường xuyên ngập lụt, bốc mùi sau mỗi trận mưa lớn, rác thải tràn vào không kịp thoát ra.

Cách đó một con phố, căn nhà của bà Nguyễn Thị Hoa nằm cuối con ngõ 66 Hàng Chiếu cũng trong tình cảnh chật chội, phải tận dụng từng mét vuông đất để làm phòng ngủ. Gia đình bà Hoa gồm 5 người, nhưng không gian sinh hoạt chính chỉ rộng chừng 10m2.

Ngôi nhà chỉ đủ kê một bộ bàn ghế, một chiếc giường và một gian thờ là đã chật cứng. Sau khi con trai lấy vợ, gia đình bà chắt chiu để cơi thêm một phòng ngủ trên gác xép. Không gian chật chội nên bà tận dụng khoảng giếng trời bên ngoài làm nơi đun nấu, tắm rửa.

Hồi đầu khi mới về làm dâu, bà không chịu nổi cảnh mưa xuống thì lụt lội, con ngõ bé xíu lại tối tăm ẩm thấp, chỗ để xe cũng không có. Nhưng lâu dần, bà quen với không khí ở đây khi "ra đến đầu ngõ là phố xá tấp nập, muốn mua gì cũng có".

"Con dâu tôi cũng vậy, nó bảo ở nhà bé một chút cũng được nhưng tiện một cái là thích ăn uống gì ra đầu ngõ cũng sẽ có ngay. Phố cổ nên cái gì cũng có, không thiếu thứ gì. Thành ra cả nhà tôi đều thấy thoải mái, ở chật chội nhưng các tiện ích khác thì đều được đáp ứng", bà Hoa nói.

10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ - 9

Cùng sống trong một con ngõ chật hẹp và tối tăm như bà Hoa, nhưng gia đình bà Phầm có một không gian thoải mái hơn với 4 người sinh sống trong một căn nhà rộng 25m2. Mật độ dân cư trong con ngõ nơi bà Phầm sinh sống rất đông đúc với hàng chục ngôi nhà chen chúc nhau. Con ngõ hẹp chỉ vừa một người đi vào, tối um không có lấy một nguồn sáng.

Khoảng giếng trời ở cuối ngõ gần như là "ánh sáng cuối đường hầm" giúp "phơi" ra tất cả phần tường gạch cũ nát, khung sắt xập xệ ở khu dân cư này.

Bà Phầm làm nghề bán bánh gối ở chợ Đồng Xuân, trở thành "dân phố cổ" kể từ khi bà lấy chồng, cũng đã gần 40 năm. Căn ngõ bà đang ở cứ mưa xuống là nước sẽ ngập ngang bắp chân vì hệ thống thoát nước kém. 10 hộ dân dùng chung khu vệ sinh cũng đã xuống cấp, bốc mùi.

10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ - 11

Nhưng cũng từ con ngõ này, vợ chồng bà Phầm nuôi gia đình bằng nghề bán bánh gối. Không cần vốn liếng gì nhiều, bà làm bánh suốt mấy chục năm qua và cứ đều đặn đến chiều lại gánh hàng mang đi bán.

"Không ở đâu dễ buôn bán như ở phố cổ", bà Phầm nói và cho biết phần lớn người dân bám trụ lại trong con ngõ bà đang ở là vì miếng cơm manh áo, còn những người có điều kiện đều đã đi hết, chỉ giữ lại nhà ở phố cổ để cho người dân nơi khác đến thuê lại.

Vì lý lẽ như bà Phầm nói mà hơn 20 năm nay, đề án giãn dân phố cổ đi vào bế tắc và gần như thất bại. Người cũ đi lại có người mới đến. Kinh tế vỉa hè ăn sâu vào từng ngõ ngách của những người dân sống ở khu vực này, khi một gánh hàng rong cũng có thể nuôi sống cả một gia đình nhỏ. Diện tích nơi ở không còn là tiêu chí quan trọng thiết lập nên cuộc sống ở phố cổ nữa.

10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ - 13

Ông Quốc, bà Hoa và bà Phầm chỉ là 3 trong số hàng chục nghìn người dân đang sinh sống ở phố cổ Hà Nội. Mục đích ở lại là khác nhau nhưng điểm chung của cả 3 người là quyết định "không đi đâu hết".

Nhắc về đề án giãn dân phố cổ, ông Quốc lắc đầu nói "nếu mà buộc phải đi thì cũng khó cho chúng tôi". Vợ chồng ông Quốc đều là cán bộ nhà nước đã về hưu, không buôn bán kinh doanh, không phụ thuộc vào "vỉa hè phố cổ" nhưng ông dùng lý lẽ sống đâu quen đấy để trả lời cho câu hỏi vì sao không muốn rời đi của mình.

Ông cũng cho biết sau khi tham khảo về khu nhà tái định cư ở Long Biên, nhiều người ở phố cổ không đi nữa vì vừa xa trung tâm, hạ tầng lại không đảm bảo. Thay vì chờ vào nhà ở diện tái định cư, vợ chồng ông lại kỳ vọng nhiều hơn về chính sách cho mua nhà ở xã hội giá rẻ.

Lo ngại của ông Quốc trở thành sự thật khi sau hơn 10 năm bị bỏ hoang, khu nhà ở tái định cư ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên) hiện xuống cấp rõ rệt. Nhiều mảng sơn ở bên ngoài đã bong tróc, cỏ mọc um tùm khắp các lối đi.

Xung quanh khu vực tái định cư, thành phần cư dân còn thưa thớt, khó để người dân có thể buôn bán, kinh doanh. Đây cũng là điểm quan trọng nhất mà đề án giãn dân chưa thể đáp ứng, là giải bài toán thu nhập cho người dân sau khi tái định cư.

"4 người ở 25m2 nhưng ra đến đầu ngõ là kiếm được tiền, còn hơn là qua nhà mới rộng mấy chục m2 mà không biết bám vào đâu để kiếm sống", bà Phầm thở dài.

Theo UBND Hà Nội, chủ trương di dân phố cổ đã được lên ý tưởng từ năm 1998 với mục tiêu giảm mật độ dân cư lên khu vực này Nhưng phải đến năm 2013, đề án mới chính thức được phê duyệt. UBND quận Hoàn Kiếm là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện đề án này.

Mục tiêu của đề án là giảm mật độ dân số từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Để đạt được, toàn bộ khu vực phố cổ sẽ phải di dời nơi sống của 6.500 hộ dân tương đương trên 27.000 người.

Theo đó, hai nhóm đối tượng nằm trong diện phải di dời. Một là người dân sống ở các khu di tích, đình, đền, trường học, đất công cộng và hai là người dân sống trong những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với quyết định trên, Hà Nội cũng phê duyệt cho Hoàn Kiếm triển khai khu tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Trải qua 10 năm kể từ được phê duyệt, đề án giãn dân phố cổ gần như dậm chân tại chỗ khi không nhận được sự ủng hộ của người dân. Hàng chục nghìn người vẫn bám trụ lại trong những ngôi nhà chật chội, ẩm thấp.

Kết quả điều tra dân số năm 2020 cho thấy hơn 66.000 người vẫn đang sinh sống ở phố cổ Hà Nội với mật độ 823 người/ha. Như vậy, trải qua 10 năm thực hiện, mật độ dân số tại khu vực này không thay đổi, tạo ra một bài toán khó cho Hà Nội trong việc tái thiết, chỉnh trang đô thị.

10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ - 15

Nội dung: Hà Mỹ - Nguyễn Hải

Thiết kế: Tuấn Huy

Nội dung: Nguyễn Hải, Hà Mỹ

Thiết kế: Thiết kế: Tuấn Huy

Bài liên quan
  • Thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới
    Gần 1/3 tỷ phú trên thế giới tập trung ở 16 thành phố, trong đó New York có nhiều tỷ phú nhất. Bốn đại diện châu Á gồm Singapore, Hong Kong, Bắc Kinh và Mumbai cũng lọt top 10.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
10 năm sau đề án giãn dân, nhiều gia đình 3 thế hệ vẫn bám trụ phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO