1. Thể hiện sự lạc quan và yêu đời
Rất khó để giữ được sự lạc quan mọi lúc, đặc biệt là trong thời điểm công việc áp lực. Có những lúc sự mệt mỏi lấn át tất cả, nhưng tốt hơn hết là chúng ta không nên truyền năng lượng tiêu cực cho con. Trẻ cần nhìn thấy một người bố hoặc người mẹ luôn cố gắng lạc quan ngay cả khi có một ngày thật tồi tệ.
2. Điều chỉnh giọng điệu khi nói chuyện
Đôi khi người lớn thường to tiếng hoặc sẵng giọng với trẻ, nhất là lúc đang bận việc. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của con. Tốt hơn hết bạn hãy học cách bình tĩnh và điều chỉnh giọng điệu nhẹ nhàng hơn, đặc biệt là tránh dùng lời lẽ xúc phạm hoặc coi thường trẻ.
3. Xây dựng lối sống lành mạnh
Hãy tự hỏi con bạn có thường xuyên thấy cha mẹ chúng ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và chăm sóc bản thân chu đáo hay không. Đó là những thói quen tốt cho cuộc sống mà trẻ cần học hỏi. Nếu bạn thường xuyên ăn đồ chiên rán, bỏ bữa hoặc lười uống nước, nhiều khả năng trẻ cũng chịu ảnh hưởng bởi các thói quen xấu đó.
4. Tham gia vào cuộc sống của con
Dù con đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ hoành tráng hay chỉ là một sự kiện nho nhỏ ở trường, bố mẹ hãy có mặt để ủng hộ nếu có thể. Bằng cách này, trẻ sẽ được tiếp thêm động lực và tình yêu thương, hiểu rằng gia đình có nghĩa là luôn bên nhau và chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt.
5. Kiểm soát áp lực
Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) là thuật ngữ phổ biến thời gian gần đây, miêu tả áp lực của mỗi người khi chứng kiến thành công của bạn bè cùng lứa, theo cách khá tiêu cực. Áp lực này xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không chỉ riêng trẻ con hay người lớn. Nếu các bậc phụ huynh thể hiện sự cay cú hoặc ganh đua với bạn bè một cách không lành mạnh, trẻ cũng có thể học theo. Khi quá áp lực vì những gì người khác đạt được thay vì tập trung phát triển bản thân, chất lượng cuộc sống có thể sụt giảm.
6. Thể hiện lòng tốt
Sự tử tế có sức mạnh lan truyền đáng kinh ngạc, và sự vô cảm cũng thế. Chỉ với hành động đơn giản là nhường ghế cho bà bầu trên xe buýt hoặc giúp người già qua đường, bạn có thể dạy trẻ bài học dễ nhớ về lòng tốt và sự bao dung.
7. Tạo nề nếp
Trẻ cần tình yêu và sự quan tâm của bố mẹ, nhưng chúng cũng cần kỷ luật. Một cuộc sống thiếu quy tắc và nề nếp có thể gây ra nhiều vấn đề về hành vi và sức khỏe của trẻ. Điều này có nghĩa phụ huynh nên xây dựng lịch trình hợp lý mỗi ngày cho chính mình và cả gia đình.
8. Giới thiệu cho trẻ công việc của bố mẹ
Hãy đưa trẻ đến công ty nếu có cơ hội, hoặc thi thoảng chuyện trò với con về công việc của mình. Trẻ sẽ hiểu được phần nào những nỗ lực bố mẹ thực hiện hàng ngày để lo cho cuộc sống và chăm sóc gia đình.
9. Hãy trung thực
Phụ huynh cần thẳng thắn với con thay vì vòng vo những lúc không cần thiết. Những lời nói dối vô hại không phải lúc nào cũng nên được áp dụng.
10. Đừng quá lý thuyết
Hãy thực hành mỗi ngày những gì bạn tìm hiểu về cách nuôi dạy con. Mỗi người có một trải nghiệm riêng trên hành trình làm cha mẹ. Hành trình đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn giữ vững lập trường và quy tắc của riêng mình, đồng thời linh hoạt trong cách thể hiện và luôn học cách lắng nghe con.