Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, cha mẹ đi làm, con cái đi học nên khoảng thời gian dành cho nhau thật sự ít ỏi. Chính vì thế, bố mẹ càng cần phải trân trọng những khoảnh khắc khi được ở bên con, đặc biệt đây chính là lúc bố mẹ thể hiện tình yêu thương cũng như dạy con qua những phương pháp giáo dục riêng của từng gia đình.
Vậy trong một ngày, khoảng thời gian nào là quan trọng nhất? Đó chính là thời điểm trước khi đi ngủ. Mỗi trẻ sẽ có giờ ngủ khác nhau, dao động từ 20h tối đến 22h tối. Trước thời điểm ngủ 1 tiếng là lúc cha mẹ và con cái có nhiều cơ hội để cùng trò chuyện, học tập hay đơn giản là chơi một trò chơi, tâm sự về những câu chuyện thú vị.
Nhân cơ hội này, bố mẹ hãy để trẻ phát huy EQ, IQ qua các dạng hoạt động dưới đây, chắc chắn không chỉ giúp trẻ phát triển về trí tuệ, tinh thần mà còn gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Thế nên, bố mẹ càng cần trân trọng khoảng thời gian này với con.
Mặt khác, những nghiên cứu khoa học về não bộ cho thấy, 1 tiếng trước khi ngủ là thời điểm vàng để thúc đẩy cấu trúc của não bộ trẻ nhỏ. Trẻ từ 1 đến 6 tuổi nếu được bố mẹ dành thời gian mỗi ngày trước khi ngủ có thể thúc đẩy EQ, IQ, tính độc lập và nhiều khía cạnh khác. Dưới đây là một số gợi ý mà bố mẹ có thể làm cùng con trong 1 tiếng trước giờ ngủ.
1. Chơi cùng con những trò nhẹ nhàng
Nghiên cứu của Học viện MIT phát hiện ra rằng, cách tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ em chính là vui chơi. Trước khi đi ngủ, bố mẹ có thể cùng con chơi những trò chơi nhẹ nhàng như xếp hình khối, vẽ tranh, chơi đóng vai hoặc các loại trò chơi giáo dục khác. Không nên tham gia vào những trò chơi cảm giác mạnh hay gây sợ hãi vì nó có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ tối của con.
Ngoài ra, khi chơi những trò chơi này, trẻ sẽ có cơ hội được học hỏi, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo qua từng trò chơi. Bên cạnh đó, cùng con chơi đùa sẽ giúp trẻ tránh xa các thiết bị điện tử như điện thoại, iPad... có hại cho sức khỏe.
2. Tâm sự với con về mọi chuyện
Đây chính là cách tốt nhất để kết nối cảm xúc giữa các thành viên trong gia đình. Trò chuyện với con là cả một nghệ thuật mà nếu thiếu sự tinh tế, bố mẹ dễ khiến mối quan hệ bố mẹ và con cái sẽ có sự xa cách. Nhiều khi, những câu hỏi đơn giản như: "Ngày hôm nay của con thế nào?" cũng có thể khiến con không muốn ở cạnh hay dành thời gian với bố mẹ. Đó là lý do vì sao bất kể con nhỏ hay lớn, việc bố mẹ cần làm chính là đặt mình vào con, xem thử con thực sự cần gì.
Bên cạnh đó, hãy dành thời gian chất lượng cho con bằng cách tập trung chơi với trẻ. Việc bạn vừa làm việc vừa nói chuyện với con khiến con cảm thấy mình không quan trọng đối với bố mẹ. Trái với suy nghĩ của bạn, trẻ con không phải lúc nào cũng có tâm trạng để nói chuyện đâu. Thế nên một khi con đã chủ động nói chuyện với bạn nghĩa là con cần sự chú ý cao độ của bạn.
Nếu không nhận được sự quan tâm, con sẽ dễ mang tâm lý mình không phải là ưu tiên của bố mẹ, không quan trọng với bố mẹ. Từ đó, con lại càng thu mình, không muốn chia sẻ cảm xúc với bố mẹ nữa. Đó là lý do khi trẻ đã tìm đến bạn nghĩa là trẻ có chuyện quan trọng cần nói. Ngưng việc bạn đang làm, giao tiếp với trẻ bằng ánh mắt và hoàn toàn tham gia vào cuộc trò chuyện, đó là những gì bạn nên làm để con tin tưởng mình hơn.
Ngay cả khi vấn đề đó đối với bạn thật đáng buồn cười, bạn vẫn phải nghiêm túc với vấn đề con đang gặp phải. Thay vì cười cợt, bạn nên chia sẻ về những trải nghiệm hay ký ức của bạn về vấn đề này nếu có để giúp con có cách giải quyết vấn đề tốt hơn.
Ngoài ra, những chuyện thầm kín con đã thổ lộ, bạn cũng không được kể với ai khác. Con đã rất tin tưởng mới kể bí mật của mình với bố mẹ và việc bạn kể với mọi người sẽ khiến con càng muốn giữ kín bí mật với bố mẹ hơn. Đó là hành vi làm tổn thương lòng tự trọng của con mà bố mẹ nhất định không được phạm phải.
3. Kể chuyện cho con nghe trước khi đi ngủ
Kể chuyện cho bé nghe trước khi đi ngủ không chỉ giúp bé yêu của bạn ngủ ngon hơn mà còn đem lại rất nhiều lợi ích cực kỳ thiết thực trong việc giáo dục trẻ nhỏ.
- Trẻ học được tính kiên nhẫn: Kiên nhẫn là một đức tính quý giá trong cuộc sống. Cha mẹ hoàn toàn có thể dạy cho trẻ đức tính này khi còn rất nhỏ thông qua việc lắng nghe đọc sách. Việc phát triển tính kiên nhẫn giúp con lắng nghe tích cực hơn và giúp cha mẹ đồng hành được với con ngay từ giai đoạn đầu đời. Bằng cách đó, trong tương lai, con sẽ là một người biết lắng nghe và được mọi người quý trọng.
- Làm giàu vốn từ vựng của trẻ: Đọc sách không chỉ tốt cho người lớn mà còn rất tốt cho những đứa trẻ ngay khi còn nhỏ. Theo một nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Rhode Island, những đứa trẻ được đọc sách thường xuyên hiểu nhiều từ vựng hơn so với những đứa trẻ không được đọc. Kết quả cho thấy, khả năng tiếp thu từ vựng của những đứa trẻ tăng 40%, trong khi đó nhóm không được đọc là 16%.
- Giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng: Đọc sách là cách tự nhiên giúp khơi dậy trí tưởng tượng của những đứa trẻ. Chúng ta càng đọc nhiều cho con nghe, con càng dễ hình dung những câu chuyện trong tâm trí. Sự rèn luyện liên tục của não bộ sẽ cải thiện khả năng tưởng tượng của trẻ. Giúp trẻ trở nên sáng tạo và cởi mở với những ý tưởng mới.
- Giúp trẻ dễ đồng cảm, thấu hiểu: Một điều cha mẹ cần biết là sách và sự đồng cảm luôn đi đôi với nhau. Khi trẻ được đọc hoặc tự đọc truyện, trẻ có cơ hội xem và trải nghiệm câu chuyện đó theo quan điểm của nhân vật trong truyện. Bằng cách đó, những đứa trẻ có thể hiểu những gì đang xảy ra với những nhân vật và hiểu cảm xúc của chính bản thân mình. Từ đó, sự cảm thông, thấu hiểu với mọi người xung quanh sẽ được hình thành ngay từ khi còn bé.
- Cải thiện kỹ năng trò chuyện cho trẻ: Đọc sách cải thiện khả năng tương tác và giao tiếp của trẻ. Trong khi đọc sách cho con, các bé sẽ liên tục hỏi những câu "Vì sao?" nhưng cha mẹ đừng bực dọc, khó chịu nhé! Hãy kiên nhẫn giải thích cho con, đây là việc làm rất tốt.
- Dạy trẻ cách tập trung: Trẻ em thường rất dễ bị phân tâm. Vì vậy, việc đọc sách trước khi đi ngủ cho con có thể rèn cho con sự tập trung và khả năng chú ý. Những đứa trẻ phải lắng nghe và ngồi yên để có thể hiểu được câu chuyện. Điều này giúp trẻ rèn được sự tập trung, bình tĩnh trước mọi việc.
- Truyền cảm hứng đọc sách: Bằng cách bắt đầu đọc cùng con khi chúng vẫn còn nhỏ, cha mẹ đang dần giúp con phát triển niềm đam mê với sách. Trẻ em, khi tiếp xúc với sách từ sớm sẽ có khả năng chọn sách thay vì các hình thức giải trí khác như trò chơi điện tử, xem TV... ngay cả khi chúng lớn lên.
- Gắn kết với bố mẹ: Khi bố mẹ dành thời gian để đọc hoặc kể câu chuyện cho con trước khi đi ngủ, mối quan hệ tình cảm thân thiết và bền chặt sẽ được phát triển giữa bố mẹ và con cái của họ. Ngoài ra, khi kể chuyện, bố mẹ có thể trao đổi, trò chuyện, chia sẻ với con về một chủ đề có sẵn hoặc về các nhân vật trong truyện. Từ đó, phụ huynh có thể giúp bé hiểu rõ hơn về nội dung và ý nghĩa của câu chuyện. Hoặc đơn giản hơn, bố mẹ chỉ cần thể hiện rằng họ luôn sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của trẻ nhỏ khi trẻ đối mặt với những vấn đề mới, dù là tiêu cực hay tích cực, thì đó cũng là cơ hội để bố mẹ có thể giáo dục bé.
Theo Phụ nữ Việt Nam