1 người tử vong vì bị dại sau khi giết mổ chó ở Hà Nội: Bệnh dại lây truyền thế nào?

Hương Giang| 25/10/2022 16:28

Trong tuần vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận một trường hợp tử vong vì bệnh dại. Đáng chú ý, bệnh nhân không bị chó cắn mà tham gia giết mổ chó. Vậy phương thức lây truyền bệnh dại ra sao?

1 người tử vong vì bị dại sau khi giết mổ chó ở Hà Nội: Bệnh dại lây truyền thế nào?
Bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách.

Bệnh dại lây truyền thế nào?

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, đó là bệnh nhân nam, 50 tuổi (trú tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội). Qua khai thác bệnh sử, trong vòng hai tháng nay, bệnh nhân có tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn.

Cả hai con chó đều khỏe mạnh được nuôi hơn năm tháng trong thôn, không được tiêm phòng, không rõ có bị cắn hay vết thương khi mổ chó. Bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.

Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt.

Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có virus dại. Sau đó, virus dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.

Sự lây truyền bệnh dại qua đường không khí đã được chứng minh trong quần thể loài dơi sống ở hang động và ở môi trường phòng thí nghiệm. Tuy vậy, cũng rất hiếm xảy ra.

Sự lây truyền từ loài dơi hút máu bị nhiễm virus dại đến súc vật nuôi trong nhà cũng gặp ở Châu Mỹ La Tinh. Những loài dơi ăn sâu bọ bị nhiễm virus dại ở Mỹ rất hiếm lây truyền bệnh dại sang những súc vật sống trên mặt đất, kể cả súc vật hoang dã hoặc súc vật nuôi trong nhà.

Tuyệt đối không được điều trị bệnh dại bằng thuốc nam

Về các biện pháp chống dịch, Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người.

Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.

Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.

Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm.

Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/1-nguoi-tu-vong-vi-bi-dai-sau-khi-giet-mo-cho-benh-dai-lay-truyen-the-nao-1108985.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/1-nguoi-tu-vong-vi-bi-dai-sau-khi-giet-mo-cho-benh-dai-lay-truyen-the-nao-1108985.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
1 người tử vong vì bị dại sau khi giết mổ chó ở Hà Nội: Bệnh dại lây truyền thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO