Xem clip:
Anh Phạm Phú Thanh (27 tuổi), sinh ra trong gia đình nông dân ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Lớn lên, chàng trai này sinh nhai bằng nghề thợ hồ, cuộc sống khá chật vật.
Năm 2014, Thanh thấy anh em cùng làm thợ hồ nuôi rắn ri voi rất thành công, anh bàn bạc với gia đình, quyết định bỏ ra 5 triệu đồng mua 100 con rắn ri voi giống về nuôi. Loài rắn này hiền, không có nọc độc, giá thị trường luôn cao.
Do là thợ hồ nên việc xây bể nuôi rắn với anh Thanh khá dễ dàng. Bể nuôi rắn của anh ban đầu rộng khoảng 8m2.
“Tiền công làm thợ hồ 8 năm trước của tôi chỉ 200.000 đồng/ngày, bởi vậy khi bỏ ra 5 triệu đồng mua rắn ri voi giống chỉ bằng ngón tay về nuôi tôi cũng e dè. May mắn, rắn phát triển tốt, lớn nhanh”, anh Thanh kể lại.
Sau 2 năm chăm sóc, rắn ri voi bắt đầu sinh sản, anh Thanh bán lứa đầu tiên. Đến nay, anh có 100 con rắn bố mẹ, mỗi con nặng từ 4-6kg. Hằng năm, chúng đẻ gần 2.000 rắn con. Với rắn con, anh Thanh xây bể rộng khoảng 2m2 để nuôi. Tổng diện tích nuôi rắn bố mẹ và rắn con của anh Thanh là 10m2.
“Rắn giống từ 15 đến 30 ngày tuổi, tôi mới xuất bán với giá 90.000 đồng/con. Năm trước tôi bán hơn 1.000 con rắn con, dự kiến năm nay bán từ 1.400-1.600 con”, anh Thanh chia. Người mua rắn giống của anh ở khắp các tỉnh miền Tây.
Theo anh Thanh, rắn ri voi là loài dễ nuôi, nhàn công chăm sóc. Để rắn phát triển nhanh, anh Thanh cho ăn thức ăn công nghiệp, sau đó mới bắt cá cho rắn ăn. Đây là cách để rắn lớn nhanh. Ngoài việc cho ăn cá trê, anh Thanh cũng thường xuyên thay nước, vệ sinh bể nuôi rắn.
Nuôi rắn trong bể xi măng, anh dễ theo dõi được tập tính sinh hoạt của rắn và quan sát chất lượng nước. Nếu con nào bệnh thì bắt ra ngoài để trị. Trong bể, anh để dây nilon để rắn trốn bên dưới. “Lâu lâu có con rắn ri voi bị nấm da thì anh bắt ra ngoài, pha thuốc ngâm; sau đó rắn thay da là hết”, anh kể.
Rắn ri voi sinh sản từ tháng 4-6 âm lịch, mỗi lứa rắn mẹ đẻ từ 25-30 con. “Ngoài lương từ thợ hồ, thì nuôi rắn ri voi tôi có thêm thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm”, anh Thanh bật mí.
Thiện Chí