YouTube đang cổ xúy cho video nhảm, vi phạm pháp luật tràn lan tại Việt Nam

13/10/2020 10:06

Những video như chủ tịch giả nghèo và cái kết, thử thách 24h hay troll người khác ngày càng phổ biến trên YouTube. Dù có nội dung vô bổ, chúng lại thu hút hàng triệu lượt xem.

Đầu tháng 9, Nguyễn Văn Hưng - chủ sở hữu của kênh YouTube Hưng Troll đã đăng tải một video với nội dung luộc gà nguyên lông để troll em gái. Ngay sau đó, Thanh tra Sở TT-TT Bắc Giang đã xử phạt hành chính Nguyễn Văn Hưng 7,5 triệu đồng vì hành vi trên.

Đến ngày 3/10, Hưng Vlog tiếp tục đăng tải video có tựa đề "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết" và bị phạt 10 triệu đồng. Nội dung video ghi lại quá trình Hưng lấy trộm tiền trong heo đất của em trai và em gái mình.

Video chứa nội dung nhảm nhí, vô bổ “lên ngôi”

Trên thực tế, đây chỉ là 2 trong số hàng chục video có nội dung nhảm nhí từng được đăng tải trên kênh YouTube Hưng Troll. Đồng thời, kênh YouTube này cũng chỉ là một trong số vài chục kênh chuyên đăng tải các nội dung vô bổ như vậy.

YouTube đang cổ xúy cho video nhảm, vi phạm pháp luật tràn lan tại Việt Nam - 1
Những video chứa nội dung nhảm nhí luôn thu hút hàng triệu lượt xem.

Chỉ cần gõ vào ô tìm kiếm trên YouTube với từ khóa “troll”, người xem có thể dễ dàng tìm ra được hàng chục channel chuyên đăng tải các video có nội dung nhảm nhí tương tự. Không khó để nhận thấy, nội dung của các video trên những kênh YouTube này đều đi theo xu hướng phản cảm, gây tò mò hoặc tranh cãi.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều YouTuber Việt thậm chí còn làm cả những nội dung gây tranh cãi, phản cảm hơn như giang hồ mạng, làm thử thách nguy hiểm, ngớ ngẩn, thậm chí là vi phạm pháp luật như thử ma túy.

“Những video nào càng gây ra nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều lại càng thu hút được lượng tương tác cao. Số lượt xem video tăng cao có thể kéo theo thu nhập từ quảng cáo cao hơn. Thậm chí, không ít lần những dạng video như vậy còn lọt top thịnh hành trên YouTube”, ông Hà Minh Đức, một người làm YouTube chuyên nghiệp với kinh nghiệm gần 5 năm chia sẻ.

Theo số liệu từ Socialblade, những kênh YouTube chuyên sản xuất nội dung nhảm nhí như NTN Vlogs, PHD Troll hay Lâm Vlog đều đang nắm giữ các vị trí rất cao trong bảng xếp hạng kênh YouTube lớn nhất tại Việt Nam. 

Đơn cử, kênh YouTube NTN Vlogs hiện sở hữu hơn 9 triệu người theo dõi cùng gần 2 tỷ lượt xem và hiện là kênh YouTube lớn thứ 4 tại Việt Nam. Thậm chí, con số trên còn vượt xa kênh YouTube của ca sĩ Sơn Tùng M-TP khi anh chàng này chỉ có 7,8 triệu người theo dõi cùng 1,6 tỷ lượt xem, xếp thứ 9.

YouTube “muốn” bạn xem những video nhảm

Những video với nội dung nhảm nhí tràn ngập trên YouTube không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến người xem mà còn gây hại cho cả những nhà sáng tạo nội dung “sạch” khác. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà các nội dung gây tranh cãi được nhiều người tập trung khai thác trên YouTube.

Trong quá khứ, không ít lần hệ thống đề xuất video tự động của YouTube bị chỉ trích vì tự đưa ra những video thuộc chủ đề độc hại, dù người dùng không chủ động tìm kiếm đến chúng.

YouTube đang cổ xúy cho video nhảm, vi phạm pháp luật tràn lan tại Việt Nam - 2
Cựu nhân viên Google tiết lộ thuật toán mà YouTube dùng để kéo dài thời gian của người xem.

Google cho biết hệ thống đề xuất của họ được áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để gợi ý những gì phù hợp nhất đối với người xem. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống này tồn tại rất nhiều vấn đề.

“Thật tệ khi YouTube sử dụng AI để đề xuất video. Nếu hoạt động đúng, nó sẽ giúp bạn tìm được chính xác thứ mình muốn. Tuy nhiên, vấn đề là trí tuệ nhân tạo không được tạo nên để cho bạn thấy thứ mình muốn, mà để bạn nghiện YouTube. Hệ thống đề xuất được thiết kế để tiêu tốn thời gian của người dùng”, Guillaume Chaslot, cựu nhân viên của Google từng làm việc với thuật toán đề xuất chỉ ra vấn đề.

Chaslot nói thêm rằng tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một đề xuất ”thành công” nằm ở thời gian xem. Thời gian xem càng dài, YouTube càng hiển thị được nhiều quảng cáo hơn tới người dùng, dù cho đó chưa hẳn là thứ mà người dùng muốn.

Chính vì thế, những nội dung như thuyết âm mưu, tin giả sẽ được đề xuất thường xuyên hơn. Những nội dung như thế này được xếp vào dạng “nhạy cảm”, nhưng không vi phạm chính sách của YouTube. Càng có nội dung nhạy cảm, gây tranh cãi, video càng dễ khiến người xem bấm vào và xem lâu hơn, và lại càng được hệ thống đề xuất nhiều hơn.

Còn nữa...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
YouTube đang cổ xúy cho video nhảm, vi phạm pháp luật tràn lan tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO