YouTube chia sẻ cách tính thu nhập mới cho các nhà sáng tạo nội dung

12/07/2020 15:21

Thông qua một chỉ số hoàn toàn mới có tên RPM, các nhà sáng tạo nội dung có thể biết họ kiếm tiền từ đâu trên YouTube và cách để cải thiện nội dung sao cho kiếm được nhiều doanh thu hơn.

Các nhà sáng tạo nội dung trong chương trình Đối tác của YouTube có thể kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như quảng cáo, đăng ký kênh, quyên góp, tính năng phát trực tiếp và doanh thu từ YouTube Premium. Nói cách khác, có rất nhiều cách kiếm tiền khác nhau từ YouTube nhưng trước nay dịch vụ này hiếm khi chia sẻ cụ thể với tất cả các nhà sáng tạo.

Mới đây, YouTube đã tập hợp tất cả các cách kiếm tiền đó vào một nơi và cung cấp thông tin đó cho các nhà sáng tạo nội dung dưới dạng một chỉ số đo lường mới có tên RPM.

Thep Theverge, RPM hoặc revenue per mille (doanh thu trên mỗi ngàn lượt xem) là một chuẩn đo lường mới cho các nhà sáng tạo nội dung có thể so sánh với CPM (chi phí trên mỗi ngàn lượt xem). Mặc dù thoạt nghe hai hai chuẩn đo này có vẻ giống nhau nhưng cách sử dụng lại khác nhau. Chuẩn đo RPM hữu ích hợp nhiều đối với những người sáng tạo nội dung đang cố gắng phát triển kênh của họ và biết kiếm tiền từ đâu.

CPM đo lường chi phí cho mỗi 1 ngàn lần hiển thị quảng cáo trước khi YouTube chia sẻ doanh thu. Trong khi RPM lại hiển thị tổng doanh thu của người sáng tạo nội dung, cả từ quảng cáo và các nguồn tiền khác sau khi YouTube lấy lại phần doanh thu chia sẻ. Tất nhiên chỉ số này không đại diện cho những thay đổi về số tiền mà họ kiếm được. Thay vào đó, nó giúp người sáng tạo nội dung hiểu rõ hơn về cách họ kiếm tiền và chia sẻ doanh thu với YouTube.

Nếu CPM là thước đo chính cho nhà quảng cáo thì RPM lại được thiết kế riêng cho người sáng tạo nội dung. Ví dụ RPM bao gồm tổng số lượt xem video, bao gồm cả video được bật kiếm tiền. Như vậy người sáng tạo nội dung có thể dựa vào thước đo RPM để biết họ đã lỡ bao nhiêu tiền từ các video không đủ điều kiện bật kiếm tiền, từ đó giúp họ vạch ra các chiến lược thay đổi nội dung và tăng doanh thu trong tương lai.

Việc YouTube giới thiệu chỉ số RPM không có nghĩa chỉ số CPM không còn quan trọng. Bởi chỉ số CPM càng cao thì nhà quảng cáo sẽ càng phải trả nhiều tiền cho quảng cáo đó và nhà sáng tạo nội dung sẽ được hưởng số tiền đó. Nếu một kênh YouTube có chỉ số CPM cao, nó cũng là dấu hiệu cho thấy giá trị của kênh.

YouTube đang thực hiện các thay đổi khác nhau để giúp các nhà sáng tạo nội dung dễ dàng kiếm được nhiều doanh thu hơn từ quảng cáo, bao gồm cho phép người sáng tạo chèn quảng cáo vào giữa các video có thời lượng trên 8 phút vào cuối tháng này. Trước đây thường chỉ các video dài trên 10 phút mới được phép bật quảng cáo giữa video.

CEO YouTube, Susan Wojcicki từng chia sẻ trong một lá thư ngỏ tới cộng đồng sáng tạo nội dung rằng, tính minh bạch là điều mà cô và nhóm phát triển luôn hướng tới. Một trong vấn đề mà nhóm nhắc tới, đó là tính minh bạch xoay quanh nguồn thu của các nhà sáng tạo. Vì vậy sự xuất hiện của RPM được kỳ vọng sẽ giúp YouTube và nhà sáng tạo hiểu nhau tốt hơn.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
YouTube chia sẻ cách tính thu nhập mới cho các nhà sáng tạo nội dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO