Xây một bệnh viện Trung ương ở vùng Tây Nguyên là nhu cầu cấp bách

BẢO TRUNG| 15/11/2021 17:25

Bộ Y tế đang nghiên cứu việc thành lập một bệnh viện trực thuộc Trung ương đặt tại vùng Tây Nguyên để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và hỗ trợ mọi mặt cho công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai.

Ngày 15.11, trao đổi với Lao Động, ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (trực thuộc Bộ Y tế) - cho hay: Bộ Y tế đang có chủ trương mở một bệnh viện trực thuộc Trung ương tại khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, địa điểm đặt cơ sở y tế này ở tỉnh nào trong vùng và cách thức triển khai ra sao thì vẫn còn đang nghiên cứu.

Có cơ sở để Bộ Y tế thành lập một bệnh viện tại khu vực này vì khoảng cách địa lý xa xôi, mô hình bệnh tật thay đổi rất nhiều; đặc biệt là dịch COVID-19 đang hoành hành, lực lượng chức năng các địa phương phải rất vất vả phòng, chống. Ngoài ra, nhu cầu về hồi sức, cấp cứu rất lớn nhưng đây là mảng mà các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đang thiếu và yếu.

Việc bổ sung lực lượng làm công tác hồi sức cấp cứu đang rất cần và nếu có một bệnh viện trực thuộc Trung ương sẽ giải quyết được vấn đề này. Đó là chưa kể các ngành khác như nội, sản, nhi cũng được nâng cao và sẽ giảm tải rất nhiều cho Hà Nội hay TP.HCM. Khi bệnh viện Trung ương mới hoạt động thì đây sẽ là đầu tàu hỗ trợ trực tiếp cho ngành y tế cả khu vực.

Theo ông Chiến, cũng giống như viện đang hỗ trợ cho hệ thống y tế dự phòng ở Tây Nguyên, khi cần các bác sĩ sẽ căn cứ theo đặc thù riêng của vùng Tây Nguyên để điều trị bệnh nhân, đặc biệt là những người bị tim mạch, đột quỵ, ung thư. Dù hiện nay, Tây Nguyên đã xử lý được vấn đề này nhưng vẫn còn hạn chế. Từ đó, người dân và nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được tiếp cận hệ thống y tế hiện đại, nhu cầu khám chữa bệnh sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.

Lực lượng y tế tỉnh Đắk Lắk tập trung xét nghiệm cho người dân tại một ổ dịch COVID-19. Ảnh:Bảo Trung
Lực lượng y tế tỉnh Đắk Lắk tập trung xét nghiệm cho người dân tại một ổ dịch COVID-19. Ảnh: B.T

"Khi xây xong bệnh viện, các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có thể nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề tại đây. Nhiều bác sĩ giỏi trước đây rời Tây Nguyên không phải vì vấn đề lương, thưởng nhưng do đơn vị đang công tác thiếu hụt trang thiết bị. Trong khi họ còn đó nhiều khát vọng nâng cao trình độ, học tập trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nên buộc phải rời đi" - ông Chiến nhấn mạnh.

Một chốt kiểm soát dịch COVID-19 có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Đắk Lắk. Ảnh: B.T
Một chốt kiểm soát dịch COVID-19 có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Đắk Lắk. Ảnh: B.T

Thực tế, dịch COVID-19 bùng phát hay xa hơn là bệnh bạch hầu lan rộng (hồi năm 2019) đã để lộ nhiều bất cập trong hệ thống y tế cấp cơ sở lẫn tuyến cuối của các địa phương trong vùng Tây Nguyên. Dù đã rất nỗ lực kiểm soát, dập nhanh các ổ dịch COVID-19 khi chỉ mới nhen nhóm xuất hiện nhưng do thiếu hụt nhân sự lẫn trang thiết bị y tế nên chính quyền cả 5 tỉnh phải rất vất vả chống đỡ mới tạm thời kiểm soát được tình hình.

Việc Bộ Y tế sớm mở một bệnh viện trong vùng này sẽ là "bước đi" chiến lược, hỗ trợ, củng cố phần nào hệ thống y tế, bổ sung nhân sự ngành y và đáp ứng nhu cầu khám chữ bệnh của người dân đồng bào các dân tộc trên toàn khu vực Tây Nguyên rộng lớn. Đây là điều mà bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk) dù những năm qua đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa thể nào làm được.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xây một bệnh viện Trung ương ở vùng Tây Nguyên là nhu cầu cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO