Xúc động dòng sổ tang tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

14/08/2020 12:53

Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ... bày tỏ sự xúc động, thương tiếc vô hạn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong sổ tang.

Sáng 14/8, tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đồng thời được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và Hội trường 25B (đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá)

Sau khi dâng hương viếng, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã chia sẻ nhiều cảm nhận về con người, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Xúc động dòng sổ tang tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. (Ảnh: Ngọc Anh)

Trong sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: "Vô cùng thương tiếc đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Đồng chí là một người cộng sản chân chính, đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng chí là một nhà lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm, nhà chính trị, quân sự đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Đảng, phát triển đất nước".

Xúc động dòng sổ tang tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - 2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết trong sổ tang.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

"Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa đồng chí Lê Khả Phiêu - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. 

Đồng chí Lê Khả Phiêu mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân, bạn bè, đồng chí, đồng đội và gia quyến đồng chí; đồng thời để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế. 

Xin nguyện noi gương đồng chí, tay nắm chặt tay, đoàn kết một lòng, vững bước tiến lên trên con đường cách mạng, ra sức phấn đấu vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Xin vĩnh biệt người đồng chí, người Anh quý mến, mong Anh mãi bằng an yên nghỉ nơi cao xanh, vĩnh hằng", Thủ tướng viết trong sổ tang.

Xúc động dòng sổ tang tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết trong sổ tang.

Xúc động “Chào vĩnh biệt Anh Năm”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Đồng chí Lê Khả Phiêu, trong thời chiến cũng như thời bình, từ cán bộ cấp thấp đến cương vị Tổng bí thư của Đảng, bất cứ hoàn cảnh nào, cả những thách thức gay gắt từ nhiều phía, đồng chí luôn kiên định, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, khiêm tốn, gần gũi, gắn bó với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, được mọi người yêu mến, tín nhiệm, đã để lại dấu ấn tốt đẹp, nhất là trong đấu tranh vũ trang và trong xây dựng Đảng”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lòng tiếc thương người cộng sản chân chính, kiên trung, luôn đau đáu việc Đảng, việc nước, việc dân.

Xúc động dòng sổ tang tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - 4

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân viết sổ tang. (Ảnh:Thế Quang)

Ông Nhân viết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM vô cùng thương tiếc, thành kính tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, người Cộng sản chân chính, kiên trung, ngời sáng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy tâm huyết, một nhà lãnh đạo tài năng, có tác phong giản dị, gần gũi mọi người, thương dân, trọng dân, luôn đau đáu việc Đảng, việc nước, việc dân".

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949. Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Uỷ viên Bộ Chính trị khóa VII, khóa VIII; Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001); Đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, ông đã từ trần hồi 2h52 ngày 7/8/2020 (tức ngày 18 tháng 6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Ông mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Để tỏ lòng tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông với nghi thức Quốc tang.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xúc động dòng sổ tang tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO