Người làm y tế Sơn Lôi chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19

11/03/2020 12:38

Giữa thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nước ta, sự thành công trong dập dịch ở Sơn Lôi gợi ra rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó có những bài học về y tế.

Y tế thôn: Khi mỗi người dân trở thành “bác sĩ” của riêng mình

Sơn Lôi, ngày 09/03.

5 ngày kể từ khi chính thức được gỡ lệnh phong tỏa, cuộc sống của người dân trong xã đã dần trở lại bình thường.

Trước thềm nhà, ông Hiếu và những “người bạn già” ngồi nhâm nhi ly nước chè, hàn huyên tâm sự. Trong câu chuyện của mình, như một thói quen, họ vẫn hay nhắc về vấn đề dịch dã, về việc làm thế nào để phòng dịch cho hiệu quả.

Sơn Lôi đã trở lại bình yên, nhưng tinh thần chống dịch và ký ức về những ngày cùng chung tay dập dịch vẫn luôn ở lại với người dân, nhất là những người làm công tác y tế thôn như ông Hiếu.

Ông Lê Văn Hiếu là trưởng thôn Nhân Nghĩa, xã Sơn Lôi. Khi toàn xã có lệnh phong tỏa, ông Hiếu đăng ký tham gia tổ y tế thôn.

Tổ của ông gồm 8 người, chia thành 4 nhóm, thay phiên nhau đi đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho toàn bộ nhân khẩu trong thôn. Sau đó, tổ có nhiệm vụ tổng hợp số liệu, báo cáo tuyến trên nếu phát hiện người có biểu hiện bệnh.

Ông Hiếu làm công tác kiểm tra thân nhiệt cho người dân trong thôn

Thành viên trong tổ y tế đều là những người xung phong tham gia, bao gồm đại diện của hầu hết đoàn thể trong thôn. “Thời gian đầu, ít người tình nguyện đăng ký vì sợ lây nhiễm virus. Bố tôi bảo, nếu mình cũng lo sợ mà không đi thì lấy ai làm việc này”, chị Lê Thị Dung, con gái ông Hiếu kể.

Hàng ngày, bên cạnh việc đo thân nhiệt, giám sát tình hình sức khỏe của người dân, tổ y tế thôn cũng có nhiệm vụ tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch tới từng hộ gia đình.

Đa phần người dân địa phương chấp hành rất tốt, tuy nhiên cũng có những trường hợp chưa nghiêm chỉnh tuân thủ trong thời gian đầu.

“Chúng tôi thường cố gắng giải thích, thuyết phục để họ hiểu và chấp hành. Tuy nhiên nếu họ vẫn cố ý làm sai, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, tôi sẽ dùng các biện pháp mạnh hơn để buộc thay đổi, như nói chuyện với họ bằng luật pháp”, ông Hiếu cho biết.

Một kinh nghiệm rất hay mà ông Hiếu nhận ra khi công tác trong tổ y tế thôn, là tổ này sẽ hoạt động tốt hơn khi có thành viên là đại diện nhóm liên gia (nhóm liên kết các gia đình trong thôn). Người này có vai trò rất lớn trong việc thuyết phục các gia đình tuân thủ quy định.

Ngoài ra, theo trưởng thôn Nhân Nghĩa, việc làm thế nào để mỗi người dân tự trở thành “bác sĩ” của riêng mình rất quan trọng, nhằm sớm phát hiện các ca nghi nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Bình, 1 người dân thôn Nhân Nghĩa thực hiện việc tự kiểm tra thân nhiệt

Mỗi hộ dân trong các thôn đều được phát 1 chiếc nhiệt kế để đo thân nhiệt bất cứ lúc nào. Họ cũng được hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu bệnh Covid-19. Khi thấy cơ thể biểu hiện bất thường, người dân sẽ thông báo ngay cho tổ y tế để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Y tế xã: thấu hiểu tâm lý người dân và nguyên tắc “cái đầu lạnh”

Nếu như y tế thôn có nhiệm vụ giám sát sức khỏe người dân, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường thì y tế xã đóng vai trò quan trọng trong công tác sàng lọc sớm các ca nghi nhiễm, phân luồng bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, trạm phó trạm y tế xã Sơn Lôi, những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ được chuyển vào phòng khám cách ly (tách biệt với khu khám thường) để khai thác về yếu tố dịch tễ.

Kinh nghiệm của chị Hương trong vấn đề này là phải làm sao cho người dân cảm thấy họ “được” thay vì “mất”, tức là cho dân hiểu lợi ích của việc khai báo trung thực.

Bên cạnh đó, bác sĩ Hương cũng chia sẻ, việc thấu hiểu tâm lý của người dân địa phương qua quá trình công tác lâu năm tại trạm là lợi thế rất lớn giúp nhân viên y tế linh hoạt trong từng tình huống cụ thể.

Các bác sĩ trạm y tế xã Sơn Lôi thực hiện công tác khám và sàng lọc bệnh nhân

Sau khi khám sàng lọc, xe cứu thương chờ sẵn sẽ làm nhiệm vận chuyển bệnh nhân về Trung tâm điều trị Covid-19 thuộc Trung tâm Y tế huyện.

Trạm y tế xã Sơn Lôi có 2 xe cấp cứu, 1 xe chuyên vận chuyển trường hợp nghi mắc Covid-19, xe còn lại vận chuyển các bệnh nhân thông thường nhưng là trường hợp nặng, cấp cứu, dự sinh tới bệnh viện tuyến cao hơn.

“Có 1 vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình này, là việc lợi dụng chuyển tuyến để “thoát” quy định cách ly”, chị Hương tâm sự.

Khi gặp những tình huống như vậy, kinh nghiệm của chị Hương và các đồng nghiệp là luôn giữ “cái đầu lạnh” để mềm mỏng, cứng rắn đúng lúc.

Những ngày Sơn Lôi bị phong tỏa, trạm y tế xã có sự đồng hành 24/24 của tổ công tác Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch. Tổ này làm nhiệm vụ chỉ đạo và trực tiếp giúp đỡ nhân viên y tế địa phương trong công tác dự phòng, thu dung điều trị, xử lý môi trường.

Bác sĩ Hương cho biết, mình luôn nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn, chỉ đạo của tuyến trên. Khi gặp tình huống khó, chị sẽ xin ý kiến của tổ công tác rồi mới đưa ra quyết định.

“Sự đồng nhất từ trên xuống dưới giúp mọi công việc trong trạm y tế luôn được vận hành trơn tru dù khối lượng công việc có thể đôi lúc rơi vào quá tải”, bác sĩ Hương chia sẻ.

Thành công trong công tác dập dịnh ở Sơn Lôi có vai trò rất quan trọng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ tuyến trên. Cùng thời điểm Sơn Lôi bị phong tỏa, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid -19 đã điều động các tổ công tác xuống địa phương với nhiệm vụ như “người chỉ đường”.

Ngay khi có mặt, tổ công tác đã triệu tập tất cả cán bộ từ tỉnh, đến huyện Bình Xuyên, xã Sơn Lôi và các thôn để quán triệt mọi vấn đề. Trong đó, nhấn mạnh việc làm sao để người dân an tâm, thấu hiểu, không hoang mang nhưng cũng không được chủ quan trước dịch bệnh.

Quan điểm của Bộ Y tế là phải tập trung phát hiện, giám sát và cách ly các trường hợp có nguy cơ một cách quyết liệt chứ không nửa vời. Tất cả những người trong cùng hộ gia đình hoặc ca tiếp xúc gần dù chưa có triệu chứng vẫn được coi như người mắc bệnh, phải cách ly ngay lập tức tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên cũng đã điều động bác sĩ về Sơn Lôi để tăng cường nhân lực cho địa phương chống dịch.

Nổi bật Việt Báo
  • NHNN đấu thầu vàng: Giá vàng SJC có thể về quanh 70 triệu đồng?
    Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch bán đấu thầu vàng ngay trong tuần 15-19/4 để tăng cung cho thị trường, hạ giá vàng. Giá vàng miếng được dự báo sẽ giảm nhưng có về ngưỡng 72 triệu đồng/lượng, tương đương giá thế giới?
  • Nhân tố mới nổi
    Nhờ sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP), Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
  • Bóng đá hôm nay 16/4: Lượt về tứ kết Champions League: Barcelona vs PSG, Dortmund vs Atletico Madrid
    Thất bại ở trận lượt đi buộc PSG và Dortmund phải nỗ lực tột cùng trong trận lượt về đêm nay trước hai đại diện của Tây Ban Nha là Barcelona và Atletico Madrid. Nhưng với thực lực hiện tại, rất khó để có một cuộc lội ngược dòng.
  • Ngày 16/4 năm xưa: 10 năm vụ chìm phà Sewol
    Ngày 16/4/2014, Hàn Quốc tang thương như chiến tranh khi chiếc phà Sewol bị lật chìm trên đường từ Incheon đến Jeju làm 304 người thiệt mạng. 10 năm sau thảm họa hàng hải tồi tệ nhất lịch sử đất nước, nhiều gia đình ở Hàn Quốc vẫn hàng ngày đối mặt với nỗi đau ngút trời.
  • Bảng xếp hạng VCK U23 châu Á 2024
    Việt Báo cập nhật bảng xếp hạng VCK U23 châu Á 2024. U23 Việt Nam nằm ở bảng D cùng với các đối thủ là Kuwait, Malaysia và Uzbekistan.
Đừng bỏ lỡ
Người làm y tế Sơn Lôi chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO