Ngân sách phải bồi thường oan sai 225 tỷ đồng, cán bộ chỉ nộp lại... 2 tỷ

03/04/2021 16:31

Hơn 10 năm qua, ngân sách Nhà nước đã phải bồi thường oan sai trên 225 tỷ đồng nhưng chỉ yêu cầu, thu hồi lại được của những cán bộ, công chức làm sai số tiền trên 2 tỷ đồng (!).

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 2/4, ông Lê Thái Phương - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước - cho biết trong thời gian từ 1/1/2010 đến hết năm 2020, các cơ quan Nhà nước đã giải quyết xong trên 420 vụ việc bồi thường oan sai, với số tiền phải bồi thường ước tính trên 225 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo ông Phương, tổng số tiền Nhà nước thu hồi lại được từ cán bộ, công chức gây ra oan sai chỉ hơn 2 tỷ đồng (!).

Ngân sách phải bồi thường oan sai 225 tỷ đồng, cán bộ chỉ nộp lại... 2 tỷ - 1

Ông Lê Thái Phương trả lời tại cuộc họp báo (Ảnh: Nguyễn Trường).

Ông Phương khẳng định với các quy định hiện hành, cán bộ, công chức làm sai phải chịu nhiều trách nhiệm. "Họ có thể bị kỷ luật, đến mức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cuối cùng là trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước nếu ngân sách Nhà nước phải bồi thường oan sai"- ông nói.

Theo ông, trách nhiệm hoàn trả của cán bộ, công chức làm sai được quy định và có cơ chế rất rõ trong Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017 và nghị định hướng dẫn thực hiện luật của Chính phủ.

"Cách thức xác định hoàn trả, xác định lỗi, hành vi vi phạm, nhiều người cùng có lỗi hay 1 người thì luật và nghị định hướng dẫn đều đã nêu rõ. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng luật, chúng tôi đã so sánh với 30 quốc gia thì thấy luật của Việt Nam nghiêm khắc nhất trong trách nhiệm hoàn trả của cán bộ nhà nước làm sai" - ông Phương thông tin.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Bồi thường Nhà nước cho rằng, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017 có cơ chế tốt hơn để hỗ trợ người bị thiệt hại.

Hiện có 2 cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và hướng dẫn người dân bị thiệt hại là Trung tâm hỗ trợ quyền yêu cầu bồi thường thuộc Cục Bồi thường Nhà nước và Sở Tư pháp - cơ quan giúp UBND cấp tỉnh trong việc quản lý giải quyết bồi thường.

"Nếu người bị thiệt hại chưa biết gửi đơn đến cơ quan nào, thì họ cư trú ở đâu có thể gửi đơn tới Sở Tư pháp nơi mình cư trú để được hỗ trợ"- ông Phương nói.

Ngân sách phải bồi thường oan sai 225 tỷ đồng, cán bộ chỉ nộp lại... 2 tỷ - 2

Bộ Tư pháp đang tìm hiểu về câu chuyện gia đình ông Mưu Quý Sường (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) vừa nhận được trên 2,35 tỷ đồng bồi thường oan sai nhưng phải "chi ngay" 900 triệu đồng cho một cá nhân ở công ty luật đã giúp hỗ trợ pháp lý.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, trong quý I/2021 Bộ này đã tiếp nhận và xử lý đối với 21 trường hợp của cơ quan, tổ chức có yêu cầu hướng dẫn giải quyết bồi thường. Bộ Tư pháp đã ban hành 13 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường đối với các trường hợp, còn 8 trường hợp đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu giải quyết.

Đang nghiên cứu vụ việc nhận bồi thường 2,35 tỷ, phải chi 900 triệu

Như Dân trí đã phản ánh, Công an tỉnh Bắc Giang vừa hoàn tất việc chi trả bồi thường oan sai hơn 2,35 tỷ đồng cho gia đình ông Mưu Quý Sường (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).

Ông Sường bị khởi tố tội giết người năm 1977 và mất vì bệnh tật năm 2013. Đến năm 2018, gia đình ông Sường mới được Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai.

Năm 2021, sau 44 năm bị khởi tố oan, gia đình ông Sường được Công an tỉnh Bắc Giang bồi thường oan sai.

Đại diện gia đình ông Sường khẳng định, ngay sau khi nhận đủ số tiền bồi thường từ cơ quan công an, họ đã lập tức đưa 900 triệu đồng tiền mặt để "chia công" cho người đại diện pháp lý của gia đình, đang làm việc tại một công ty luật ở Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết đã nắm được sự việc. "Chúng tôi đang nghiên cứu vụ việc để có hướng xử lý"- bà Mai nói.

Thế Kha

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngân sách phải bồi thường oan sai 225 tỷ đồng, cán bộ chỉ nộp lại... 2 tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO